Nhiễm lạnh, trúng gió: Nguy cơ dẫn đến liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên

Thời gian gần đây một số người nổi tiếng chia sẻ bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên khi đang thực hiện các dự án. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiễm lạnh, trúng gió.
Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do nhiễm lạnh, trúng gió
Trên trang cá nhân, diễn viên L.T. chia sẻ hình ảnh nam diễn viên đang châm cứu trên mặt để điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên khiến nhiều khán giả lo lắng.
Diễn viên L.T. chia sẻ anh gặp tình trạng này do nhiễm lạnh và trúng gió: "Sau chuyến loanh quanh hỏi đường trên Đà Lạt, sáng hôm sau mình đã đơ cứng vai rồi lan lên mặt trái".
Anh cũng nhắn nhủ: "Mình không biết nên khuyên những người dõi theo mình điều gì. Mình chỉ chúc mọi người bình an và phát hiện sớm những triệu chứng như tai biến, tê liệt dây thần kinh, hoặc đột quỵ... để kịp thời xử lý".
Trước đó, ca sĩ D.H.Y. cũng từng chia sẻ việc cô bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, khiến gương mặt bị lệch.
"Tối hôm đó ghi hình xong, tôi đến thẳng bệnh viện cấp cứu. Đầu óc quay cuồng, bao nhiêu suy nghĩ chạy trong đầu. Với người làm nghề như tôi, gương mặt là điều vô cùng quan trọng", nữ ca sĩ kể lại.
Tình trạng liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên không phải là hiếm gặp, đặc biệt khi thay đổi thời tiết, nhiễm lạnh, trúng gió. Như trường hợp của diễn viên L.T, anh cũng chia sẻ do bị nhiễm lạnh, trúng gió.
Nguyên nhân nào dẫn đến liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên
Theo bác sĩ Hoàng Duy Luân, khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Bạch Mai, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (liệt mặt) là hội chứng tổn thương dây thần kinh số 7. Điều này gây nên tình trạng giảm hoặc mất vận động các cơ ở mặt (liệt toàn bộ nửa mặt).
Các bác sĩ cho hay đến 80% nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7 là do bị trúng gió, nhiễm lạnh đột ngột.
Bên cạnh đó, bệnh còn do nhiều nguyên nhân khác khiến dây thần kinh bị chèn ép dẫn đến tình trạng sưng. Hoặc do mắc các bệnh viêm nhiễm như viêm tai xương chũm nhưng không được điều trị kịp thời nên dẫn đến biến chứng, vi rút zona, chấn thương, hoặc tác động từ phẫu thuật ở vùng thái dương, vùng xương chũm, vùng mặt hoặc tai.
"Triệu chứng liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên rất dễ nhận biết và phổ biến là yếu một phần tới liệt hoàn toàn một bên mặt, tiến triển trong vài giờ hoặc vài ngày.
Ngoài ra, các triệu chứng thường gặp có thể nhận biết như mắt nhắm không kín, chảy nước mắt; giảm hoặc mất nếp nhăn trán, rãnh mũi má. Súc miệng nước sẽ bị chảy ra ở khóe miệng bên liệt, thức ăn giắt vào kẽ răng và má.
Tê bì nửa mặt, quanh xương hàm hoặc sau tai. Đau đầu, tăng cảm giác về âm thanh của tai bên bệnh. Giảm vị giác ở 2/3 trước lưỡi bên bệnh kèm giảm tiết nước bọt, nước mắt", bác sĩ Luân nêu rõ.
Chuyên gia này cũng cho hay liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách nếu không sẽ lâu khỏi và gây ra các biến chứng khác như biến chứng về mắt.
Người bệnh có thể bị viêm loét giác mạc, viêm kết mạc, lộn mí, đồng vận (là tình trạng có cơ không tự chủ phối hợp với các hoạt động tự chủ như mắt nhắm khi ăn hoặc cười), tình trạng co thắt nửa mặt sau liệt, chảy nước mắt khi ăn còn gọi là hội chứng nước mắt cá sấu.