Nhật ký người lính công binh trên cầu phao Phong Châu

Tiếng cấp cứu trong đêm
Khoảng 22 giờ 30 ngày 6.4, các cán bộ, chiến sĩ trực thuộc Lữ đoàn 249 (Binh chủng Công binh) chuẩn bị đổ bê tông chân khay tại bến cầu phao Phong Châu (H.Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).
Khi xe bơm đã vào vị trí, buông cần chuẩn bị đổ bê tông, xe trộn nổ máy sẵn sàng, thì xe cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn lao nhanh đến, xin qua cầu hướng sang huyện Lâm Thao.
Thượng tá Nguyễn Văn Tú, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 249, cho biết do các thiết bị đã vào vị trí, cầu phao không đủ rộng cho một làn xe. Anh đề nghị xe quay lại đi đường cầu Ngọc Tháp (cách hơn 40 km) để đảm bảo an toàn và tiến độ thi công.
Tài xế và y tá trên xe cho biết có một bệnh nhi nguy kịch, sốt cao 40 độ C, suy hô hấp phải thở oxy hỗ trợ, cần chuyển viện cấp cứu. Nhận thấy tình huống có thể nguy hiểm đến tính mạng, thượng tá Nguyễn Văn Tú lập tức ra lệnh thu hồi máy bơm, xe trộn dạt vào lề, nhường đường cho xe cấp cứu.
Toàn bộ chiến sĩ nhanh chóng thu cần bơm, hướng xe trộn nép sát vào lề đường. Sau khi xe đi qua, họ tiếp tục bơm nước, trộn bê tông lại từ đầu, đến 1 giờ hôm sau hoàn tất thi công.
Anh Hà Văn Chang (30 tuổi, bố bé gái) gửi lời cảm ơn các chiến sĩ và đội ngũ y bác sĩ đã hỗ trợ gia đình trong lúc nguy cấp.
"Nhờ sự giúp đỡ của các chiến sĩ Lữ đoàn 249, con tôi đã qua cơn nguy kịch, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới", anh Chang xúc động.
Từ tháng 9 năm ngoái, thượng tá Nguyễn Văn Tú cùng đồng đội nhận nhiệm vụ công tác trên cầu phao Phong Châu sau khi cầu cũ bị sập 2 nhịp trong cơn bão số 3.
Hàng ngày, cầu phao hoạt động từ 5 giờ đến 21 giờ giúp người dân các huyện Tam Nông, Lâm Thao, TP.Việt Trì đi lại dễ dàng hơn. Ngoài thời gian này, Lữ đoàn 249 thi công, cải tạo bến vượt. Các cán bộ, chiến sĩ thực hiện song song 2 nhiệm vụ: đảm bảo cầu phao ban ngày và thi công bến ban đêm.
Tranh thủ thời gian rảnh trên cầu phao nối 2 bờ Phong Châu, thượng tá Nguyễn Văn Tú viết nhật ký công tác, mong muốn lan tỏa hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 249 nói riêng và Binh chủng Công binh nói chung.
"Mẹ ơi, con đang trên cầu Phong Châu"
Một lần ngồi bên mép cầu, thượng tá Tú nhớ về mẹ, về những ngày bé được mẹ dắt ra bến sông gần nhà nhìn từng con thuyền nhỏ, từng bãi ngô ven bờ. Ngày đó, anh chưa bao giờ nghĩ một ngày nào đó, chính mình sẽ góp phần giữ vững con đường nối đôi bờ quê hương.
Trong dòng nhật ký xúc động viết về mẹ, anh Tú tâm sự, ngoài nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên cầu phao, Lữ đoàn 249 đang gấp rút cải tạo bến vượt, sẵn sàng giúp người dân trong những đợt mưa bão sắp tới.
"Chúng tôi phải gia cố bờ kè, mở rộng đường dẫn, gia cố từng tấm ván, từng thanh sắt để bến vững chãi hơn", anh kể.
Công việc nặng nhọc, lưng áo ướt sũng mồ hôi, đôi bàn tay chai sạn vì vác gỗ, vác sắt, có những hôm trời mưa phùn giá lạnh, chân lấm bùn, vai trĩu nặng, nhưng ai cũng động viên nhau: "Mùa mưa bão sắp đến, nước sông lên to bất cứ lúc nào, phải làm nhanh lên để bà con còn có đường qua sông an toàn!".
Những người lính công binh vẫn thường đùa nhau: "Thanh xuân này gửi lại bến sông Phong Châu mất rồi!". Nhưng anh Tú thấy xứng đáng với "sự đánh đổi" này, vì ở đây, anh thấy bản thân làm được nhiều thứ có ích.
"Nhìn mấy bác nông dân đi qua cầu, các em nhỏ đạp xe đi học an toàn, con thấy lòng mình nhẹ nhõm. Được khoác trên mình màu áo lính công binh, được làm những việc có ích cho đồng bào, con thấy tuổi thanh xuân của mình thật ý nghĩa", anh Tú viết gửi mẹ.
Lựa chọn của người lính lái máy xúc
Những ngày tháng 3, mùa mưa bão đang đến gần, các chiến sĩ công binh Lữ đoàn 249 dốc toàn lực thi công bến vượt cầu Phong Châu. Tiếng máy xúc, máy ủi vang rền cả bến sông, từng gàu đất được hối hả san gạt, tạo nền móng vững chắc.
Giữa công trường nắng cháy, anh Tú viết câu chuyện về Hà, người lính lái máy xúc chăm chú điều khiển cần máy, đôi mắt dõi theo từng nhịp gầu.
Một buổi trưa, khi vừa tắt máy nghỉ ngơi, điện thoại anh Hà đổ chuông. Vừa nhấc máy, giọng bác sĩ từ bệnh viện gấp gáp vang lên: "Vợ anh bị động thai, có nguy cơ sinh sớm hai tháng. Hiện cô ấy đang ở bệnh viện một mình!".
Tay anh Hà run lên, đầu óc trống rỗng. Lẽ ra lúc này anh phải ở bên vợ, chăm sóc, động viên cô ấy. Nhưng bến vượt cầu Phong Châu đang bước vào giai đoạn quan trọng nhất. Nếu anh rời đi, người đồng đội duy nhất cùng lái máy xúc sẽ phải cáng đáng cả phần việc của anh, kéo chậm tiến độ thi công.
Anh ngồi thẫn thờ bên chiếc máy xúc, lòng giằng xé: Về hay ở lại? Người lính lái máy xúc nhớ lại hình ảnh vợ, người phụ nữ đã chấp nhận làm vợ lính, chấp nhận những tháng ngày thai nghén không có chồng bên cạnh.
Chiều hôm đó, anh Hà vẫn ngồi trên cabin máy xúc, nhưng những gàu đất nặng hơn bao giờ hết. Đồng đội vẫn làm việc hối hả, không ai hay biết trong lòng anh đang có một cuộc chiến căng thẳng.
Chỉ huy đơn vị đã để ý sự lơ đãng của anh suốt cả buổi chiều. Khi biết chuyện, người chỉ huy quyết định cho anh về ngay trong đêm.
Tối đó, anh vội vã lên đường. Khi đến bệnh viện, nhìn vợ xanh xao trên giường bệnh, anh thấy tim mình thắt lại. Chỉ ít giờ sau, ca sinh diễn ra trong sự hồi hộp. Đứa trẻ chào đời sớm hơn hai tháng, bé nhỏ và yếu ớt phải nằm trong lồng kính, nhưng bác sĩ nói mọi thứ đang dần ổn định.
"Ngày Hà quay lại đơn vị, bến vượt cầu Phong Châu đã gần hoàn thành. Đồng đội ai cũng vui mừng khi biết tin vợ con anh bình an", thượng tá Tú cho hay.
Trong cơn bão số 3 hồi tháng 9.2024, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng nối 2 xã Hương Nộn (H.Tam Nông) và xã Phùng Nguyên (H.Lâm Thao) của tỉnh Phú Thọ bị sập 2 nhịp, khiến 8 người gặp nạn. Sự cố khiến việc đi lại của người dân hai bên bờ sông Hồng gặp khó khăn do phải đi đường vòng xa hơn 40 - 50 km.
Từ tháng 12.2024, Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) được giao nhiệm vụ thi công dự án cầu Phong Châu mới. Dự kiến, cầu có thể hợp long vào dịp Quốc khánh 2.9 và thông xe vào cuối năm 2025.
Trong thời gian thi công cầu Phong Châu mới, Lữ đoàn 249 (Binh chủng Công binh) đã lắp đặt cầu phao tạm thời cách vị trí cầu cũ khoảng 400 m.