Nhật Bản trước bước ngoặt thay đổi chính sách

Việc đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản vừa mất thế đa số tại Thượng viện có thể khiến cấu trúc chính trị nước này sắp có nhiều thay đổi, dẫn đến sự đảo chiều về chính sách.
Hôm qua (21.7), kết quả của cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản đã được công bố. Nhiệm kỳ thượng nghị sĩ của Nhật là 6 năm, nhưng mỗi 3 năm sẽ bầu cử 124 trong tổng số 248 nghị sĩ.
Theo kết quả cuộc bầu cử ngày 20.7, LDP cầm quyền và đảng liên minh Komeito giành được tổng cộng 47 ghế. Trong khi đó, liên minh này phải cần có 50 ghế, nhằm kết hợp cùng số ghế hiện có không thuộc nhóm bầu lại, để đạt 125 ghế đủ chiếm đa số. Nếu như sau cuộc bầu cử năm 2022, liên minh LDP và Komeito chiếm 140 ghế, thì sau cuộc bầu cử lần này chỉ còn chiếm 122 ghế nên không còn chiếm đa số.
Cơ hội đổi thay ?
Trả lời Thanh Niên hôm qua (21.7), GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) chỉ ra: "Thế cuộc chính trị Nhật Bản hiện nay có nhiều điểm tương đồng với việc hồi năm 2009 ở nước này, đảng Dân chủ (DPJ) có chiến thắng tuyệt đối trước LDP để nắm chính quyền. Khi đó, liên tục một số chính phủ do LDP cầm quyền đã thể hiện sự yếu kém nên dẫn đến đảng này thua cuộc. Cuối cùng, LDP phải chờ đến 3 năm sau khi được lãnh đạo bởi ông Shinzo Abe mới có tổ chức và năng lực lãnh đạo tốt hơn".
"Tuy nhiên, tôi không nghĩ LDP lần này lại để mất vị thế cầm quyền, bởi các đảng phái khác thiếu kinh nghiệm và kế hoạch hành động hiệu quả. Mặc dù vậy, Thủ tướng Shigeru Ishiba chịu áp lực thay đổi, đồng thời LDP phải tái tổ chức trong dài hạn", GS Nagy phân tích thêm.
Trong trường hợp kịch bản đó diễn ra, ông dự báo: "Nếu lãnh đạo LDP theo hướng bảo thủ thì đồng nghĩa với việc có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, chủ động tiếp cận hơn đối với Mỹ".
"Điều đó có thể chuyển hướng đối ngoại của Nhật Bản, giải quyết tốt hơn quan hệ bất ổn với Mỹ và sẽ ủng hộ mạnh mẽ hơn cho liên minh Mỹ - Nhật, tham gia chặt chẽ hơn vào việc tái cấu trúc nền kinh tế và công nghệ toàn cầu, phân tách với Trung Quốc", GS Nagy dự báo thêm.
Tình thế nan giải
Cùng ngày, cũng trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản) cho rằng: "Việc mất đa số tại Thượng viện khiến chính phủ của ông Ishiba phải dựa vào sự hợp tác tạm thời với một hoặc nhiều đảng đối lập. Để đạt được thỏa thuận liên minh, LDP chắc chắn phải thỏa hiệp với phía liên minh về mọi dự luật và ngân sách, điều này giúp củng cố quyền lực của các đảng đối lập, đồng thời ngăn cản sự xuất hiện của một liên minh không có LDP".
Theo GS Sato, tình huống hiện nay có thể làm dấy lên trong nội bộ LDP lời kêu gọi thay đổi sâu sắc.
"Liên quan vấn đề vừa nêu thì việc LDP, đảng đã mất đa số tại Hạ viện trong cuộc bầu cử năm ngoái, để ông Ishiba lãnh đạo, cho thấy không có ứng cử viên nào trong đảng có thể làm hài lòng đa số cử tri và các lãnh đạo cấp cao của LDP", GS Sato nhận định và đánh giá: "Tình trạng trên có thể khiến các lãnh đạo trẻ tuổi có nhiều triển vọng có thể rời bỏ LDP để thành lập đảng mới. Việc tận dụng khả năng này cũng có thể là cách để các lãnh đạo trẻ tuổi giành được sự ủng hộ của các lãnh đạo cấp cao của LDP. Đây là trò chơi chính trị phức tạp".
"Trong khi đó, bất cứ ai lãnh đạo LDP thì việc hình thành một chính phủ liên minh vững mạnh và ổn định là điều khó xảy ra. Các đối tác liên minh tiềm năng trong số các đảng đối lập hiện tại đều đề xuất giảm thuế theo cách này hay cách khác. Đề xuất được đưa ra vào thời điểm Nhật Bản đang phải đối mặt với áp lực từ Mỹ muốn Tokyo tăng thêm chi tiêu quốc phòng. Lãi suất trái phiếu chính phủ dài hạn trong đợt phát hành gần đây nhất đã tăng vọt, cho thấy nỗi lo ngại ngày càng tăng về tính bền vững của nợ công tại Nhật Bản. Cũng vì thế, không loại bỏ khả năng giữa bối cảnh khó chọn lựa, ông Ishiba có thể vẫn ở lại. Nhưng nếu điều này xảy ra thì khó có đột phá nào trong quan hệ của Nhật với các đối tác ngoại giao lớn, bao gồm Mỹ, Trung Quốc hoặc Hàn Quốc", GS Sato dự báo.