Nhật Bản tính khai thác đất hiếm sâu kỷ lục dưới đáy đại dương

Nhật Bản sẽ thử nghiệm khai thác khoáng sản đất hiếm từ đáy đại dương ở độ sâu nhất từ trước đến nay trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về nguồn cung đối với các nguồn tài nguyên quan trọng.
Ông Shoichi Ishii, Giám đốc Chương trình thúc đẩy đổi mới chiến lược liên bộ của Nhật Bản, cho biết một tàu khoan khoa học biển sâu của Nhật Bản có tên Chikyu sẽ thực hiện "chuyến đi thử nghiệm" từ tháng 1.2026 để thu thập trầm tích có chứa các nguyên tố đất hiếm dưới đáy đại dương.
"Cuộc thử nghiệm thu hồi trầm tích từ độ sâu 5.500 m là lần đầu tiên được thực hiện trên thế giới", ông Shoichi Ishii nói với Hãng tin AFP ngày 3.7.
"Mục tiêu của chúng tôi trong chuyến đi này là kiểm tra chức năng của tất cả các thiết bị khai thác. Do đó, lượng trầm tích khai thác được hoàn toàn không quan trọng", ông Ishii cho hay thêm.
Dự kiến, Cơ quan Khoa học và Công nghệ biển - trái đất Nhật Bản (JAMSTEC) sẽ triển khai tàu Chikyu xung quanh hòn đảo xa xôi Minami Torishima ở Thái Bình Dương - điểm cực đông của Nhật Bản.
Tờ Nikkei Asia đưa tin rằng nhiệm vụ này nhằm mục đích khai thác 35 tấn bùn từ đáy biển trong khoảng 3 tuần. Mỗi tấn dự kiến chứa khoảng 2 kg khoáng sản đất hiếm, thường được dùng để sản xuất nam châm - một thành phần thiết yếu trong các thiết bị điện tử hiện đại.
Nhóm 17 nguyên tố đất hiếm, vốn khó khai thác từ lớp vỏ trái đất, được sử dụng trong xe điện đến ổ cứng, tuabin gió và tên lửa. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, Trung Quốc chiếm gần 2/3 sản lượng khai thác đất hiếm và 92% sản lượng tinh chế toàn cầu.
Tuy nhiên, hồi tháng 4, Trung Quốc đã áp dụng hạn chế xuất khẩu đối với 7 nhóm sản phẩm đất hiếm trung và nặng, một động thái được coi là hành động đáp trả lệnh hạn chế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Mỹ, theo AFP. Trước lo ngại trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 24.4 ký sắc lệnh để đẩy nhanh hoạt động khai thác hơn 1 tỉ tấn nickel, đồng dưới biển.
Gần đây, các Ngoại trưởng Bộ tứ kim cương (QUAD) - bao gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc cũng cam kết đảm bảo nguồn cung cấp ổn định các khoáng sản quan trọng nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Khai thác dưới biển sâu đã trở thành điểm nóng địa chính trị, song hiện vẫn còn nhiều tranh cãi. Các nhà vận động vì môi trường cảnh báo rằng khai thác biển sâu đe dọa hệ sinh thái biển và phá vỡ đáy biển.
Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế (ISA) - cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc có thẩm quyền quản lý vùng biển quốc tế - sẽ họp vào cuối tháng 7 để thảo luận về một bộ luật toàn cầu nhằm quản lý hoạt động khai thác ở độ sâu đại dương.