Nhật Bản muốn 'chiếu' năng lượng từ vũ trụ xuống Trái Đất

Nhật Bản đang chuẩn bị phóng một tàu vũ trụ với sứ mệnh gửi năng lượng Mặt Trời không dây từ quỹ đạo xuống Trái Đất.
![]() |
Minh họa sóng vi ba chuyển xuống các trạm thu nhận trên Trái Đất. Ảnh: Adobe. |
Theo BGR, một vệ tinh với kích thước chỉ lớn hơn máy giặt có thể sẽ tạo bước tiến lớn trong việc định hình lại tương lai năng lượng sạch. Cụ thể, vệ tinh sẽ chiếu năng lượng Mặt Trời thu được xuống, nơi các bộ thu sẽ chuyển đổi nó thành năng lượng có thể sử dụng được.
Đây là viễn cảnh nằm trong dự án có tên OHISAMA (trong tiếng Nhật nghĩa là "Mặt Trời"), sẽ được phóng vào năm 2025. Với trọng lượng chỉ khoảng 180 kg, vệ tinh sẽ đi vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp ở độ cao khoảng 400 km so với hành tinh.
Tại đây, vệ tinh sẽ thu thập ánh sáng Mặt Trời bằng một tấm pin rộng 2 m2 và chuyển đổi thành sóng vi ba - loại sóng có thể truyền qua mây, do đó đảm bảo sự ổn định bất chấp thời tiết - và chuyển xuống các trạm thu nhận trên Trái Đất.
Sóng vi ba sẽ được chiếu thẳng xuống một mảng ăng-ten ở Suwa, Nhật Bản. Tại đây, năng lượng sẽ được thu nhận và chuyển đổi ngược lại thành điện năng. Các trạm này sẽ lưu trữ năng lượng dưới dạng hóa học.
Theo tính toán, công suất ban đầu chỉ khoảng một kilowatt — vừa đủ để chạy một máy pha cà phê hoặc máy rửa bát trong một giờ.
Mặc dù đây chỉ là mức điện năng khiêm tốn, sự thành công của thử nghiệm này sẽ có ý nghĩa sâu rộng. Đây là một trong những thử nghiệm thực tế đầu tiên về mạng lưới chiếu năng lượng Mặt Trời, thu thập năng lượng Mặt Trời trong không gian và sau đó truyền xuống Trái Đất.
Thực tế, công nghệ trạm năng lượng Mặt Trời ngoài vũ trụ được một nhà vật lý người Mỹ đề xuất từ năm 1968. Theo công nghệ này, các tấm pin năng lượng Mặt Trời sẽ được phóng lên độ cao 36.000 km so với bề mặt Trái Đất.
Tại Nhật Bản, dự án nghiên cứu được triển khai bởi Đại học Kyoto. Trong thập niên 1980, nhóm nghiên cứu đã tìm ra cách truyền tải năng lượng bằng sóng vi ba trong vũ trụ.
Những câu hỏi lớn - Vũ trụ
Sách đề cập đến những vấn đề cơ bản trong khoa học tự nhiên, dưới hình thức thảo luận 20 câu hỏi về thiên văn và vũ trụ như: Vũ trụ là gì? Vũ trụ rộng lớn thế nào? Vì sao các hành tinh luôn bay theo quỹ đạo?...