Nhật Bản khủng hoảng giá gạo, Việt Nam đón cơ hội vàng?

TPO - Giá gạo tại Nhật Bản tăng kỷ lục do khủng hoảng nguồn cung buộc nước này đẩy mạnh nhập khẩu. Đây là cơ hội vàng để gạo Việt Nam - với chất lượng ổn định và giá cả cạnh tranh - mở rộng thị phần tại một trong những thị trường khó tính nhất thế giới.
Giá gạo Nhật Bản đạt đỉnh lịch sử
Kể từ năm 2024, Nhật Bản bước vào giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng về nguồn cung gạo. Sản lượng gạo nội địa giảm mạnh do thời tiết nắng nóng cực đoan kéo dài, ảnh hưởng lớn đến mùa vụ năm 2023. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ tăng cao khi lượng khách du lịch đến Nhật Bản đạt mức kỷ lục sau đại dịch COVID-19 khiến thị trường nội địa trở nên khan hiếm.
Tình trạng thiếu hụt ngày càng rõ rệt khiến giá gạo tại Nhật Bản leo thang không ngừng. Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, trong tuần từ 28/4-4/5, giá bán lẻ trung bình của một bao gạo 5 kg tại các siêu thị là 4.214 yên (tương đương khoảng 28 USD). So với cùng kỳ năm trước, giá hiện tại đã cao gấp đôi (từ mức 2.106 yên/5kg vào năm 2024).
![]() |
Gạo Nhật Bản được bày bán tại siêu thị. Ảnh: Kyodo/TTXVN. |
Trước tình hình giá tăng chóng mặt, Chính phủ Nhật Bản đã phải sử dụng biện pháp bình ổn bằng cách xả kho gạo dự trữ. Từ tháng 3 đến tháng 4, đã có ba đợt đấu giá với tổng cộng 321.000 tấn gạo được tung ra thị trường. Tuy nhiên, nguồn cung vẫn không đủ đáp ứng.
Theo Kyodo, giới chức Nhật đang cân nhắc tăng gần gấp đôi lượng gạo từ kho dự trữ, với kế hoạch cung cấp thêm 100.000 tấn mỗi tháng từ nay đến hết tháng 7.
Ngoài những yếu tố chính kể trên, tâm lý tích trữ lương thực của người dân do lo ngại thiên tai, bão lũ, động đất cũng góp phần làm căng thẳng nguồn cung. Các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ ăn uống như nhà hàng, khách sạn - vốn chiếm lượng tiêu thụ lớn - buộc phải điều chỉnh kế hoạch mua hàng. Một số chuỗi nhà hàng lớn và siêu thị đã bắt đầu tìm đến nguồn cung từ nước ngoài - điều vốn rất hiếm thấy ở Nhật, nơi người tiêu dùng nổi tiếng khó tính và trung thành với gạo nội địa.
Cơ hội vàng cho gạo Việt
Trong bối cảnh thị trường Nhật Bản khan hiếm và mở cửa hơn với gạo nhập khẩu, Việt Nam nổi lên như một ứng viên tiềm năng nhờ lợi thế về chất lượng, giá cả và khả năng thích ứng nhanh. Thực tế cho thấy, nhu cầu tìm kiếm nguồn cung mới từ các đối tác thương mại của Nhật đã tăng mạnh.
Theo Japannews, Công ty Kanematsu Corp., một doanh nghiệp thương mại tổng hợp lớn, đang cân nhắc tăng lượng gạo nhập khẩu hằng năm từ 10.000 tấn lên 20.000 tấn, không chỉ từ Mỹ mà còn từ Đài Loan và Việt Nam.
Ông Takashi Takanashi - Chủ tịch đồng quản trị của công ty Spice House, đơn vị cung cấp gạo nhập khẩu cho các nhà hàng và cửa hàng thực phẩm tại Nhật Bản - cho biết: “Sự quan tâm đến gạo Việt Nam đang tăng lên rất nhiều”. Gạo trắng của Việt Nam, có hình dạng và hương vị gần giống giống Japonica, đang được bán với giá 3.240 yên/5kg, thấp hơn nhiều so với mức gần 4.000 yên của gạo nội địa, tạo lợi thế lớn về giá.
Công ty này bắt đầu nhập khẩu gạo Việt vào cuối năm 2024 với 200 tấn, hiện đã gần như hết hàng tồn kho và đang giới hạn số lượng mua mỗi khách do nhu cầu vượt dự báo. Điều này chứng minh rằng, khi đảm bảo chất lượng và hương vị tương thích, gạo Việt hoàn toàn có thể chinh phục thị trường khó tính như Nhật Bản.
![]() |
Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn lương thực. Ảnh minh họa: IT. |
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - đánh giá: “Gạo Việt Nam đang ở phân khúc trung bình cao và đang tiến lên phân khúc cao cấp hơn, với giá trị và thương hiệu ngày càng rõ nét. Ở phân khúc này, nhu cầu hiện rất lớn, đặc biệt tại các thị trường như Nhật Bản, Mỹ và EU. Cơn sốt giá gạo chưa từng có ở Nhật kéo dài từ cuối năm ngoái đến nay chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây là dư địa rất lớn để Việt Nam mở rộng sản xuất và xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo đặc sản”.
Một doanh nghiệp cho biết đã hoàn tất thủ tục với đối tác Nhật và dự kiến sẽ xuất khẩu lô gạo đầu tiên sang thị trường này vào tháng 6. Một công ty khác cũng đang chuẩn bị xuất khẩu lô gạo đầu tiên có dán nhãn phát thải carbon sang Nhật.
Tuy nhiên, để thâm nhập thị trường Nhật Bản không phải là chuyện dễ dàng. Gạo Việt phải vượt qua các quy định nghiêm ngặt, với 624 tiêu chí kiểm định liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm, qua ba lần kiểm tra độc lập. Do đó, việc kiểm soát chất lượng từ khâu sản xuất là điều kiện tiên quyết.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, nhiều doanh nghiệp Việt đã tham gia vào chuỗi giá trị khép kín, liên kết với nông dân trồng theo hợp đồng, sử dụng giống chất lượng cao và áp dụng tiêu chuẩn canh tác bền vững. Đặc biệt, “Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt trong việc nâng cao giá trị hạt gạo Việt.