Nhân vật EQ cao nhất trong Tây Du Ký là ai? Ngoài đời có 5 kiểu người giống hệt

Ở thời đại mà thông minh cảm xúc được đánh giá cao hơn cả điểm số, nhân vật này bỗng trở thành biểu tượng EQ.
Tây Du Ký là một kho báu văn hóa mà càng lớn ta càng thấy… ngẫm ra nhiều chuyện. Nhân vật nào trong tác phẩm này cũng có cá tính đậm nét: Tôn Ngộ Không thì nóng như lửa, Trư Bát Giới vừa khôn lỏi vừa ham vui, Đường Tăng lại nghiêm khắc, còn Sa Tăng? Im im lặng lặng, chẳng mấy ai nhớ tới... nhưng hóa ra mới là người có chỉ số EQ cao nhất đội hình!
1. EQ cao là gì mà phải nhắc nhiều vậy?
EQ (Emotional Quotient - chỉ số cảm xúc) là khả năng nhận diện, kiểm soát và điều hướng cảm xúc cá nhân và người khác. Người có EQ cao thường biết cách điều hòa mọi thứ, nhẫn nhịn đúng lúc, biết lúc nào nên lên tiếng.
Trong hành trình thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng, Sa Tăng không phải người mạnh nhất, không phải người khôn khéo nhất, nhưng Sa Tăng lại là người… dễ chịu nhất.
Không giống Tôn Ngộ Không cứ nóng lên là đập bàn bẻ gậy, Sa Tăng luôn biết lúc nào nên im lặng, lúc nào nên nhún nhường, lúc nào nên đứng ra phân giải. Trong rất nhiều lần Tôn Ngộ Không bỏ đi, Bát Giới tranh công, Đường Tăng giận dữ, chính Sa Tăng là người giữ nhịp hòa khí.
Một ví dụ kinh điển là khi Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới cãi nhau chí chóe, Sa Tăng chỉ nhẹ nhàng góp lời, không dằn mặt ai, không “đổ thêm dầu vào lửa”, lại thường là người đầu tiên giúp thầy lấy nước, vác hành lý, nấu cơm…
Người có EQ cao chính là như vậy, không ồn ào nhưng luôn khiến người khác thấy an toàn.
2. Ngoài đời, ai sẽ là "Sa Tăng"?
Nếu ví Sa Tăng như một tuýp người đời thật, thì đây chính là những người:
- Không hay nổi bật trong team nhưng ai cũng quý.
- Không thích đâm chọt sau lưng nhưng luôn biết lúc nào cần… rút lui đúng lúc.
- Gặp vấn đề là ưu tiên xử lý, không đổ lỗi.
- Khi người khác “xù lông”, họ biết xoa dịu.
- Họ không quá “deep”, cũng không quá tấu hài, nhưng là người khiến người khác thấy thoải mái khi ở cạnh.
Nói nôm na EQ cao là người biết điều, không xu nịnh, không giành công, không đùn việc. Trong công ty, đây thường là người làm support, trợ lý, điều phối team một cách nhịp hàng.
3. Vì sao người có EQ kiểu Sa Tăng lại hiếm?
Vì trong thời đại mà ai cũng muốn nổi bật, người chịu ở vị trí hỗ trợ là rất quý. Người ta dễ ca ngợi những Tôn Ngộ Không gánh team, hay Trư Bát Giới lém lỉnh nhưng ai đứng sau gánh hành lý cho thầy? Ai im lặng dọn bãi chiến trường? Ai luôn bước chậm, nhưng chưa từng rời bỏ đội hình?
Họ không cần spotlight, vì họ đủ bản lĩnh để không cần được chú ý. Họ chọn yên lặng, không phải vì không có tiếng nói, mà vì biết khi nào tiếng nói của mình là cần thiết.
4. Làm sao để nâng cấp EQ theo phong cách Sa Tăng?
Không cần phải hiền đến mức chịu thiệt, EQ cao không có nghĩa là cam chịu. Mà là:
- Biết giữ bình tĩnh khi người khác mất bình tĩnh.
- Biết nhường phần thắng khi cuộc tranh cãi không mang lại giá trị.
- Biết người khác cần gì trước khi họ phải nói ra.
- Biết lùi một bước, để cả nhóm tiến ba bước.
Muốn như Sa Tăng? Hãy bắt đầu bằng cách lắng nghe nhiều hơn nói, và học cách không phản ứng vội khi cảm xúc dâng lên.
Ở thời đại mà thông minh cảm xúc được đánh giá cao hơn cả điểm số, Sa Tăng bỗng trở thành biểu tượng EQ. Không cần tung hoành ngang dọc, cũng chẳng cần tấu hài để được yêu mến, anh chỉ cần sống đúng, làm việc chắc, và giữ vững lòng kiên định trong mọi hoàn cảnh.
Ở đời, ai mà không mong có một người bạn như Sa Tăng bên cạnh?
Nếu bạn muốn mình là người như thế đừng cố gắng nổi bật, hãy học cách trở nên cần thiết. EQ cao không phải nói hay làm giỏi, mà là biết mình đang ở đâu trong một bức tranh lớn như Sa Tăng vậy.
Tổng hợp