Nhân tố góp phần hạ nhiệt xung đột Ấn Độ - Pakistan

Thông tin tình báo và liên lạc kịp thời từ Mỹ được cho đã tác động đáng kể đến quyết định ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan.
Trước bờ vực leo thang
Xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan đã có những dấu hiệu hạ nhiệt. Trong sáng qua, Reuters dẫn lời các nhân chứng cho biết giao tranh và các vụ nổ đã giảm ở khu vực biên giới, điện tại một số vùng cũng được khôi phục. Lệnh ngừng bắn do Ấn Độ và Pakistan công bố ngày 10.5 được nhiều quốc gia hoan nghênh, dù vậy, hai bên hôm qua lại cáo buộc lẫn nhau vi phạm ngừng bắn.
Cao trào trong các cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Pakistan những ngày qua là khi căn cứ không quân Nur Khan ở TP.Rawalpindi của Pakistan ghi nhận nhiều vụ nổ. Căn cứ này nằm gần trung tâm đầu não của Phòng kế hoạch chiến lược, đơn vị chuyên trách đảm bảo an toàn cho kho vũ khí hạt nhân của Pakistan. Khi đó, tình báo Ấn Độ phát hiện những thông tin từ mạng lưới quốc phòng Pakistan truyền đi rằng Islamabad tin mục tiêu tiếp theo của đối phương là tấn công hạ tầng chỉ huy lực lượng hạt nhân. Nếu thành sự thật, đó sẽ là diễn biến leo thang nghiêm trọng trong xung đột.
Theo The New York Times, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã triệu tập cuộc họp của Cơ quan chỉ huy quốc gia (NCA) - một nhóm có thể ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Muhammad Asif bác bỏ thông tin NCA nhóm họp. Trong khi đó, Đài NDTV của Ấn Độ đưa tin Pakistan đã đề nghị Mỹ can thiệp khẩn để hạ nhiệt tình hình. Các quan chức Mỹ vẫn thường xuyên liên lạc với cả hai phía, song cảnh báo xoay quanh những tài sản chiến lược như vũ khí hạt nhân đã buộc giới lãnh đạo Washington có động thái quyết liệt hơn.
Mỹ đổi thái độ
Mới hôm 8.5, Phó tổng thống Mỹ JD Vance còn tuyên bố xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan "không phải việc của Mỹ". Thế nhưng, sau đó nhóm các quan chức hàng đầu Nhà Trắng, bao gồm bản thân ông Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio, đã nhận thông tin tình báo "đáng báo động, quan trọng" đến mức đủ thuyết phục Washington cần chủ động liên lạc với các bên để thúc giục ngừng bắn. Các bên chưa tiết lộ nội dung cụ thể của các tin tức tình báo nói trên nhưng chúng được cho là có liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Theo CNN, ông Vance sau khi báo cáo với Tổng thống Donald Trump đã gọi cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Trong cuộc điện đàm ngày 9.5, vị quan chức Mỹ cảnh báo có nguy cơ cao xung đột sẽ leo thang nghiêm trọng vào cuối tuần, và khuyên ông Modi liên lạc với phía Pakistan để tìm giải pháp hạ nhiệt. Chính phủ Mỹ, Ấn Độ và Pakistan chưa bình luận thông tin trên, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận ông Rubio đã gọi cho Tổng tư lệnh quân đội Pakistan Asim Munir ngày 9.5.
Tổng thống Trump ngày 10.5 cho biết Mỹ đã làm trung gian để Ấn Độ và Pakistan đồng ý hạ nhiệt căng thẳng. Ông Trump còn đề cập sẽ tăng cường đáng kể hoạt động thương mại với Ấn Độ và Pakistan. BBC hôm qua dẫn lời bà Tanvi Madan, từ Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ), nhận định hoạt động ngoại giao của Mỹ, phần nào bao gồm nỗ lực của Anh và Ả Rập Xê Út, đã đúng thời điểm và giúp hạ nhiệt căng thẳng.