Nhà Trắng giải thích về mức thuế 245% đối với hàng hóa Trung Quốc
Theo thông tin từ Nhà Trắng, 245% thực tế không phải mức thuế mới và cũng chỉ áp dụng đối với một số mặt hàng nhất định của Trung Quốc.
Mới đây, Mỹ đã áp đặt mức thuế quan lên tới 245% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đánh dấu bước leo thang căng thẳng trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Con số 245% cao hơn nhiều so với 145% mà Nhà Trắng công bố tuần trước, làm dấy lên câu hỏi rằng liệu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa áp mức thuế quan mới với Trung Quốc.
Phía Nhà Trắng thông báo với CNBC rằng mức thuế 245% phản ánh tổng hợp tác động của nhiều lớp thuế, bao gồm thuế trả đũa, thuế liên quan đến fentanyl, và các thuế theo Điều 301 được áp dụng lần đầu dưới thời Tổng thống Donald Trump và tiếp tục duy trì dưới chính quyền Joe Biden.
|
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt trong buổi họp báo ngày 16/4 tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Cụ thể, mức thuế 245% này bao gồm: thuế trả đũa 145% được áp dụng gần đây nhằm phản ứng với các hành động của Trung Quốc; thuế liên quan đến fentanyl, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng opioid; thuế theo Điều 301, vốn dao động từ 7,5-100%, với một số mặt hàng nhát định.
Trong đó, các sản phẩm ôtô điện và kim tiêm Trung Quốc, vốn đã chịu thuế 100%, giờ đây sẽ phải đối mặt với thêm mức thuế 145%, nâng tổng mức lên 245%.
Tuy nhiên, không phải tất cả hàng hóa Trung Quốc đều bị đánh thuế ở mức này. Các mặt hàng khác vẫn chịu thuế khác nhau tùy thuộc vào các mức trước đó theo Điều 301 và các biện pháp đặc biệt khác.
Sự leo thang này diễn ra sau khi Trung Quốc yêu cầu các hãng hàng không ngừng nhận giao máy bay Boeing và đình chỉ việc mua các thiết bị và phụ tùng hàng không của Mỹ.
Khi được hỏi về con số 245%, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết: "Các con số thuế quan cụ thể có thể được hỏi từ phía Mỹ", theo Global Times.
Trung Quốc cảnh báo rằng họ sẵn sàng “chiến đấu đến cùng” nhưng cũng nhấn mạnh cần duy trì đối thoại. Tuần trước, Trung Quốc đã nâng thuế nhập khẩu từ Mỹ lên 125%, gọi chiến lược của Mỹ là "một trò cười", theo Reuters.
Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt lại tuyên bố: "Bóng đang ở phía Trung Quốc".
Bà cũng nhấn mạnh: "Trung Quốc cần thỏa thuận với chúng tôi – chúng tôi không cần phải thỏa thuận với họ". Leavitt còn cho biết, ông Trump đã nói với bà: "Trung Quốc muốn những gì chúng ta có… người tiêu dùng Mỹ, hay nói cách khác, họ cần tiền của chúng ta".
Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng vượt kỳ vọng với 5,4% trong quý I/2025, triển vọng tăng trưởng vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của các mức thuế quan từ Mỹ.
Bloomberg đưa tin, Bắc Kinh đã nêu rõ các điều kiện để quay lại đàm phán thương mại, bao gồm yêu cầu Mỹ có thông điệp rõ ràng hơn, kiềm chế phát ngôn chỉ trích, và bổ nhiệm một đại diện Mỹ đáng tin cậy được Tổng thống ủng hộ.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.