Nhà thờ cổ ở TP.HCM, do đại gia 'giàu hơn vua Bảo Đại' xây dựng

Ở TP.HCM, có nhà thờ cổ gắn với tên tuổi ông Huyện Sỹ, là đại gia giàu nhất Sài Gòn xưa và là ông ngoại của Nam Phương hoàng hậu.
Nằm trên đường Bành Văn Trân (phường Tân Sơn Nhất, TP.HCM), nhà thờ Chí Hòa là một trong những nhà thờ cổ nhất TP.HCM, có tuổi đời hơn 1 thế kỷ. Nhà thờ Chí Hòa tên hiệu là nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi.
Ít ai biết rằng thánh đường này được xây dựng từ chính phần đất do ông Lê Phát Đạt (tức Huyện Sỹ, là 1 trong tứ đại phú hộ giàu nhất Sài Gòn xưa, có tiếng là 'giàu hơn vua Bảo Đại', và là ông ngoại của Nam Phương hoàng hậu - PV) hiến tặng. Với kiến trúc Gothic giản lược, nhà thờ vẫn giữ nét cổ kính và trang nghiêm giữa lòng thành phố hiện đại.
Nhà thờ Chí Hòa được xem là 1 trong 7 nhà thờ, tu viện xưa nhất Sài Gòn - Gia Định xưa, gồm: Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (năm 1863), nhà thờ Tân Định (năm 1876), nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (năm 1880), nhà thờ Chợ Quán (năm 1882), nhà thờ Cha Tam (năm 1902), nhà thờ Chí Hòa (năm 1903) và nhà thờ Huyện Sỹ (năm 1905).
1 trong 7 nhà thờ cổ nhất TP.HCM
Trước đây, nhà thờ Chí Hòa từng là một họ nhánh của giáo xứ Chợ Quán, được Đức Giám mục Phêrô Bá Đa Lộc quy tụ và sau đó chuyển sang họ đạo Tân Định. Đến tháng 10.1890, họ đạo Thạnh Hòa được chính thức thành lập, đánh dấu cột mốc phát triển quan trọng trong đời sống giáo dân vùng Chí Hòa.
Công trình nhà nguyện cũng được khởi công dưới sự chỉ đạo của Đức cha Mã, dựa trên mẫu nhà nguyện của Bệnh viện Grall (nay là Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM). Sau đó, thánh đường mới được xây dựng và khánh thành năm 1903.
Nhà thờ Chí Hòa được xem là "anh em" với nhà thờ Huyện Sỹ (ở phường Bến Thành, TP.HCM), đều do ông Lê Phát Đạt hiến đất và tài sản xây dựng.
Theo tư liệu của nhà báo Cù Mai Công, khi chuẩn bị xây nhà thờ Huyện Sỹ, nghe thông tin nhà thờ Thạnh Hòa xuống cấp mà nhánh Thạnh Hòa nghèo quá, nên ông Lê Phát Đạt quyết định giảm quy mô thiết kế ban đầu của nhà thờ Huyện Sỹ từ 5 gian xuống còn 4 gian và dùng số tiền dư ra để xây nhà thờ Chí Hòa.
Không bề thế như nhà thờ Đức Bà hay "nhà thờ hồng" Tân Định, nhà thờ Chí Hòa mang một vẻ đẹp cổ kính, nhẹ nhàng và thanh thoát. Mặt tiền cân xứng, mái ngói đỏ tươi, các vòm cong cổ điển cùng tháp chuông chính giữa có gắn đồng hồ…, tất cả tạo nên cảm giác trang nghiêm nhưng không xa cách.
Không gian phía trước rộng rãi, nhiều cây xanh, được bố trí cân đối 2 bên, mang lại sự mộc mạc, thư thái.
Nhà thờ được xây dựng theo phong cách Gothic (là phong cách từng thịnh hành ở Tây Âu từ nửa sau thời Trung cổ đến cuối thế kỷ 16 với mái vòm nhọn, cửa sổ kính màu lớn và hệ trụ đỡ - PV) giản lược với kết cấu 3 gian, trong đó gian giữa cao hơn.
Tường sơn màu vàng nổi bật, mái ngói âm dương đỏ tạo điểm nhấn thị giác. Bên trong, các chùm đèn sáng nhẹ cùng tượng Chúa và các thánh được bài trí cẩn thận.
Trong khuôn viên nhà thờ còn có 2 ngôi mộ cổ, thuộc về bà Mađalêna Phạm Thị Tin (mẹ ông Huyện Sỹ) và cô Maria Lê Thị Hòa (con gái ông). Sự hiện diện của 2 ngôi mộ này không chỉ là một phần ký ức gia tộc mà còn là lát cắt yên bình trong bức tranh lịch sử của nhà thờ.
Hơn 1 thế kỷ trôi, nhà thờ Chí Hòa vẫn hiện diện như một chứng nhân của thời gian, lưu giữ dấu ấn về một vị đại gia hào sảng, một giai đoạn lịch sử của TP.HCM xưa cũ và một cộng đồng giáo dân gắn bó với đức tin.