Nhảy đến nội dung
 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên thị sát nhà máy xe tăng

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đến thị sát một nhà máy sản xuất xe tăng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiện đại hóa quân đội bằng các loại xe tăng và thiết giáp tối tân.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một đơn vị xe tăng hôm 13/3/2024. Ảnh: YONHAP/TTXVN.

Ngày 3/5, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin ông Kim Jong-un đã kiểm tra tiến độ sản xuất, công tác hiện đại hóa cũng như việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu liên quan đến công nghệ cốt lõi của xe tăng tại cơ sở này. Tuy nhiên, KCNA không nêu rõ tên, địa điểm hay thời gian cụ thể của chuyến thị sát, chỉ mô tả đây là một "nhà máy xe tăng quan trọng".

“Việc thay thế các khí tài thiết giáp từ thế kỷ trước bằng xe tăng và xe bọc thép hiện đại là nhiệm vụ then chốt trong quá trình xây dựng lực lượng vũ trang và hiện đại hóa quân đội”, ông Kim Jong-un phát biểu trong chuyến làm việc thực địa.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho rằng không thể xây dựng lực lượng thiết giáp một cách bài bản nếu không xác định đúng vai trò chiến lược và hướng phát triển của xe tăng trong chiến tranh hiện đại, đồng thời cần xem xét lại quan điểm trong thiết kế xe tăng. Ông đã đưa ra định hướng hiện đại hóa lực lượng tăng thiết giáp cùng những nhiệm vụ cần kíp liên quan.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng kêu gọi mở rộng nhanh chóng năng lực sản xuất xe tăng và pháo tự hành thế hệ mới, nâng cấp đồng bộ hệ thống vũ khí thiết giáp trong thời gian ngắn. Theo ông, đây là nhiệm vụ chiến lược nhằm tạo ra một “cuộc cách mạng lần thứ hai” trong lực lượng thiết giáp.

Hãng thông tấn KCNA cho biết ông Kim bày tỏ “sự hài lòng” trước thiết kế cấu trúc nâng cấp của các dòng xe tăng nội địa và cấu hình hệ thống hỏa lực. Ông cho rằng các phương tiện này cho thấy "độ chính xác khoa học và độ tin cậy" trong việc tích hợp động cơ có lực đẩy lớn.

Theo ông Kim, ngành công nghiệp xe tăng Triều Tiên đã mở ra một triển vọng phát triển định hướng hơn và đường lối của Đảng về việc "hoàn thiện thêm nữa" các công nghệ cốt lõi cho xe tăng chiến đấu chủ lực đang được thực hiện thông qua các bước phát triển và sản xuất ổn định.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng, với các cuộc tập trận chung quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc đang diễn ra thường xuyên. Bình Nhưỡng coi các hoạt động này là "tập dượt chiến tranh" và thường phản ứng bằng cách thử tên lửa và củng cố năng lực tác chiến mặt đất.

Giới phân tích cho rằng Triều Tiên đang tìm cách duy trì "thế cân bằng răn đe" với Hàn Quốc, nước đang đầu tư mạnh tay vào các nền tảng chiến đấu công nghệ cao như xe tăng K2 Black Panther hay pháo tự hành K9. Ngoài ra, việc tự sản xuất các dòng xe tăng thế hệ mới cũng giúp Bình Nhưỡng giảm phụ thuộc vào nguồn linh kiện từ nước ngoài, trong bối cảnh đang chịu lệnh trừng phạt.

Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế

Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.