Nguyễn Thị Quỳnh Như: Từ chấn thương gãy cổ đến HCB châu Á

Từng bị chấn thương nặng gãy cổ ở độ tuổi đẹp nhất sự nghiệp, VĐV Nguyễn Thị Quỳnh Như đã vượt qua tất cả để khẳng định tài năng ở đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam.
Tháng 6 vừa qua, Nguyễn Thị Quỳnh Như đã đi vào lịch sử khi xuất sắc giành huy chương bạc Giải thể dục dụng cụ vô địch châu Á 2025 ở nội dung nhảy ngựa. Qua đó chấm dứt cơn khát huy chương cho thể dục dụng cụ (TDDC) nữ Việt Nam suốt 13 năm ở đấu trường châu lục.
Thành công ở giải châu Á là bất ngờ lớn với Quỳnh Như cũng như đội TDDC Việt Nam. Trước đó, cô chưa từng giành HCV SEA Games và bị coi là không có triển vọng khi còn ở lứa tuổi trẻ.
Gia cảnh khó khăn
Quỳnh Như sinh năm 1998 tại TP.HCM, trong gia đình không ai theo thể thao và gặp nhiều trắc trở trên con đường trở thành VĐV TDDC chuyên nghiệp. Ba của Như làm nghề sửa chữa xe máy, mẹ làm bảo mẫu thuê. Ba mẹ ly thân từ năm Quỳnh Như mới 6 tuổi. Đó cũng là thời điểm Quỳnh Như học tại Trường tiểu học Phan Văn Trị mới được tuyển chọn vào CLB TDDC Trần Hưng Đạo - đơn vị tuyến đầu của TDDC TP.HCM.
"Hồi đó tôi gầy còm nhom, yếu lắm. Có lẽ vì thế nên mới được các thầy cô chọn đi tập TDDC. Mỗi trường chỉ chọn ra được vài bạn. Tôi thấy cũng vui nên quyết định đi tập", Quỳnh Như mở đầu cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ.
Hàng ngày Quỳnh Như sáng đi học, tối đi tập, đều đặn như vắt chanh. Nhưng được 1 năm thì cô phải nghỉ ngang ngoài ý muốn. Khi ba mẹ ly thân, mẹ Như phải đi làm xa, bà ngoại thì lớn tuổi và sức khỏe yếu nên không thể đưa đón cô như trước. Quãng thời gian dài không tập luyện suýt chút nữa khiến Như bỏ cuộc.
Sự vắng mặt bất ngờ và không lý do của Quỳnh Như khiến các HLV ở trung tâm ngỡ ngàng. HLV trực tiếp của Như đã phải lặn lội đi tìm học trò, nhưng không tìm được vì... bị cho nhầm địa chỉ.
"Nhắc lại sự cố đó, tôi cũng thấy buồn cười và thương cô. Lúc đó tôi quá nhỏ nên không thể nhớ đúng địa chỉ nhà mình", Quỳnh Như kể.
Sau 1 năm trời nhìn cảnh con gái buồn chán vì không được tập, mẹ của Quỳnh Như quyết định dắt con lên trung tâm xin được tập lại và được ban huấn luyện đồng ý. Còn bà thì bỏ việc bảo mẫu, tự sắm xe máy bán nước mưu sinh để chủ động hơn trong việc đưa đón con đi học và đi tập TDDC.
"Sau này, khi lớn lên chút, tôi được tuyển chính thức vào đội TDDC TP.HCM nên có lương, có tiền phụ giúp mẹ", Quỳnh Như nói.
Gần như cả tuổi trẻ Quỳnh Như ở với mẹ và sống thiếu tình cảm của cha. Là một đứa con gái "mít ướt" điển hình, cô bé khóc thường xuyên mỗi khi gặp chuyện không như ý ở trường và CLB.
"Tôi từng nhiều lần muốn bỏ vì tập khổ quá. Có nhiều lần tôi bị ban huấn luyện đuổi ra ngoài lớp vì tập dở. Đứng một góc nhìn các bạn tập, tôi có lúc bị tủi thân. Giữa một tập thể, tôi bị coi là không có năng khiếu", Quỳnh Như xúc động nhớ lại.
Nhưng đó là một phần quá trình trưởng thành không chỉ của Quỳnh Như mà với rất nhiều VĐV TDDC khác. Thương mẹ, Như gạt đi những thất bại và chỉ trích để nỗ lực chiến thắng bản thân, dần đáp ứng yêu cầu của thầy cô và trụ lại CLB. "Quả thực hồi trước tôi tập luyện kém lắm. Nhưng tôi biết kinh tế nhà mình không tốt nên cố gắng từng ngày để phụ giúp mẹ", Quỳnh Như cho hay.
Cú sốc tuổi 15
Năm 2013, vào một ngày kém may mắn, Quỳnh Như gặp chấn thương nặng sau một pha nhào lộn. Cú tiếp đệm không như ý khiến cô gái trẻ không thể gượng dậy. Khi được đưa đi bệnh viện kiểm tra, Quỳnh Như được chẩn đoán gãy đốt sống cổ C6 - C7.
"Lần chấn thương đó là nặng nhất, khiến tôi nghĩ mình có thể phải giải nghệ luôn. Cũng may, tôi không phải mổ. Sau 1 năm tập vật lý trị liệu, tôi mới có thể quay trở lại bình thường", Quỳnh Như nói.
Đang ở độ tuổi đẹp với bộ môn TDDC, việc bị chấn thương gãy cổ phải ngồi ngoài tập trị liệu khiến Quỳnh Như buồn chán suốt nhiều tháng trời. Tuy nhiên, lần nghỉ tập này cũng khiến cô gái trẻ suy nghĩ nhiều hơn về sự nghiệp. Càng tới lúc dần hồi phục, cô càng quyết tâm trở lại đỉnh cao.
"Gạt đi suy nghĩ giải nghệ, đó là lúc tôi muốn hướng đến những thành tích thay vì chỉ tập để ăn lương như trước. Tôi cũng coi TDDC là cách để mình đưa ba mẹ trở lại với nhau, gắn kết lại gia đình. Những năm gần đây, ba mẹ tôi đã gặp nhau nhiều hơn", Quỳnh Như xúc động.
Sau khi bình phục chấn thương, Nguyễn Thị Quỳnh Như được cử đi tham gia Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á 2016 và giành HCV nội dung nhảy ngựa. Đó là kỷ niệm rất đẹp trong cuộc đời cô, Như chia sẻ.
Tới năm 2022, Quỳnh Như lần đầu giành HCB SEA Games 31 trên sân nhà. Cô lẽ ra có cơ hội đổi màu huy chương ở SEA Games 32 tại Campuchia năm 2023, nhưng đáng tiếc chủ nhà Campuchia đã cắt TDDC nữ khỏi chương trình thi đấu của đại hội.
Tháng 6 vừa qua, tấm HCB châu Á mà Quỳnh Như mang về đã làm rạng danh TDDC Việt Nam. HCB của Quỳnh Như cũng giúp sống lại hy vọng của nội dung TDDC nữ Việt Nam trên đấu trường khu vực và châu lục sau nhiều năm thành tích rất hạn chế.
Tháng 12 tới, Quỳnh Như sẽ tham dự SEA Games 33 tại Thái Lan. Cô cho biết HCB châu Á là động lực để cô quyết tâm mang về HCV SEA Games đầu tiên cho mình tại đấu trường khu vực.