Nhảy đến nội dung

Nguyễn Hồng Phẩm: Gắn bó cả đời với bóng đá TP.HCM

Nguyễn Hồng Phẩm là mẫu thủ môn có phong cách đẹp trên sân cỏ và để lại dấu ấn khó quên cho bóng đá TP.HCM.

CHƯA TỪNG BỊ THẺ PHẠT

Không có lợi thế về thể hình khi chỉ cao 1,69 m, cựu danh thủ Nguyễn Hồng Phẩm vẫn có sự nghiệp lẫy lừng bởi tài năng và sở hữu những tố chất đặc biệt để trở thành thủ môn giỏi. Dáng vóc mảnh khảnh nhưng sức bật tuyệt vời, phản xạ nhanh, phán đoán tình huống chính xác để luôn đưa ra những quyết định kịp thời, dứt khoát. Thời những năm 80, 90 của thế kỷ trước, khi thi đấu trong màu áo đội Hải quan hay Cảng Sài Gòn, ông luôn là chỗ dựa vô cùng tin cậy của các đồng đội, với sự ra vào hợp lý và biết làm chủ khu vực 16 m 50.

Cựu thủ môn Nguyễn Hồng Phẩm kể lại: "Tôi may mắn được kế thừa tố chất của ông ngoại Nguyễn Tấn Hiếu, cựu thủ môn đội Ngôi sao Gia Định. Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, ngay từ nhỏ tôi đã theo ông ngoại đến sân để dõi theo các trận đấu, được thẩm thấu từng động tác, lối chơi của cầu thủ trên sân. Chính ông ngoại là người đã truyền niềm cảm hứng và đam mê bóng đá cho tôi, giúp tôi có động lực sắt thép theo đuổi nghiệp thủ môn, dù chiều cao khiêm tốn".

Trong suốt sự nghiệp của mình, từ lúc theo học Trường Năng khiếu nghiệp vụ TP.HCM đến khi đầu quân cho các đội bóng lớn, ông Hồng Phẩm đã tự hình thành cho mình một lối bắt bóng điềm tĩnh, nhẹ nhàng, đẹp mắt. Ông chia sẻ: "Tôi yêu bóng đá đẹp và chính ông ngoại tôi, gia đình tôi đã tiếp cho tôi niềm tin về sự lựa chọn lối chơi không xù xì, mang phong thái nghệ thuật. Khi về thi đấu cho đội Cảng Sài Gòn, tôi lại được dẫn dắt bởi HLV Phạm Huỳnh Tam Lang - người thầy mà tôi luôn ngưỡng mộ bởi phong cách thi đấu hào hoa, ông đã dạy cho chúng tôi thế nào là bóng đá đẹp và xây dựng đội tuân thủ lối chơi đẹp trên sân, cách hành xử đẹp ngoài đời. Cũng vì được lớn lên và trưởng thành trong môi trường đẹp như thế, tôi đã tự xây dựng cho bản thân lối bắt bóng chủ động, hiệu quả và không để phạm những lỗi thô thiển". Có lẽ chính vì vậy mà suốt gần 10 năm thi đấu đỉnh cao, ông đã lập kỷ lục khi trở thành thủ môn chưa từng nhận bất kỳ thẻ phạt nào.

Cựu danh thủ Hồng Phẩm nói: "Khi giải nghệ ở tuổi 31 vào năm 1995, tôi đi học HLV và sau đó tham gia một số đội bóng của TP.HCM và đó phải là những đội chơi đẹp. Tôi tự đặt ra điều này vì không muốn đi ngược lại với tôn chỉ từ đầu của cuộc đời mình. Đó là phải làm cho hình ảnh bóng đá Sài Gòn lúc nào cũng phải lung linh, hào hoa trong mắt người hâm mộ. Còn nếu đội bóng nào không đạt được điều đó, tôi lập tức ra đi".

CƠ DUYÊN VỚI BÓNG ĐÁ TRẺ

Cựu thủ môn Nguyễn Hồng Phẩm từng được khoác áo đội tuyển VN tham dự SEA Games 16 năm 1991 ở Philippines và may mắn được bắt trận gặp Indonesia và Malaysia. Ông nhớ lại: "Lúc đó đội tuyển VN đá vòng loại 3 trận. Trần đầu gặp chủ nhà Philippines hòa 2-2 thì Trần Xuân Lý bắt. Sau đó tôi được giao bắt 2 trận sau. Tôi còn nhớ cả hai trận, đội tuyển VN đều chơi rất kiên cường vì lúc đó lần đầu xuất ngoại, mới hội nhập nên mọi thứ còn bỡ ngỡ, kinh nghiệm thi đấu quốc tế chưa nhiều nên có mắc vài sai sót. Nhưng anh em vẫn động viên nhau nỗ lực đứng vững trên sân. Tuy không thể vào sâu nhưng nhiều bài học quý giá đã được rút ra và làm nền móng cho sự phát triển sau này của đội tuyển. Chúng ta đã có được tấm HCB đầu tiên tại SEA Games 18 năm 1995".

Cựu danh thủ Hồng Phẩm cũng là một trong 2 thủ môn đầu tiên của VN được chọn tham gia lớp học do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) tổ chức. "Thời đó được đi học AFC là một vinh dự và niềm tự hào lớn. Bóng đá VN muốn đi theo lộ trình lên chuyên nghiệp thì cần có những người làm nghề chuyên nghiệp. Tôi và anh Trần Văn Khánh của Thể Công được chọn đi học để về phân công nhau một người theo đội tuyển, một người theo đội Olympic. Lúc đó tôi rất háo hức muốn làm điều gì đó để cống hiến cho bóng đá nước nhà". Ông và cựu danh thủ Lư Đình Tuấn còn có vinh dự lớn khác nữa là từng làm giảng viên HLV của AFC từ năm 2012 - 2018.

Ông Hồng Phẩm gần như cả đời chỉ gắn bó với bóng đá TP.HCM. Ông từng là thành viên quan trọng của Ban huấn luyện các đội Cảng Sài Gòn hay sau này là Ngân hàng Đông Á - Thép Pomina. Năm 2013, ông nhận lời tham gia Ban huấn luyện U.19 VN. Chỉ đơn giản vì U.19 VN khi đó lấy lứa HAGL của bầu Đức làm nòng cốt, cũng theo đuổi lối đá hay và đá đẹp với những cái tên như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… Ông cảm nhận đó chính là đội bóng có phong cách chơi hào hoa, lối chơi ban bật đẹp mắt giống hình ảnh đội Cảng Sài Gòn cùng tác phong đạo đức và ứng xử văn hóa tốt.

Ông cũng từng góp mặt trong Ban huấn luyện của Học viện NutiFood đặt tại TP.HCM, được xây dựng theo mô hình của HAGL. Sau này, ông cùng 2 cựu danh thủ và cũng là đồng nghiệp thân thiết là Hà Vương Ngầu Nại và Nguyễn Hoàng Xuân Trúc tham gia huấn luyện các lứa U.17, U.19, U.21 TP.HCM. Ông nhớ lại: "Tôi đã có cơ duyên gắn bó với bóng đá trẻ từ những năm 1998 khi tham gia Ban huấn luyện đội U.21 TP.HCM, giúp đội đoạt hạng ba giải U.21 Báo Thanh Niên. Rồi tham gia Ban huấn luyện đội U.21 Thành Long cùng với thầy Tam Lang dự giải U.21 ở Gia Lai năm 2004, cùng U.21 TP.HCM dự VCK giải U.21 ở Bình Định năm 2008 giành á quân".

Có lẽ tình yêu với mảnh đất Sài Gòn đã níu chân ông trong suốt sự nghiệp của mình, mà không đầu quân cho các đội bóng ở miền đất khác tại VN. Và suốt thời gian qua, ông lại dành trọn niềm đam mê với công tác đào tạo bóng đá trẻ. "Giờ ở tuổi ngoài 60, tôi thấy không có gì hối tiếc với chọn lựa của mình", ông chia sẻ. Ông cũng không quên nhắc đến một ước mơ lớn của đời mình là đào tạo ra các thủ môn giỏi cho bóng đá TP.HCM nói riêng và VN nói chung.

Cựu danh thủ Nguyễn Hồng Phẩm cũng trở thành thành viên tích cực của Chi hội cựu cầu thủ TP.HCM, thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn của các bậc đàn anh, đàn chú không may mắn trong cuộc sống. Nhờ hậu phương gia đình ổn định nên ông vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết ở tuổi 62, vẫn đang hạnh phúc và muốn cống hiến trọn đời cho bóng đá TP.HCM. (còn tiếp)