Nguyễn Công Phương Nam: Từ mặc quân phục chơi Jazz đến làm nhạc phim cho Địa đạo: mặt trời trong bóng tối

Từ trước đến nay nhạc Trịnh luôn là "chuẩn mực", có phần thách thức những nỗ lực làm mới. Tuy nhiên, đã có không ít dự án thành công, cho thấy sự đón nhận ngày càng cởi mở từ cả khán giả lẫn giới nghệ sĩ.
Định cư ở Đức, nhưng Nguyễn Công Phương Nam (nghệ danh tại nước ngoài là Vincent Nguyễn) không hề lạ lẫm với giới chuyên môn trong nước, khi anh là nhà sản xuất âm nhạc của những album phòng thu thành công của Tùng Dương (Li ti), Đức Tuấn (Requiem), Đoan Trang (The Un make-up), Lê Hiếu (Dạ khúc dương cầm), Jazzy Dạ Lam (Trăng và Em)...; mới nhất là dự án đĩa than Vết lăn trầm của ca sĩ Cẩm Vân cùng phần nhạc nền (nhạc sĩ phối hợp) cho phim Địa đạo: mặt trời trong bóng tối. Một người con của TP.HCM, luôn mang trong mình tâm thế "hành phương Nam" đúng như cái tên cúng cơm của anh cả khi đã định cư tại xứ người và là một "con nhà nòi" quân đội với bố mẹ đều là văn công giải phóng.
Trong cuộc trò chuyện mới nhất với PV Thanh Niên, anh đã nói về những cảm hứng đẹp đến từ môi trường quân đội, trong dư âm và liên tưởng về những "đoàn quân đi giữa vòng tay nhân dân" dịp 30.4 vừa qua tại TP HCM...
Trong thành công chung của Địa đạo: mặt trời trong bóng tối, không thể không kể đến sức lay động từ nhạc phim. Một mắt xích trong ê kíp nhạc phim của Địa đạo, GS Hồ Thụy Trang mới đây cũng nhắc tới vai trò của anh: "Trong Địa đạo: mặt trời trong bóng tối có sử dụng giai điệu là sáng tác của Vincent Nguyễn (Nguyễn Công Phương Nam), tôi chỉ cần thổi vào đó chất Nam Bộ bằng những nốt hoa mỹ và luyến láy mà thôi…". Thế nhưng trên credits (danh đề) cuối phim lại hiện lên phần song ngữ không hẳn tương thích: Nhạc sĩ phối hợp/ Additional Arranger (người phối hoặc hòa âm phụ). Vậy chính xác vai trò của anh trong Địa đạo: mặt trời trong bóng tối là gì?
Nhạc sĩ phối hợp là định danh chính xác hơn. Trong hành trình cùng Địa đạo: mặt trời trong bóng tối, tôi đã may mắn được đồng hành và góp sức từ việc viết những nốt nhạc đầu tiên cho tiếng đàn bầu trong cảnh làm tình dưới bom, đến chủ đề chơi bằng cello The Farmer Heroes được dùng cho khoảng 2 cảnh, phần thu âm với GS Hồ Thụy Trang ở Paris cũng là do tôi tìm chị, nói chuyện, biết chị những ngày chuẩn bị thu với Clovis tại Paris. Ngày thu âm, tôi đi xe lửa từ Đức sang tận nơi để cùng mọi người thực hiện. Cảnh đám cưới Út Khờ, có những nốt tôi viết trước đó, có những nốt cả team cùng ngẫu hứng trong lúc thu, xong rồi lúc gắp những nốt ngẫu hứng đó để vào chỗ nào trong cảnh, kết hợp những nốt nhạc đó với nhau sao cho thành cái soundtrack của cảnh này là chính tay tôi ngồi dựng - gắp trong studio của Clovis…
Tiếc là do quá bận bịu với lịch trình biểu diễn của Dàn nhạc Big Band nên tôi không thể đảm đương toàn bộ soundtrack 1 mình. Vì thế, Clovis đã đứng ra thực hiện đa số những khâu còn lại và là yếu tố quan trọng về nhân lực cho việc tạo nên âm nhạc cho phim Địa đạo: mặt trời trong bóng tối.
Tôi từng hỏi đạo diễn Đặng Nhật Minh vì sao lại để nhạc sĩ Phú Quang (lúc đó còn chưa nổi tiếng) dùng chủ yếu nhạc cụ Tây cho nhạc nền của Bao giờ cho đến tháng 10 - một bộ phim thấm đẫm hồn Việt với bối cảnh làng quê Bắc Bộ, phiên chợ âm dương… (tất nhiên pha lẫn tiếng sáo diều, tiếng đàn bầu…), vị đạo diễn tài hoa đã trả lời rằng ông tôn trọng cá tính sáng tạo của nhạc sĩ trẻ. Phim sau đó đã bội thu tới 6 giải thưởng chính tại LHP VN lần thứ 7 (1985), trong đó có Âm nhạc xuất sắc. Nhưng đạo diễn về sau vẫn thấy tiếc một điều: "Giá nhạc sĩ sử dụng thêm nhạc cụ dân tộc thì có lẽ chất dân gian sẽ còn đậm đà hơn…". Vậy với Địa đạo: mặt trời trong bóng tối thì sao, khi người gánh team là một nhạc sĩ người Pháp?
Nhạc cho phim Địa đạo: mặt trời trong bóng tối hiển nhiên có yếu tố về dân tộc với đặc thù là nét Nam Bộ, người áp dụng không khéo, dùng nhầm nét Trung hay Bắc Bộ là đã không ổn rồi, chứ đừng nói là "bị Tây" quá, nhất là phải tương thích với phong cách kể chuyện của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Trên khía cạnh này, người gánh vai trò chính là nhạc sĩ người Pháp Clovis Schneider rõ ràng cần trợ lực từ cộng sự Việt. Do đó, phần mà tôi và nghệ nhân nhạc cụ dân tộc Hồ Thụy Trang có thể phối hợp cùng cộng sự ngoại của mình chính là cái hồn Việt đó.
Tôi để ý Bùi Thạc Chuyên là người chọn nhạc phim rất tinh, từ Chơi vơi tới Tro tàn rực rỡ... Trong Chơi vơi, anh gần như tiết chế tới mức có thể, kiểu tối giản, nhưng khi anh cho "bung" nhạc ra (ca khúc Dệt tầm gai) thì nó thực sự rất chạm và đẩy, tuyệt nhiên không phải là kiểu vang lên chỉ để lấp chỗ trống như điểm yếu chí mạng mà tôi thường thấy ở nhiều phim Việt. Tôi thực sự rất nể anh trong ấn tượng này.
Với Địa đạo: mặt trời trong bóng tối, phương án ban đầu của đạo diễn là mời nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, cộng sự ruột lâu năm của anh, và tôi sẽ là người phụ giúp với concept ban đầu là nhạc giao hưởng; nhưng sau đó anh Hùng đã không thu xếp tham gia được. Tới lượt Clovis, anh cho rằng nhạc giao hưởng e không được thích hợp cho lắm với bối cảnh và không gian bức bối, chật hẹp trong Địa đạo: mặt trời trong bóng tối nên đề xuất thay nhạc điện tử. Do đó những bản tôi viết cho nhạc giao hưởng theo đề nghị ban đầu của đạo diễn cũng đành gác lại và gần như bỏ hết.
Nhưng mỗi nhạc điện tử sẽ khó mà tải được hết thông điệp của Địa đạo: mặt trời trong bóng tối nếu thiếu đi phần hồn cốt của nó là nhạc dân tộc. Trong quá trình làm nhạc, Bùi Thạc Chuyên yêu cầu chúng tôi phải đưa ra rất nhiều phương án và chỉ thực sự hài lòng khi yếu tố dân tộc tính, chất Nam Bộ được lồng vào một cách giản dị, tự nhiên và quấn quyện nhất có thể. Trong đó có hai cảnh anh ưng ý nhất là cảnh làm tình dưới bom giữa Ba Hương - Tư Đạp và cảnh đám cưới Út Khờ (khi tôi gửi lại lần 2, anh Chuyên sướng lắm). Tiếng đàn dân tộc sau đó gần như trở thành một "từ khóa" cho nhạc phim Địa đạo: mặt trời trong bóng tối. Tôi vẫn còn nhớ sau cú gật gù đó, trong một bữa tối tại Paris giữa ba chúng tôi: Tôi, Clovis và chị Hồ Thụy Trang, nhạc sĩ người Pháp đã hồ hởi nói: "Từ hôm nay tôi đã biết cần làm gì cho Địa đạo: mặt trời trong bóng tối…".
Gạch đầu dòng ấn tượng nhất trong lý lịch trích ngang của nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam có lẽ chính là việc anh có chân trong Dàn nhạc Jazz Bigband của quân đội Đức. Cảm giác của anh khi chơi đàn trong bộ quân phục?
Quân phục dù của quân đội nào cũng đều toát lên vẻ thiêng liêng và trang trọng, và khi kết hợp cùng tính phiêu bồng ngẫu hứng của Jazz, nó hiển nhiên sẽ mang tới một cảm giác rất đặc biệt cho người đứng trong không gian đó. Bảo tôi "con nhà nòi" là không chỉ âm nhạc mà còn cả nghĩa "con nhà lính": Thời kháng chiến chống Mỹ, ba mẹ tôi từng đều là văn công giải phóng, chuyên đi biểu diễn phục vụ chiến trường, từng được trao huân chương kháng chiến; phục trang biểu diễn cũng chính là những bộ quân phục.
Nên niềm tự hào khi được khoác trên mình những bộ quân phục (dù của quân đội VN hay quân đội Đức) tự nó đã nằm sẵn trong máu của mình rồi, qua những câu chuyện chiến trường mà ba mẹ tôi vẫn thường hay kể… Mẹ kể rằng trong thời gian mang thai tôi, có lần mẹ phải đi qua một quả đồi để tới trạm quân y khám thai, quả đồi đó đất trống đồi trọc, trực thăng Mỹ bay qua thường hay lia đạn xuống, vậy mà lạ sao hôm đó không có tiếng súng nào. Cái tên cúng cơm của tôi, Nguyễn Công Phương Nam, cũng là chất chứa tấc lòng thương nhớ miền Nam của những người "đi B" như ba mẹ tôi, và giờ đây trong tôi là niềm hoài nhớ cội rễ Việt…
Theo dõi lễ diễu hành, diễu binh trong dịp đại lễ 30.4 vừa qua tại TP.HCM; hay sau đó là tại Quảng trường Đỏ, Moscow (Nga) nhân kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng, cảm xúc riêng có ở một người nhạc sĩ mặc quân phục là gì?
Hình ảnh những "đoàn quân đi giữa vòng tay nhân dân" thật đẹp và mãi đẹp, dù rảo bước ở đâu và thuộc quân đội nước nào, khi thông điệp toát ra là ước vọng hòa bình thay vì tham vọng chiến tranh.
Sau Thế chiến thứ 2, nước Đức cam kết sẽ không bao giờ tấn công nước khác, quân đội Đức là một quân đội bảo vệ hòa bình. Bigband là một tấm thiệp, mang thông điệp hòa bình đến với mọi người dân ở Đức cũng như bạn bè thế giới. Quân đội Đức bấy giờ có tới 25 đội quân nhạc, nhưng chưa bao giờ có một band chơi Jazz nào và Big Band ra đời với biên chế lên tới 21 người (thường chỉ từ 4 - 6 người và cùng lắm là 17 người) được cho như là một lời "cam kết đẹp" bằng nghệ thuật về thiện chí hòa bình, hữu ái.
Để tham gia Bigband, tôi phải trải qua một khóa huấn luyện cơ bản dành cho một hạ sĩ quan, kéo dài 18 tháng; từng đi qua những vùng chiến sự nóng bỏng của Nam Tư, nơi công binh Đức vẫn rà phá rất nhiều bom mìn tại nơi trẻ con chơi đá banh cách đó không xa, dù chiến sự đã lùi xa cả chục năm trước…
21 năm đứng trong đội hình Bigband, tôi cũng đã được nếm trải những niềm vui làm nghề thuần khiết, khi trước đó khán giả thường định kiến mấy ông mặc quân phục làm sao chơi được nhạc ngoài mấy khúc quân hành; từng được hiện diện trên những sân khấu trang trọng trong các buổi lễ trọng, đón tiếp các tướng lĩnh, chính khách đến từ nhiều nước…
Bộ quân phục có bao giờ là "tấm áo chật" với bản tính phóng khoáng nghệ sĩ và đặc biệt là với vẻ đẹp ngẫu hứng ở Jazz?
Để đi đường dài và làm nghề một cách nghiêm túc nhất có thể, nhất là khi gánh vai trò là nhà sản xuất, nghệ thuật, trái lại không có đất cho sự ngẫu hứng tùy tiện mà nhất thiết phải tạo lập cho mình một tác phong làm việc kỷ luật và chỉn chu như trong quân đội. Sự kỹ lưỡng và chỉn chu ở tôi có lẽ đã được may mắn trui rèn sau 21 năm trong môi trường quân đội.
Ở đâu cũng thế thôi, áo chật hay không tùy thuộc vào cách mình thích ứng vừa vặn với nó!