Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương - vị lãnh đạo sâu sát, thẳng thắn

(Dân trí) - GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chia sẻ: nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là nhà lãnh đạo rất am hiểu, sâu sát, thực tiễn, thẳng thắn.
Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, y bác sĩ, gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng do tuổi cao, sức yếu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã từ trần hồi 22h51 ngày 20/5 tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một nhà lãnh đạo mẫu mực, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Sự ra đi của ông là mất mát lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Trọn đời hoạt động cách mạng, từ kỹ sư địa chất cần mẫn đến người đứng đầu Nhà nước, nguyên Chủ tịch Trần Đức Lương đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Người dân đồng lòng, ủng hộ
GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chia sẻ, quá trình làm việc tại Văn phòng Quốc hội ông có dịp được tiếp xúc với nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Trong những lần tiếp xúc, theo dõi các chỉ đạo, quyết sách của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, ông thấy đây là nhà lãnh đạo rất am hiểu, sâu sát, thực tiễn, thẳng thắn, dám nói, dám làm và phê bình những điều sai trái.
"Trong 2 nhiệm kỳ giữ cương vị Chủ tịch nước, ông Trần Đức Lương đã có những dấu ấn đặc biệt về đối nội, đối ngoại, được nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ", GS.TS Trần Ngọc Đường nói.
Ông chia sẻ, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương sống rất thẳng thắn, nếu cán bộ cấp dưới có sai sót, nguyên Chủ tịch nước sẽ trực tiếp phê bình, chỉ bảo, uốn nắn.
Chính vì vậy, những người gần gũi, gắn bó đều vô cùng quý mến, tôn trọng cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
"Trong các cuộc họp lớn, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đều có những phát biểu sâu sắc đối với người dân, được người dân rất ủng hộ", GS.TS Trần Ngọc Đường kể và cho biết, khi ông Trần Đức Lương giữ cương vị Chủ tịch nước vào năm 1997, Việt Nam đang trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới.
Do đó, những thành tựu của thời kỳ đầu đổi mới là vô cùng quan trọng, mở đường cho đất nước phát triển về kinh tế và sau đó là đổi mới về chính trị.
"Khi ông Trần Đức Lương giữ cương vị Chủ tịch nước, Việt Nam cũng trong giai đoạn đầu mở cửa, thiết lập ngoại giao với các nước. Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã thiết lập các mối quan hệ vô cùng tốt đẹp với các nước, dần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế", ông Đường đánh giá.
Thành công trong đổi mới, hội nhập
TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước, cho biết trong những năm 1997-2006 là thời kỳ "sôi động" của Việt Nam trong việc thực thi các chủ trương cải cách, đổi mới.
Thời kỳ này có rất nhiều ý tưởng của Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đồng hành với tiến trình cải cách, đổi mới một cách mạnh mẽ.
"Chủ tịch nước Trần Đức Lương là người vô cùng sâu sát, cụ thể và là con người của hành động, lời nói và việc làm luôn đi đôi với nhau. Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã thực thi được rất nhiều chủ trương mới, lan tỏa, triển khai các ý tưởng về phát triển kinh tế, xã hội", TS. Thang Văn Phúc nói.
Đặc biệt, ở giai đoạn khó khăn trong công tác chuyển đổi từ nhận thức đến hành động, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã góp phần to lớn trong việc thay đổi nhận thức, xác lập các chương trình hành động của Chính phủ, Trung ương và tạo nên bộ mặt mới của nền hành chính Việt Nam theo hướng hiện đại.
Từ thời Chủ tịch nước Trần Đức Lương, chúng ta đã bắt đầu chuyển nền hành chính quản trị, quản lý đơn thuần sang nền hành chính phục vụ và sau đó là cả quá trình kéo dài liên tục.
Đến bây giờ chúng ta vẫn theo đuổi nền hành chính phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển.
"Đây là cuộc theo đuổi kéo dài nhiều năm và là cuộc đấu tranh để khắc phục những vấn đề của thể chế cũ là xin - cho sang thể chế mới là chủ động, tự nguyện, tạo ra môi trường mới cho sự phát huy các nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp, cá nhân", TS. Thang Văn Phúc chia sẻ.
Theo TS. Thang Văn Phúc, thời kỳ từ 1997 đến 2006, Việt Nam đã đạt được những thành công nổi bật về đối ngoại.
Cụ thể, từ ngày 14 đến 16/11/1997 Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức thành công Hội nghị cấp cao lần thứ 7 các nước có sử dụng tiếng Pháp, hay hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 5 (ASEM 5) từ ngày 8 đến 9/10/2004.
Ông cho rằng những sự kiện này đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn đầu của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong hai nhiệm kỳ, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển nổi bật của đất nước ta trong giai đoạn đầu thế kỷ XXI. Đây là những thành tựu quan trọng giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ.