Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương - Nhà kỹ trị cống hiến thầm lặng

Ông từ trần hồi 22h51 ngày 20/5/2025 tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi. Lễ tang được tổ chức theo nghi thức quốc tang trong hai ngày 24 và 25/5.
Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chia sẻ rằng điều bà ấn tượng nhất trong thời gian làm việc cùng ông Trần Đức Lương chính là sự tận tụy, khiêm nhường và cống hiến không màng danh tiếng. "Anh Lương âm thầm làm việc, cống hiến; làm nhiều hơn nói, không phô trương, không đao to búa lớn, không ồn ào hay hình thức", bà nói.
Thúc đẩy phát triển kinh tế thời kỳ đổi mới
Trước khi giữ cương vị Chủ tịch nước, ông Trần Đức Lương có 10 năm tham gia điều hành Chính phủ với vai trò Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1987-1991) và sau đó là Phó thủ tướng (1992-1997).
Trên cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông phụ trách lĩnh vực công nghiệp, cải tiến quản lý xí nghiệp, đồng thời là đại diện thường trực của Việt Nam tại Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV). Theo Trần Đức Lương tuyển tập, một trong những dấu ấn lớn của ông là đề xuất duy trì và phát triển quan hệ hợp tác lâu dài với Liên bang Nga sau khi Liên Xô tan rã, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu khí và năng lượng. Nhờ sự kiên trì và quyết đoán của ông, Việt Nam tiếp tục mua được các tổ hợp thiết bị cho thủy điện Hòa Bình (từ tổ máy số 5 đến 8), đồng thời Hiệp định hợp tác dầu khí Việt - Nga được ký lại trên cơ sở nguyên tắc và thông lệ quốc tế. Liên doanh Vietsovpetro được cải tổ và hoạt động hiệu quả, Ủy ban hợp tác liên chính phủ Việt - Nga tiếp tục duy trì.
Ở thời kỳ đầu đổi mới, khi hệ thống pháp luật kinh tế còn sơ khai, ông Trần Đức Lương đã tham gia trực tiếp chỉ đạo soạn thảo nhiều đạo luật nền tảng như Luật Đầu tư nước ngoài (1987), Luật Đất đai (1988), cùng các văn bản về lao động, tiền lương, quy chế hợp tác xã, kinh tế hộ cá thể và gia đình. Những chính sách này đóng vai trò then chốt trong việc cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đại hội Đảng 6, tạo hành lang pháp lý đầu tiên cho sự hình thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong giai đoạn 1992-1997, với vai trò Phó thủ tướng phụ trách các ngành kinh tế - kỹ thuật, ông Trần Đức Lương làm việc giữa bối cảnh Việt Nam đang từng bước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội, đối mặt với lạm phát phi mã và còn bị cấm vận kinh tế của Mỹ. Đồng thời, Chính phủ đang đẩy mạnh tiến trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1993) và Mỹ (1995).
Ông được giao phụ trách toàn diện các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông. Trong thời kỳ này, ông chỉ đạo và tham gia xây dựng hàng loạt đạo luật có tính định hình như: Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990), Luật Phá sản doanh nghiệp (1993), Luật Đất đai sửa đổi (1993), Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (1995), Luật Dầu khí (1993), Luật Hợp tác xã (1996)... Đây là những văn bản pháp lý góp phần hình thành khung thể chế kinh tế thị trường nhiều thành phần, có sự quản lý của Nhà nước.
Ông cũng là người chỉ đạo Bộ Xây dựng ban hành các nghị định về chính sách nhà ở trong giai đoạn đổi mới, khuyến khích quyền tự chủ về tài chính, đầu tư, hợp tác với nước ngoài để phát triển các dự án kỹ thuật cao trong các lĩnh vực dầu khí, năng lượng, hàng không, vận tải, xi măng, dệt may, nông lâm ngư nghiệp... Những nỗ lực này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đặt nền móng cho sự hình thành các đầu tàu kinh tế sau này.
PGS Nguyễn Văn Bích, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, người từng nhiều năm làm trợ lý cho ông Trần Đức Lương, cho biết nguyên Chủ tịch nước là người "bền bỉ, kiên định, luôn hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ và Thủ tướng giao phó". Ông đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để hiện thực hóa các chủ trương đổi mới từ Đại hội 6, từng bước tháo gỡ cơ chế quan liêu bao cấp, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp và người lao động, kiến tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng theo pháp luật.
"Khi chỉ đạo soạn thảo các chính sách, anh Lương luôn căn dặn cán bộ: đây là việc mới, khó, ta chưa có kinh nghiệm nên phải nghiên cứu sâu tình hình thực tế trong nước và chọn lọc bài học quốc tế phù hợp", ông Bích kể lại. Ông Trần Đức Lương cũng là người đầu tiên đề xuất thay từ "xí nghiệp" bằng khái niệm "doanh nghiệp" - một thay đổi ngôn ngữ tưởng nhỏ nhưng có giá trị thể chế lớn.
Mở rộng quan hệ đối ngoại
Trên cương vị Phó thủ tướng, ông Trần Đức Lương có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng nhằm duy trì và củng cố quan hệ với các nước bạn bè truyền thống. Ông đã thăm Liên bang Nga và làm việc tại một số nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô như Ba Lan, Hungary, Bulgaria, Romania, góp phần duy trì sợi dây liên kết trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động. Đặc biệt, năm 1994, ông thực hiện chuyến thăm không chính thức tới Mỹ theo lời mời của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt - Mỹ. Tại đây, ông gặp gỡ đại diện Bộ Ngoại giao, một số thượng nghị sĩ và đến bang California. Chuyến đi này được xem như bước thăm dò quan trọng trước khi Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào năm 1995.
Giai đoạn giữ cương vị Chủ tịch nước gần hai nhiệm kỳ (1997-2006), ông Trần Đức Lương đã thực hiện nhiều chuyến công du quan trọng tới các quốc gia lớn như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Triều Tiên, Brazil, Nam Phi, Pháp... góp phần thúc đẩy quan hệ song phương, mở rộng ảnh hưởng và khẳng định vị thế ngày càng cao của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Ông là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam thực hiện chuyến thăm chính thức Pháp và được trao tặng Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh - phần thưởng cao quý nhất của nước này.
Theo PGS Nguyễn Văn Bích, nguyên Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm và trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị nội dung, vận động quốc tế để Việt Nam tiến tới gia nhập WTO. Ngay sau khi nhậm chức năm 1997, ông được giao chuẩn bị và chủ trì Hội nghị quốc tế Pháp ngữ lần đầu tổ chức tại Việt Nam, thu hút sự tham dự của 35 nguyên thủ các nước. Thành công của hội nghị được xem là thử nghiệm thành công đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới, tạo đà để Việt Nam mở rộng quan hệ sâu rộng với các nước và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Tại Diễn đàn cấp cao Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc năm 2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đọc diễn văn, trong đó đưa ra sáng kiến lấy thập kỷ đầu thế kỷ 21 làm "Thập kỷ của những nỗ lực toàn cầu cao nhất nhằm xóa đói giảm nghèo" - đề xuất được Liên Hợp Quốc đánh giá cao.
Năm 2004, ông chỉ đạo tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 5 (ASEM 5) tại Hà Nội, đưa ra Tuyên bố Hà Nội về đối tác kinh tế Á - Âu và tuyên bố về đối thoại giữa các nền văn minh. Ông theo sát mọi khâu tổ chức, từ nội dung đến lễ tân, với mong muốn thể hiện sự hiếu khách và bản sắc của một Việt Nam hòa bình, năng động, đang vươn lên. Nhiều lãnh đạo các nước đã để lại ấn tượng sâu sắc. Tổng thống Pháp Jacques Chirac chia tay với lời cảm thán:"Hội nghị ASEM-V chỉ có một khuyết điểm duy nhất là tôi phải rời xa ngài và nhân dân Việt Nam quá sớm".
Không chỉ chú trọng đối ngoại, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn để lại dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng. Ông chỉ đạo xây dựng Đề án bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới - sau này được Trung ương khóa 9 thông qua thành Nghị quyết mang ý nghĩa chiến lược lâu dài. Ông cùng Bộ Chính trị chỉ đạo Bộ Ngoại giao đàm phán, ký kết thành công các văn kiện phân định biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, góp phần củng cố chủ quyền quốc gia.
Trên cương vị Trưởng ban chỉ đạo Chương trình Biển Đông, ông trực tiếp chỉ đạo thực hiện các chương trình đánh bắt xa bờ, xây dựng hệ thống cảng cá và âu thuyền đầu tiên trên các đảo như Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc... Các ngọn hải đăng tại quần đảo Trường Sa cũng được dựng lên trong thời kỳ này.
Đặc biệt, các nhà giàn DK đầu tiên trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc được xây dựng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông. Công trình tại đảo Đá Tây (quần đảo Trường Sa) - do ông đề xuất - trở thành mô hình kết hợp cảng dân sự và quân sự đầu tiên, thể hiện tầm nhìn chiến lược đối với biển đảo và chủ quyền quốc gia.
Khôi phục phong trào thi đua yêu nước
PGS Nguyễn Văn Bích cho hay ngay sau khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước, một trong những việc đầu tiên ông Trần Đức Lương quan tâm là khôi phục và thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước - vốn từng bị gián đoạn, trầm lắng sau ngày đất nước thống nhất. Ông xác định thi đua không chỉ là hình thức động viên mà là động lực phát triển, huy động toàn dân, toàn quân nỗ lực vì sự nghiệp đổi mới.
Trên cơ sở đề xuất của ông, Bộ Chính trị và Trung ương đã ban hành Chỉ thị 35 về đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong giai đoạn mới. Với tinh thần đó, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ra lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, góp phần xây dựng đất nước "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Chỉ thị 35 cũng đặt nền móng cho việc xây dựng Luật Thi đua, khen thưởng - lần đầu được ban hành vào năm 2003.
Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chủ tịch nước, các phong trào thi đua lan tỏa rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến vùng núi, hải đảo. Nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, tập thể và cá nhân tiêu biểu xuất hiện, đóng góp tích cực vào phát triển sản xuất, nghiên cứu khoa học, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Nhờ vậy, diện mạo đất nước có nhiều khởi sắc rõ nét.
"Việc phát động phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đổi mới đã tạo ra một động lực to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đóng góp xứng đáng vào tiến trình đổi mới đất nước", ông Bích nhận xét.
Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, người từng trực tiếp phụ trách công tác thi đua, khen thưởng, cũng khẳng định: "Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đặt nền móng quan trọng cho công tác thi đua thời kỳ đổi mới".
Nông dân phải làm giàu bằng tri thức và khoa học
Theo cuốn sách Khát vọng chấn hưng đất nước do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành, trong suốt thời gian giữ cương vị lãnh đạo cao nhất, Chủ tịch nước Trần Đức Lương luôn trăn trở với bài toán hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là khu vực nông nghiệp.
Năm 2005, trong một chuyến thăm Viện Di truyền Nông nghiệp - cơ sở nghiên cứu hàng đầu về ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất - ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề giống cây trồng, nhất là trong bối cảnh nông dân nhiều nơi gặp khó khăn vì giống lúa lai nhập khẩu từ Trung Quốc kém chất lượng.
GS Trần Duy Quý, Viện trưởng, hào hứng báo cáo thành quả của 20 năm đổi mới: các nhà khoa học trong ngành đã tạo ra 342 giống thuộc 35 loài cây trồng, riêng Viện Di truyền Nông nghiệp đã có 16 giống quốc gia và 23 giống khu vực hóa.
Dẫu vậy, Chủ tịch nước Trần Đức Lương không giấu được sự trăn trở: "Ta tiến, các nước cũng tiến. Tôi hỏi thật các đồng chí: so với Trung Quốc và Thái Lan - chưa nói đến Mỹ hay Nga - thì trình độ công nghệ sinh học của chúng ta hiện đứng ở đâu?".
Giáo sư Quý thẳng thắn thừa nhận Việt Nam chỉ tương đương về một số lĩnh vực như nghiên cứu gen, tế bào, vi sinh vật; còn ở khâu ứng dụng vào sản xuất thua Thái Lan. Riêng với Trung Quốc, Việt Nam tụt hậu cả trong nghiên cứu lẫn triển khai. Việc thiếu đầu tư, bảo hộ sở hữu trí tuệ yếu, khiến các giống cây trồng vừa được nghiên cứu xong đã mất bản quyền ngay vụ sau. Viện muốn vay vốn đầu tư thương mại hóa cũng không được vì các ngân hàng không cho đơn vị nghiên cứu vay.
Nghe xong, Chủ tịch nước chau mày, quay sang Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát: "Đề nghị anh Phát về báo cáo với Chính phủ và nghiên cứu chính sách tháo gỡ. Đây là vấn đề lớn, nếu không giải quyết được chắc chắn sẽ làm cản trở kết quả nghiên cứu khoa học đi vào cuộc sống".
Trước khi đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo cấp cao của đất nước, ông Trần Đức Lương có ba thập kỷ gắn bó với ngành địa chất. Ông là đồng chủ biên của hai công trình khoa học trọng yếu được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005: Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 (xuất bản năm 1981) và Bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 (xuất bản năm 1988).
Trong thời gian làm Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất, ông đã chỉ đạo triển khai điều tra địa chất toàn diện trên phạm vi cả nước, tập trung vào các loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao và nhu cầu khai thác cấp thiết như than, apatit, đồng, đá xây dựng, nước ngầm... Những công trình này không chỉ phục vụ phát triển kinh tế mà còn góp phần khẳng định tiềm năng tài nguyên và chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Vũ Tuân - Sơn Hà