Nhảy đến nội dung
 

Nguyên Bí thư mong ngày tái hợp tỉnh: Trăn trở cũ thành quyết sách mới

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn bày tỏ ý kiến trên tại tọa đàm "Sắp xếp tỉnh thành để kiến tạo không gian cho chiến lược phát triển trăm năm", do báo Dân trí tổ chức sáng 10/4.

Nhiều địa phương điểm sáng không còn dư địa phát triển

Nói về các tiêu chí sáp nhập tỉnh thành, Vụ trưởng Phan Trung Tuấn nhấn mạnh, những người tham mưu xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp ở địa phương xác định rõ đây là một vấn đề hệ trọng của quốc gia.

Theo ông Tuấn, không thể nói tiêu chí nào quan trọng hơn hết, bởi tất cả đều cần được đánh giá một cách toàn diện, cẩn trọng để hướng tới mục tiêu phát triển đất nước một cách bền vững và lâu dài.

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương khẳng định, "mở rộng không gian phát triển" là tiêu chí rất lớn, song không thể tách rời các yếu tố địa lý, văn hóa, quy hoạch vùng, liên vùng... cũng như mục tiêu xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần chỉ đạo.

Nhắc lại câu chuyện của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Ninh khi vẫn luôn nghĩ về một ngày tái hợp xứ Sơn Nam Hạ ngay từ thời điểm chia tách tỉnh 30 năm trước, theo ông Tuấn, đó cũng là suy nghĩ của rất nhiều người hiện nay.

Quay trở lại bối cảnh lịch sử, ông Tuấn cho rằng, việc phân chia hay sáp nhập địa giới hành chính ở từng thời kỳ đều gắn với những đặc thù và điều kiện cụ thể. 30 năm trước, hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, trình độ cán bộ và mặt bằng dân trí chưa cho phép quản lý quản lý một địa bàn với quy mô rộng lớn như vậy.

Và không chỉ Hà Nam Ninh mà nhiều tỉnh khác như Nghệ Tĩnh (sau chia tách thành Nghệ An và Hà Tĩnh) khi đó cũng được điều chỉnh để phù hợp hơn với yêu cầu quản lý, để chính quyền gần dân, sát dân, quản lý trực tiếp và hiệu quả hơn.

Hay mới đây, trong một buổi tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhắc đến thực tế tại chính quê hương ông - tỉnh Hưng Yên khi chia tách đã phát triển mạnh mẽ, bật lên rõ rệt. Câu chuyện của Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình cũng tương tự.

"Song đến một giai đoạn nhất định, khi điều kiện đã khác xưa rất nhiều, từ trình độ cán bộ, dân trí, hạ tầng, công nghệ, đến mức độ sẵn sàng hội nhập, thì việc sáp nhập là việc tất yếu.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các địa phương, thực tế cho thấy nhiều tỉnh, thành hiện nay gần như đã cạn kiệt dư địa phát triển, đặc biệt là về quỹ đất dành cho sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư", Vụ trưởng Phan Trung Tuấn khái quát. 

Điển hình như TP Đà Nẵng hay tỉnh Bắc Ninh - những địa phương từng được xem là điểm sáng trong thu hút đầu tư, nay không gian phát triển đã dần thu hẹp, quỹ đất còn lại rất ít. Trong khi đó, các địa phương lân cận, nếu có thể mở ra được sẽ hình thành những đơn vị hành chính mới với quy mô rộng hơn, quỹ đất dồi dào hơn, từ đó tạo ra không gian phát triển mới, mang tính chiến lược và lâu dài.

"Việc sáp nhập, vì thế, không chỉ là điều chỉnh địa giới hành chính đơn thuần, mà còn là một giải pháp phát triển bền vững, mở ra dư địa mới để quy hoạch, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai", ông Tuấn nêu quan điểm.

Vụ trưởng Phan Trung Tuấn cho rằng, nếu thực hiện theo đúng mô hình đang được đề xuất, thì lần sáp nhập này sẽ phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới hiện nay.

Ông nói thêm, việc xây dựng đề án được thực hiện trên cơ sở định hướng của cấp có thẩm quyền, với sự nghiên cứu công phu, có tiếp thu nhiều ý kiến chuyên gia.

"Bên cạnh các mục tiêu như mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực cho các chiến lược dài hạn, việc sắp xếp, sáp nhập lần này còn hướng tới một mô hình hành chính ổn định, bền vững, có thể nói là cả trăm năm, thậm chí hơn nữa, đặc biệt là ở cấp tỉnh", ông Tuấn nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho biết, trong quá trình xây dựng phương án sắp xếp, nhóm nghiên cứu đã cân nhắc thận trọng, tính toán kỹ lưỡng từng phương án trước khi đề xuất với cấp có thẩm quyền, bởi đây là một quyết sách lớn, hệ trọng đối với tương lai đất nước.

Điểm khác biệt then chốt giữa 2 lần sáp nhập tỉnh

Là người từng tham gia nhiều cuộc quy hoạch lớn của đất nước, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - nhận định tiêu chí đặt ra trong việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này có nhiều điểm khác biệt so với trước đây.

Theo ông Chính, thời điểm hiện tại rất đặc biệt khi Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thực tế, sau năm 1975, khi đất nước vừa thống nhất, Đảng và Chính phủ đã có chủ trương sáp nhập các tỉnh. Khi đó, cả hai miền Nam - Bắc cộng lại có tới 74 tỉnh - một con số quá lớn với điều kiện đất nước thời bấy giờ, gây khó khăn cho quản lý và tổ chức sản xuất.

Thời điểm đó, yêu cầu đổi mới và tái cơ cấu bộ máy là cấp thiết. Tuy nhiên, do bối cảnh đặc biệt, yếu tố chính trị được đặt lên hàng đầu. Trong khi đó, kinh nghiệm thực tiễn về phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế.

Việc sáp nhập khi ấy mang nặng tính chính trị. Còn hiện tại, điều kiện của đất nước đã thực sự chín muồi. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, đạt tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao.

Đồng thời, hệ thống quy hoạch được xây dựng bài bản, từ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch không gian biển đến quy hoạch hệ thống ngành nghề, sân bay, bến cảng, đường sắt, đường bộ và đường cao tốc...

Ông Chính phân tích, hạ tầng giao thông hiện phát triển mạnh với hàng nghìn cây số đường bộ và dự kiến trong tương lai gần, cả nước sẽ đạt mục tiêu 3.000km đường cao tốc. Đây chính là nền tảng quan trọng để tiến hành sáp nhập các địa phương, nhằm mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội một cách thực chất và hiệu quả hơn.

So sánh giữa việc sáp nhập tỉnh thời điểm năm 1976 và bối cảnh hiện nay, ông Chính thấy điểm chung là mục tiêu cùng hướng tới việc tổ chức lại bộ máy và không gian phát triển. Tuy nhiên, điểm khác biệt then chốt giữa 2 lần là điều kiện của đất nước hiện tại vượt trội hơn rất nhiều, cả về nhận thức, tầm nhìn chiến lược, năng lực quản trị lẫn sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nền tảng khoa học - công nghệ hiện đại.

"Việc sáp nhập lần này không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, mà còn hướng tới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách mạnh mẽ, bền vững trong giai đoạn mới, đặc biệt là sau 50 năm thống nhất đất nước", ông Chính nhấn mạnh.