Nguy kịch vì lạm dụng thuốc giảm đau

Vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp, nam sinh viên năm cuối tại Hà Nội phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng mệt lả, nôn nhiều và phù chân.
Nam sinh tên M. chia sẻ, để đối phó với áp lực học hành thi cử, em thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau kết hợp với nước tăng lực để thức khuya ôn bài.
Thói quen tưởng như vô hại đã khiến thận của nam sinh viên âm thầm tổn thương nghiêm trọng. Đến khi có triệu chứng như nôn ói, phù chân và kiệt sức sau kỳ thi, bệnh của sinh viên này đã ở giai đoạn nặng. Tại thời điểm nhập viện, chức năng thận của M. giảm còn dưới 20%, rơi vào suy thận mạn.
Trong nhịp sống hiện đại, rất nhiều người coi thuốc giảm đau như một "vị cứu tinh" giúp cắt nhanh các cơn đau đầu, đau cơ, mất ngủ, hoặc những cơn đau mạn tính khác. Thế nhưng, sự tiện lợi ấy đang tiềm ẩn vô vàn nguy cơ cho sức khỏe.
Giảm đau tức thì: "lợi ít, hại nhiều"
Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cũng tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân T.V.M. (77 tuổi, trú tại Thanh Hóa) trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết nặng trên nền suy thượng thận do lạm dụng corticoid kéo dài. Corticoid là thuốc kê đơn và được chỉ định dùng để chống viêm, giảm đau.
Ông M. có tiền sử đau khớp mạn tính 10 năm, thường xuyên sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để giảm đau. Việc dùng thuốc kéo dài không theo đơn, không kiểm soát liều lượng đã dẫn đến tình trạng ức chế tuyến thượng thận, gây suy thượng thận và làm suy giảm hệ miễn dịch.
Một trường hợp khác là bà Th. 85 tuổi (Hà Nội) cũng nhập viện do lạm dụng thuốc giảm đau. Bà có tiền sử đau cột sống thắt lưng mạn tính nên thường xuyên tự mua thuốc về điều trị, nhưng trong số thuốc đó có thành phần giảm đau tác dụng phụ lên đường tiêu hóa và gây loét dạ dày tá tràng.
Tại thời điểm nhập viện, tình trạng đã nguy kịch, có nguy cơ tử vong cao do nhiễm trùng ổ bụng.
Tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau không chỉ diễn ra ở người cao tuổi, có bệnh lý nền mạn tính mà cả ở những người trẻ. Nhiều người trẻ có thói quen khi cơn đau đầu ập đến đã không ngần ngại sử dụng ngay thuốc giảm đau mà không cần biết đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Thuốc giảm đau tác động lên cơ thể thế nào?
Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Điệp (khoa phẫu thuật tiêu hóa Bệnh viện E), thuốc giảm đau là những loại thuốc có khả năng làm giảm hoặc loại bỏ cảm giác đau ở một vùng cơ thể nào đó. Thuốc giảm đau có thể được kê đơn hoặc mua không cần kê đơn tùy theo mức độ đau và loại thuốc.
Tác dụng của thuốc giảm đau là làm giảm hoặc ngăn chặn sự truyền tín hiệu đau từ thần kinh ngoại biên đến não bộ, hoặc làm giảm sự nhạy cảm của não bộ với tín hiệu đau. Thuốc giảm đau có thể làm giảm các triệu chứng đau do viêm, chấn thương, bệnh lý hoặc phẫu thuật.
Theo chuyên gia này, hiện có rất nhiều loại thuốc giảm đau khác nhau trên thị trường, mỗi loại có những đặc điểm, cơ chế hoạt động, chỉ định và tác dụng phụ riêng. Việc sử dụng thuốc giảm đau cần được tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh những hậu quả không mong muốn.
Thuốc giảm đau hiện nay được phân thành hai loại là thuốc giảm đau kê đơn và thuốc giảm đau không kê đơn. Trong đó, thuốc giảm đau không kê theo đơn là những thuốc có thể mua mà không cần đơn kê của bác sĩ. Công dụng của các thuốc này là giúp hạ sốt, giảm đau đầu, trị cảm cúm, giảm đau bụng kinh, đau nhức răng…
"Tuy nhiên, lạm dụng các loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ như tổn thương gan, thận, dạ dày, tăng huyết áp… nếu sử dụng quá liều hoặc quá thường xuyên. Thuốc giảm đau kê đơn là những thuốc cần có chỉ định của bác sĩ, phù hợp với những trường hợp bị đau do tổn thương nghiêm trọng.
Cơ chế hoạt động của các thuốc này là tác động vào tủy sống, não bộ và ống tiêu hóa giúp bệnh nhân giảm thiểu được cảm giác đau một cách đáng kể.
Các thuốc này thường được sử dụng để giảm các cơn đau nặng như do ung thư, phẫu thuật, bệnh lý nội tạng… Một số tác dụng phụ có thể gặp như buồn nôn, nôn mửa, táo bón, ngủ gật, hô hấp yếu, nghiện thuốc… nếu sử dụng quá liều hoặc quá lâu", bác sĩ Điệp cảnh báo.
Cẩn trọng với "thần dược" trị đau xương, khớp
Mặc dù không có chủ đích sử dụng thuốc giảm đau để cắt cơn đau, nhưng nhiều người lại tìm đến những sản phẩm được quảng cáo "thần dược" trị đau xương, khớp.
Đặc biệt, đối với người cao tuổi đau xương khớp mạn tính, khi cơn đau hành hạ dài ngày khiến họ tìm đến những sản phẩm gắn mác thảo dược, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Theo bác sĩ Hà Việt Huy (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương), bệnh viện thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân nguy kịch sau khi sử dụng thuốc "Đông y" không rõ nguồn gốc để trị đau xương khớp.
"Tình trạng lạm dụng corticoid trong cộng đồng ngày càng phổ biến, nhất là thông qua các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc, không định lượng. Dùng lâu dài, corticoid không chỉ gây suy tuyến nội tiết mà còn phá vỡ hệ thống miễn dịch, tạo điều kiện cho nhiễm trùng nặng và nhiều biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Huy nói.
Bác sĩ Huy cảnh báo người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc giảm đau kéo dài nếu chưa được bác sĩ thăm khám. Những loại thuốc "uống vào thấy đỡ ngay" nhưng không rõ thành phần, không có đơn kê chỉ mang lại hiệu quả tức thời nhưng có thể âm thầm phá hoại nội tiết và miễn dịch, dẫn tới hậu quả khôn lường khi bệnh bùng phát.
Bác sĩ Điệp khuyến cáo thêm với các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, người dân không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Khi xuất hiện triệu chứng bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt ở người cao tuổi có nhiều bệnh lý nền.
Thuốc giảm đau, về bản chất, chỉ có tác dụng giảm hoặc chặn tín hiệu đau, không điều trị tận gốc nguyên nhân. Nếu lạm dụng, chúng sẽ khiến bệnh lý nền nặng hơn, đồng thời làm che mờ triệu chứng khiến việc chẩn đoán trễ và khó khăn hơn.