Nhảy đến nội dung
 

Nguy cơ từ u tuyến thượng thận: Người trẻ tăng huyết áp không rõ nguyên nhân cần cảnh giác

TPO - Một trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi bị tăng huyết áp kéo dài do khối u tuyến thượng thận đã được Bệnh viện Nội tiết Trung ương phát hiện và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng tim mạch nghiêm trọng.

TPO - Một trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi bị tăng huyết áp kéo dài do khối u tuyến thượng thận đã được Bệnh viện Nội tiết Trung ương phát hiện và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng tim mạch nghiêm trọng.

Tăng huyết áp vốn là một trong những bệnh lý phổ biến và nguy hiểm, có thể âm thầm dẫn đến các biến chứng nặng nề như đột quỵ, nhồi máu cơ tim nếu không được kiểm soát đúng cách. Tuy nhiên, không phải lúc nào tăng huyết áp cũng là bệnh lý đơn thuần – đôi khi đó lại là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề nghiêm trọng hơn, như trường hợp của anh H.M.N (34 tuổi, trú tại Hà Nội).

Khoảng hai tuần trước khi nhập viện, anh N. có biểu hiện sốt, đau đầu và chảy nước mũi. Khi đi khám tại cơ sở y tế địa phương, anh được chẩn đoán cúm B, nhưng đáng chú ý là huyết áp của anh ở mức rất cao: 190/110 mmHg. Dù đã được kê đơn thuốc hạ áp, huyết áp của anh vẫn dao động ở mức cao từ 160/90 đến 180/90 mmHg.

Nguy cơ từ u tuyến thượng thận: Người trẻ tăng huyết áp không rõ nguyên nhân cần cảnh giác ảnh 1

Lo lắng với tình trạng bất thường này, anh N. tiếp tục khám tại Bệnh viện Việt Đức, nơi ghi nhận tình trạng huyết áp cao kéo dài kèm theo nhịp tim nhanh. Sau đó, anh được chuyển đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương để làm rõ nguyên nhân sâu xa.

Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, các bác sĩ tiến hành thăm khám chuyên sâu, xét nghiệm máu và chụp CT ổ bụng. Kết quả cho thấy anh N. có khối u tuyến thượng thận trái kích thước 5cm, nghi ngờ là u tủy thượng thận – loại u hiếm gặp nhưng có khả năng tiết ra hormon gây tăng huyết áp kịch phát.

Ngay sau đó, bệnh nhân được điều trị ổn định huyết áp bằng thuốc và theo dõi sát sao. Sau hai ngày, huyết áp trở lại bình thường, tình trạng đau đầu cũng biến mất. Sau hội chẩn với chuyên khoa ngoại, anh N. được chỉ định phẫu thuật loại bỏ khối u. Ca mổ thành công, và bệnh nhân không còn phải dùng thuốc hạ áp sau phẫu thuật.

Nguy cơ từ u tuyến thượng thận: Người trẻ tăng huyết áp không rõ nguyên nhân cần cảnh giác ảnh 2

Trường hợp của anh N. là một minh chứng rõ ràng cho thấy tăng huyết áp ở người trẻ không nên xem nhẹ, đặc biệt khi không đáp ứng điều trị thông thường. Việc thăm khám chuyên sâu tại cơ sở chuyên khoa như Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã giúp phát hiện chính xác nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị hiệu quả, ngăn chặn nguy cơ biến chứng đe dọa tính mạng.

Các bác sĩ khuyến cáo, những người có biểu hiện tăng huyết áp kéo dài không rõ nguyên nhân, đặc biệt là người trẻ, cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa nội tiết để loại trừ khả năng mắc các bệnh lý liên quan đến tuyến thượng thận. Ngoài ra, người có tiền sử gia đình bị u tuyến thượng thận nên khám sàng lọc định kỳ để phát hiện bệnh sớm.

“Kẻ giấu mặt” phía sau nhiều rối loạn nội tiết

Tuyến thượng thận là cơ quan nội tiết quan trọng nằm ở cực trên của mỗi thận, đảm nhiệm việc sản xuất các hormon giúp điều hòa huyết áp, cân bằng nước - điện giải và đối phó với căng thẳng. Khối u ở tuyến này – dù lành tính hay ác tính – đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được phát hiện kịp thời.

Theo các chuyên gia, u tuyến thượng thận thường được chia thành hai loại: u không chế tiết hormon và u có chế tiết hormon. Loại thứ nhất thường phát hiện tình cờ qua các cuộc kiểm tra sức khỏe, trong khi loại thứ hai gây ra nhiều biểu hiện rối loạn nội tiết, chẳng hạn như:

• Tăng tiết hormon aldosteron: Gây mệt mỏi, chuột rút, huyết áp cao do giảm kali máu.

• Tăng tiết cortisol: Làm tăng cân nhanh, béo tập trung vùng mặt và bụng, mặt tròn, dễ bị tiểu đường và rối loạn tâm trạng.

• Tăng tiết adrenalin: Gây hồi hộp, tim đập nhanh, cơn tăng huyết áp đột ngột, có thể dẫn đến đột quỵ.

Mỗi người đều có hai tuyến thượng thận và hai quả thận. Tuyến thượng thận là những cơ quan nhỏ, có màu vàng nhạt và có trọng lượng khoảng 10g. Hệ thống nội tiết bao gồm các mô và cơ quan sản xuất hormone. Hormone là những chất hóa học được vận chuyển trong máu để ảnh hưởng đến hoạt động cụ thể của các cơ quan và tế bào khác trong cơ thể.

Mỗi tuyến thượng thận có hai phần chính hoạt động riêng biệt. Phần bên ngoài của tuyến thượng thận được gọi là vỏ thượng thận. Vỏ thượng thận sản xuất ba hormone chính là cortisol, aldosterone và dehydroepiandrosterone (DHEA). Những hormone này điều chỉnh sự trao đổi chất, huyết áp và các đặc điểm của cơ thể bao gồm sự phát triển của tóc và hình dạng cơ thể. Nếu khối u xuất phát từ vỏ thượng thận, nó được gọi là u vỏ thượng thận.

Phần lớn các bệnh u tuyến thượng thận là lành tính, tuy nhiên, một số ít trường hợp có thể là khối u ác tính (ung thư). Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hầu hết người bệnh tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 50.

Khi có khối u, việc điều tiết hormone tăng lên khiến cho huyết áp tăng, có thể làm tổn thương nhiều cơ quan, đặc biệt là các mô của hệ tim mạch, não và thận. Nếu không được điều trị, huyết áp cao kết hợp với u tuyến thượng thận có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim, suy thận, suy hô hấp cấp tính, tổn thương các dây thần kinh mắt.

Trong các trường hợp hiếm, u tuyến thượng thận là u ác tính (ung thư) và các tế bào ung thư di căn đến các bộ phận khác của cơ thể. Các tế bào ung thư từ u tuyến thượng thận hoặc u cận hạch thường di căn đến hệ thống bạch huyết, xương, gan hoặc phổi.

Hà Minh