Nhảy đến nội dung
 

Người Việt chuộng công nghệ xe hybrid nào nhất?

Thị trường xe hybrid hơn một năm qua có bước chuyển mình rõ rệt tại thị trường Việt Nam, khi doanh số tăng tốc đột biến so với trước đó. Theo số liệu từ VAMA, bốn tháng đầu năm nay, tổng cộng 3.535 xe hybrid được bán ra thị trường, tăng hơn 48% so với cùng kỳ 2024 (2.385 chiếc). Trong đó, Toyota là thương hiệu đóng góp lớn nhất cả về số lượng sản phẩm và doanh số bán hàng, với 6 mẫu xe (Yaris Cross, Corolla Cross, Corolla Altis, Innova Cross, Camry, Alphard) và 2.086 chiếc bán ra, chiếm hơn 59% thị phần.

Dù không được hưởng các ưu đãi như xe thuần điện, nhưng số liệu trên cho thấy người dùng trong nước ngày càng quan tâm đến dòng hybrid nói chung, bao gồm các mẫu hybrid của Toyota Việt Nam trong hơn một năm trở lại đây.

Hai cấu hình full hybrid và mild hybrid phổ biến tại Việt Nam

Xe hybrid có lịch sử phát triển cách đây cả trăm năm, từ thuở bình minh của ngành công nghiệp ôtô thế giới. Tuy nhiên thời đó, rào cản công nghệ khiến dòng xe này nhanh chóng đi vào quên lãng. Câu chuyện của xe hybrid trong ngành công nghiệp ôtô toàn cầu thực sự được viết bởi Toyota từ năm 1997.

Ngày 10/12/1997, Prius HEV, chiếc xe hybrid thương mại đầu tiên bán ra trên thế giới tại một đại lý Toyota Nhật Bản. Vị khách hàng đầu tiên mua chiếc Prius thậm chí còn chưa biết khái niệm xe hybrid là gì, nhưng chính từ sự tin tưởng ban đầu đó, đã giúp Toyota dẫn đầu doanh số dòng xe này. Chỉ riêng năm 2024, 4,14 triệu chiếc hybrid đã được Toyota bán ra trên toàn cầu.

Cùng là dòng hybrid tự sạc (HEV), nếu như Toyota lựa chọn phát triển cấu hình full hybrid thì nhiều hãng lại chọn cấu hình mild hybrid (hybrid nhẹ), mang đến những trải nghiệm khác biệt cho người dùng. Trong đó, mild hybrid là cấu hình cơ bản, dễ tiếp cận nhất của dòng xe xanh. Động cơ điện trên các xe mang cấu hình này không có khả năng vận hành độc lập, luôn cần động cơ xăng cung cấp năng lượng trong toàn bộ quá trình hoạt động. Ở đó, môtơ điện hỗ trợ động cơ xăng trong một số điều kiện như khi khởi hành và tăng tốc. Bên cạnh đó, khả năng tiết kiệm nhiên liệu của mild hybrid không nhiều so với bản thuần xăng dù cảm giác có phần êm ái hơn đôi chút.

Cùng là hybrid, nhưng Toyota lại lựa chọn phát triển cấu hình full hybrid khi trang bị môtơ điện với công suất lớn, có thể vận hành hoàn toàn bằng điện ở giai đoạn khởi hành và khi di chuyển ở dải tốc độ thấp, tiết kiệm nhiên liệu hơn, đặc biệt là khi di chuyển trong đô thị.

Toàn bộ các mẫu hybrid của Toyota tại Việt Nam đều là công nghệ full hybrid với cấu hình nối tiếp song song (series-parallel hybrid). Nhờ bộ điều khiển, năng lượng từ động cơ đốt trong, động cơ điện được biến thiên liên tục và bổ trợ cho nhau, giúp xe tối ưu mức tiêu hao nhiên liệu. Cùng với đó, bộ chia công suất làm nhiệm vụ phân bổ lực từ môtơ điện và động cơ xăng tới bánh xe để đảm bảo hiệu suất. Khi di chuyển ở dải tốc độ thấp, chế độ EV Mode có thể kích hoạt thủ công khi dung lượng pin đầy, hoặc máy tính sẽ kích hoạt tự động, tuỳ theo dung lượng pin, phản ứng chân ga từ người lái... để tối ưu mức tiêu hao nhiên liệu, cũng như khả năng vận hành, tăng tốc.

Sự khác biệt trong trải nghiệm vận hành

Với cấu hình full hybrid, đại diện là những mẫu Toyota hybrid, khi bấm nút khởi động sẽ không phát ra âm thanh (tiếng đề nổ) như các dòng xe thông thường. Thay vào đó, xe phát ra tiếng "Beep" và màn hình trung tâm người lái hiển thị chữ "Ready", báo hiệu đã sẵn sàng lăn bánh.

Do khởi hành bằng mô-tơ điện, khoang cabin dòng full hybrid không có tiếng ồn, năng lượng cung cấp từ bộ pin nên động cơ đốt trong cũng chưa hoạt động. Xe không tốn xăng, không phát thải CO2 ra môi trường, trải nghiệm vận hành khi vừa lăn bánh tương tự xe thuần điện.

Với cấu hình mild hybrid, xe vẫn khởi động với tiếng đề nổ thông thường, báo hiệu động cơ đốt trong đã sẵn sàng hoạt động. Lúc này, xe dùng mild hybrid không khác biệt nhiều so với những mẫu xe xăng thông thường, động cơ đốt trong bắt đầu hoạt động và có phát thải CO2 ra môi trường.

Nhờ sự hỗ trợ của động cơ điện, khả năng tăng tốc của xe Toyota hybrid cũng nhanh nhạy hơn. Tùy theo phản ứng chân ga của người lái và lượng pin còn lại, chiếc xe sẽ tự động chọn nguồn năng lượng phù hợp. Người lái có thể theo dõi toàn bộ quá trình linh hoạt này thông qua màn hình hiển thị trạng thái hoạt động.

Pin ắc quy hybrid sẽ tự động được sạc năng lượng nhờ động cơ đốt trong và hệ thống thu hồi động năng dư thừa khi thả trôi xe hay đạp phanh. Còn với cấu hình mild hybrid, khi lăn bánh, động cơ xăng đã hoạt động dù lượng pin còn nhiều hay ít. Ở một số hãng, mild hybrid có mô-tơ điện hỗ trợ tối đa 30 giây trong điều kiện pin đầy, dù thực tế rất khó đạt được mức này. Khi vận hành thực tế, hệ thống này chỉ hỗ trợ xe tăng tốc trong khoảng vài giây, bởi động cơ xăng vẫn đóng vai trò chính trong việc cung cấp mô-men xoắn.

Với cấu hình full hybrid, Corolla Cross 1.8HEV tiết kiệm được 2-6L/100 km, tùy điều kiện vận hành. Trong khi đó, xe mang cấu hình mild hybrid chỉ tiết kiệm khoảng 0,72 lít/ 100 km, khi so sánh với phiên bản động cơ đốt trong của chính nó.

Mặc dù cấu hình full hybrid có cấu tạo phức tạp hơn, song bảo dưỡng lại tương đương dòng mild hybrid hay động cơ đốt trong thông thường. Theo Toyota, xe hybrid có chi phí bảo dưỡng gần như tương đương với xe chạy xăng truyền thống, sự khác biệt là một chi tiết lọc gió làm mát hệ thống pin cần vệ sinh, thay thế định kỳ. Hệ thống pin hybrid của Toyota cũng có độ bền cao, được kiểm chứng hàng chục năm qua trên thế giới, cũng như 5 năm qua tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, hãng xe Nhật Bản đưa chính sách bảo hành lên đến 7 năm hoặc 150.000 km (tùy điều kiện nào đến trước), giúp người dùng yên tâm hơn trong quá trình sử dụng.

Bên cạnh Toyota, thương hiệu con Lexus cũng nâng tầm trải nghiệm cho khách hàng hạng sang bằng hàng loạt biến thể hybrid khác nhau cùng mang cấu hình full hybrid, tùy thuộc vào từng dòng xe. Nổi bật nhất trong đó là công nghệ hybrid đa cấp độ (Multi-Stage hybrid) trên dòng sedan hạng sang cỡ lớn LS 500h, nhằm kết hợp cảm giác vận hành nhạy bén và sự êm ái, mượt mà. Công nghệ Multi-Stage hybrid còn trang bị bộ chuyển đổi số đa cấp độ, cho phép điều phối sức kéo của cả động cơ xăng và mô-tơ điện ở mọi dải tốc độ, từ khởi hành, vận hành ở tốc độ thấp và tốc độ cao.

Nếu muốn trải nghiệm lái phấn khích hơn, Lexus trang bị công nghệ hybrid song song trên RX 500h F Sport Performance. Mẫu SUV hạng sang kết hợp động cơ xăng tăng áp 2.4, công suất 270,8 mã lực và hai mô-tơ điện. Một gắn ở cầu trước, công suất 85,5 mã lực và một mô-tơ công suất cao ở cầu sau, công suất 101,8 mã lực. Sự kết hợp này mang đến tổng công suất 366 mã lực và sức kéo 542 Nm.

Nếu chỉ tính riêng thương hiệu Toyota thì đây là hãng bán nhiều xe hybrid nhất thị trường Việt Nam, trong đó có 6 dòng hybrid trải dài từ phân khúc sedan, SUV và MPV cỡ lớn. Điều này ăn khớp với triết lý của Toyota, khi hướng đến tính thực dụng, tối đa hóa khả năng tiếp cận khách hàng số đông – yếu tố giúp họ dẫn đầu ở cả mảng xe động cơ đốt trong, lẫn xe hybrid.

Quang Anh

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn