Người Việt bất ngờ với chi chít quy tắc an toàn lao động tại Nhật Bản

(Dân trí) - Có kinh nghiệm làm công việc tương tự ở Việt Nam, khi sang Nhật, Phạm Thành Chung bất ngờ với chi chít các quy tắc mà người Nhật luôn tuân thủ khi làm việc.
Quy tắc áp dụng trong từng bước chân
Sang Nhật Bản làm việc trong ngành cơ khí được hai năm, Phạm Thành Chung, quê Hải Dương, vẫn không khỏi thán phục cách người Nhật thiết lập và tuân thủ các quy tắc về an toàn lao động như những thói quen ăn sâu vào nếp sống hàng ngày.
"Trong công ty, nhà xưởng nào cũng phân định rõ ràng từng khu vực, chỗ nào để đồ, chỗ nào đi lại, phân tách bằng các đường vẽ rành mạch. Ngay cả khi khu vực để đồ đang trống, không ai bước chân vào, tất cả chỉ đi đúng phần đường dành cho mình", Chung kể.
Anh từng ghi lại cảnh người Nhật đi trên lối qua lại trong nhà máy, dù đường vắng và không bị che khuất tầm nhìn, mỗi khi đi qua đường nhỏ, từng người vẫn đứng lại quan sát xung quanh, xác định an toàn rồi mới đưa tay ra ký hiệu sang đường.
"Cảnh tượng giống như đang diễn tập, nhưng mỗi người đều thực hiện những động tác đó như thói quen được lập trình sẵn, không thể nào khác được. Nguyên tắc an toàn là trên hết chính là thế", Chung nói.
Khi làm việc, từng chi tiết nhỏ cũng được chuẩn hóa để tránh rủi ro. Dù có kinh nghiệm làm cẩu hàng ở Việt Nam, khi sang Nhật, Chung phải học lại quy trình mới. Việc cẩu hàng yêu cầu phải có bằng cấp và hai người tham gia - một người lắp móc và một người điều khiển - cũng cần bằng cấp riêng biệt. Khi hàng được móc vào cần cẩu, người lắp móc cần ra ký hiệu an toàn, người điều khiển xác nhận lại bằng cả lời nói và ký hiệu, rồi mới được nâng hàng lên.
"Nhưng không phải nâng là xong. Sau khi nhấc lên khoảng 20cm, người điều khiển máy phải dừng lại, quan sát một lần nữa trước khi nâng lên hẳn. Chỉ cần thiếu một bước là sẽ bị nhắc nhở ngay, thậm chí bị phạt. Nhân công ở các quy trình khác nhau đều rất nghiêm túc với các quy tắc này", Chung nói.
Tương tự, Nguyễn Văn Mạnh, 26 tuổi, chuyên sơn linh kiện ô tô, cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy sự nghiêm ngặt trong khâu bảo hộ. Những linh kiện nhỏ bằng ngón tay khi sơn vẫn yêu cầu sử dụng găng tay, giày da, kính, áo bảo hộ, mặt nạ chống độc và luôn luôn phải bật máy hút mùi.
"Nếu trong lúc làm việc, công nhân thấy có mùi sơn là toàn bộ công việc sẽ được dừng lại để quản lý kiểm tra máy móc, khi nào đảm bảo hoạt động ổn định mới được tiếp tục", Mạnh kể.
Hầu hết, công nhân làm việc trong các nhà máy như Chung và Mạnh đều được trang bị các loại đồ bảo hộ tốt nhất để hạn chế tối đa rủi ro tai nạn lao động.
"Tôi vẫn thường xuyên được phát các loại giày được làm bằng da bò, khi các vật liệu rơi vào chân cũng không bị thương, mũi giày có bọc thép nên ngay cả những vật nóng hàng trăm độ có lỡ rơi vào cũng không sao", Chung nói.
Quy định an toàn lao động tại Nhật Bản nghiêm ngặt thế nào?
Luật An toàn và Sức khỏe Lao động của Nhật Bản (ISHA) đặt ra hệ thống quy định nghiêm ngặt để bảo vệ người lao động. Người sử dụng lao động buộc phải cung cấp môi trường làm việc an toàn, thiết bị bảo hộ phù hợp và tổ chức đào tạo định kỳ. Vi phạm quy định có thể dẫn đến các án phạt nghiêm khắc, từ cảnh cáo hành chính đến truy tố hình sự. Trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, hình phạt tù có thể lên tới ba năm, kèm mức phạt tiền hàng triệu yên.
"Mỗi ngày, trước khi vào làm việc đều có đội ngũ kiểm tra máy móc, nơi làm việc đã đủ an toàn chưa. Kết thúc ngày làm việc cũng thực hiện y như vậy. Mỗi 6 tháng, toàn bộ công xưởng sẽ nghỉ làm để đoàn thanh tra đến kiểm tra định kỳ về an toàn nơi làm việc. Nếu có vi phạm thì bị phạt rất nặng, công ty có thể bị phá sản nên người Nhật rất khắt khe trong việc tuân thủ an toàn lao động", Mạnh cho biết.
Nhiều lao động Việt Nam cho biết, ban đầu, khi mới sang Nhật, việc phải đảm bảo các thủ tục, quy tắc khi làm việc khiến cho thấy rườm rà. Tuy nhiên, sau một thời gian quen với văn hóa, họ đều cảm thấy thoải mái và yên tâm khi làm việc.
"Khi quen với văn hóa làm việc đó, tôi cảm thấy đi làm rất dễ chịu. Thậm chí tôi còn biết ơn những quy tắc đó, bởi vì chính nó đã và đang bảo vệ tôi mỗi ngày", Mạnh chia sẻ.
Chính nhờ sự kết hợp giữa ý thức cao từ người lao động, hệ thống luật pháp chặt chẽ và việc xử lý quyết liệt các vi phạm, Nhật Bản duy trì được tỷ lệ tai nạn lao động thấp hàng đầu thế giới.