Nhảy đến nội dung
 

Người Ukraine 'ngồi trên đống lửa' khi Mỹ đình chỉ viện trợ quân sự

Vài tháng trước, Oleh Voroshylovskyi, chỉ huy đơn vị Ukraine chuyên chống máy bay không người lái (UAV) Nga tấn công Kiev, nhận được một vũ khí quý giá từ Mỹ giúp họ thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn: Súng máy Browning có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa hơn 1,5 km.

Vũ khí này không chỉ giúp đơn vị nhắm trúng UAV ở độ cao lớn hơn mà còn là biểu tượng cho hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine trong cuộc đối đầu Nga.

Nhưng sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 1/7 thông báo đình chỉ một số lô vũ khí cho Ukraine với lý do kho dự trữ của Mỹ đang cạn kiệt, Voroshylovskyi cảm thấy như "ngồi trên đống lửa" khi ông không còn tự tin về những hỗ trợ liên tục từ Washington nữa.

"Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả chiến đấu", ông cho hay.

Các chuyến hàng đang bị dừng vốn được duyệt dưới thời chính quyền tổng thống Joe Biden. Tổng thống Trump đến nay chưa phê duyệt gói viện trợ quân sự nào mới cho Ukraine trong nhiệm kỳ của mình. Washington vốn cam kết cung cấp tới 11 tỷ USD vũ khí và thiết bị trong năm nay.

Chính quyền Trump chưa công bố họ đình chỉ chuyển giao những vũ khí nào, nhưng truyền thông Mỹ đưa tin trong số này có tên lửa cho hệ thống phòng không Patriot, đạn pháo chính xác và các tên lửa khác mà Ukraine sử dụng cho tiêm kích F-16. Theo giới chuyên gia, đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ rõ ràng đang muốn giảm can dự vào cuộc xung đột.

"Ukraine không còn là ưu tiên, không còn là trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ nữa", Solomiia Bobrovska, thành viên ủy ban quốc phòng và tình báo quốc hội Ukraine, nói. "Ít nhất thì ông Trump rất thẳng thắn về điều này với người Ukraine".

Giới chức Ukraine dường như bất ngờ trước thông báo từ Mỹ và đang nỗ lực kết nối với các đối tác Mỹ để làm rõ thêm chi tiết.

Chưa rõ việc đình chỉ sẽ ảnh hưởng tới Ukraine nghiêm trọng đến mức độ nào bởi Kiev hiện vẫn nhận được vũ khí từ châu Âu và tự sản xuất. Tuy nhiên, đây là thời điểm đặc biệt bấp bênh đối với Ukraine khi Nga đang tăng cường các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm phá vỡ hệ thống phòng không của nước này.

Nga thường xuyên triển khai hàng trăm UAV tập kích Ukraine trong một đêm, sau đó phóng những tên lửa đạn đạo mà chỉ hệ thống Patriot mới có thể đánh chặn.

Trong một động thái thể hiện mối quan ngại, Ukraine hôm 2/7 triệu Phó đại sứ Mỹ John Ginkel để thảo luận về "hỗ trợ quân sự và hợp tác quốc phòng" của Washington.

Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng việc Washington trì hoãn hay chậm trễ hỗ trợ Kiev sẽ chỉ khuyến khích Nga kéo dài cuộc xung đột thay vì tìm kiếm hòa bình. Nghị sĩ Ukraine Inna Sovsun cảnh báo hành động của Mỹ có thể phải trả giá bằng tính mạng của hàng trăm dân thường.

Đây là lần thứ hai Mỹ đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ sau khi ông Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Hồi tháng ba, Nhà Trắng đã dừng hỗ trợ trong một thời gian ngắn sau cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Hôm 2/7, Điện Kremlin hoan nghênh việc Mỹ ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, khẳng định động thái này có thể giúp nhanh chóng chấm dứt giao tranh. "Càng ít vũ khí được gửi đến Ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ càng sớm kết thúc", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

Ukraine hiện có 8 hệ thống Patriot, trong đó 6 hệ thống đang hoạt động, chủ yếu để bảo vệ thủ đô Kiev, mục tiêu chính trong các cuộc không kích của Nga. Tuy nhiên, theo Bobrovska, tên lửa đang cạn kiệt và việc dừng viện trợ sẽ khiến nỗ lực bảo vệ thành phố trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

"Đó là vấn đề rất lớn", bà nói.

Theo bà, Ukraine có thể dễ dàng xoay sở với các vũ khí khác không phải tên lửa, như đạn pháo, do nước này đang tăng cường sản xuất nội địa và nhận thêm nguồn cung từ các đối tác châu Âu. Ông Zelensky tuần trước cho biết ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine hiện đáp ứng hơn 40% số vũ khí mà Kiev sử dụng trong cuộc xung đột.

Sau khi Mỹ dừng chuyển vũ khí cho Ukraine hồi tháng 3, giới phân tích ước tính Kiev chỉ có thể tiếp tục chiến đấu trong 4-6 tháng. Tuy nhiên, chính quyền Trump đã dỡ bỏ lệnh đình chỉ sau khoảng một tuần và các chuyến hàng vũ khí được nối lại.

Kiev từ lâu đã lo lắng về vấn đề viện trợ quân sự dưới thời chính quyền Trump. Do đó, Ukraine gần đây đổi hướng, tuyên bố họ sẵn sàng mua hoặc thuê vũ khí Mỹ thay vì nhận chúng dưới dạng viện trợ. Tổng thống Zelensky hồi tháng 4 cho hay ông sẵn sàng mua 10 hệ thống Patriot với giá khoảng 15 tỷ USD.

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO tuần trước, Tổng thống Trump vẫn để ngỏ khả năng gửi thêm Patriot cho Ukraine, dù không rõ ông muốn nói đến cả tổ hợp hay chỉ tên lửa và liệu chúng sẽ được tặng hay bán.

Để bù đắp cho nguy cơ sụt giảm nguồn cung từ Mỹ, Ukraine gần đây khởi động loạt chương trình sản xuất vũ khí chung với các đồng minh châu Âu như Anh, Đan Mạch và Na Uy. Theo sáng kiến này, vũ khí sẽ được sản xuất tại các quốc gia trên hoặc ở Ukraine. Các đồng minh cung cấp tài chính còn Ukraine đóng góp chuyên môn kỹ thuật.

Voroshylovskyi, chỉ huy đơn vị chống UAV gần Kiev, tin rằng Ukraine vẫn có thể chịu đựng được đợt dừng viện trợ mới nhất từ Mỹ, song cái giá phải trả sẽ rất đắt.

"Chúng tôi sẽ tìm được vũ khí nhưng sẽ khó khăn hơn, sẽ có nhiều người chết hơn", ông nói.

Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters, AP)

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn