Người trẻ rủ nhau đi ăn phở, cơm tấm tại những nơi từng là "căn cứ đỏ" của Biệt động Sài Gòn

Ít ai ngờ rằng đằng sau bát phở hay đĩa cơm tấm ở nơi đây là cả một câu chuyện lịch sử hào hùng, gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
TP.HCM không thiếu những quán ăn ngon. Tuy nhiên, có những địa chỉ không chỉ gây ấn tượng bằng hương vị mà còn bởi chính câu chuyện lịch sử nằm bên trong. Nằm giữa lòng thành phố hiện đại, hai quán ăn bình dân này từng là căn cứ hoạt động của lực lượng biệt động Sài Gòn, mang trong mình những dấu tích sống động của một thời kỳ đấu tranh oanh liệt.
Hai địa điểm đáng chú ý đó là Phở Bình trên đường Lý Chính Thắng, nơi từng là nơi truyền đạt mệnh lệnh trước cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, và quán Cà phê Đỗ Phủ - Cơm tấm Đại Hàn trên đường Đặng Dung, vốn là một trạm giao liên với hầm trú ẩn bí mật được che giấu ngay dưới đáy tủ quần áo.
Phở Bình: Quán phở Hà Nội từng che giấu 100 chiến sĩ Biệt động Sài Gòn
Nằm khiêm tốn tại số 7 đường Lý Chính Thắng, quận 3, Phở Bình là một tiệm phở Bắc lâu đời giữa lòng TP.HCM. Nhìn từ ngoài, quán mang vẻ mộc mạc, đơn sơ như bao quán phở bình dân khác, nhưng ít ai biết rằng, tầng trên của quán từng là nơi truyền lệnh cho một trong những trận đánh nổi bật nhất của lịch sử hiện đại Việt Nam.
Tháng 1 năm 1968, ngay trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Phở Bình được chọn làm sở chỉ huy tiền phương của lực lượng Biệt động Thành F100, trực tiếp chỉ huy đợt tấn công vào các mục tiêu trọng yếu của chính quyền Sài Gòn, trong đó có Đại sứ quán Mỹ. Nơi đây là điểm truyền đạt mệnh lệnh cuối cùng trước giờ xuất phát.
Chủ quán khi đó là ông Ngô Toại, tên thật là Ngô Duy Ái, người Hà Nội, đã mang công thức phở Bắc vào Sài Gòn từ những năm 1950. Với lớp vỏ bọc là một tiệm phở đông khách, căn nhà này trở thành nơi nuôi giấu cán bộ, lưu giữ vũ khí nhẹ, và tổ chức họp bí mật của lực lượng biệt động. Thậm chí, một số chiến sĩ cải trang thành nhân viên phục vụ quán để dễ bề hoạt động.
Theo tài liệu lưu trữ, đã có hơn 100 chiến sĩ biệt động tập trung tại đây trước giờ nổ súng. Trong đó có những người trực tiếp tham gia vào trận đánh Đại sứ quán Mỹ, một sự kiện gây tiếng vang lớn trên mặt trận ngoại giao và truyền thông quốc tế thời bấy giờ.
Tầng 2 của quán hiện được giữ nguyên hiện trạng và mở cửa cho khách tham quan như một không gian trưng bày di tích cách mạng. Những bộ salon cũ, bàn họp, bản đồ, thư tay và nhiều hiện vật gốc vẫn được lưu giữ cẩn thận. Tấm biển xi-măng đỏ vàng đặt trước hiên nhà với dòng chữ: "Nơi đây, nhà số 7 Lý Chính Thắng (Yên Đổ cũ), từ năm 1963 đã trở thành địa điểm liên lạc và nuôi giấu cán bộ Biệt động Thành F100".
Không chỉ là điểm dừng chân của khách vãng lai, Phở Bình còn trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống quen thuộc của nhiều đoàn học sinh, sinh viên và tổ chức đoàn thể. Một số buổi lễ kết nạp Đảng đã được tổ chức tại đây như một cách kết nối thế hệ trẻ với giá trị lịch sử.
Những ngày tháng Tư hằng năm, lượng khách tăng đột biến. Giá vé tham quan khu di tích là 20.000 đồng mỗi lượt đối với khách gia đình, dùng để chi trả chi phí điện nước và góp phần duy trì hoạt động bảo tồn.
Về món ăn, phở tại đây vẫn giữ đúng phong cách Hà Nội xưa. Nước dùng trong vắt, ngọt thanh từ xương bò ninh kỹ, không dùng bột ngọt. Thịt nạm, tái, gân, bò viên được thái vừa ăn, giữ độ mềm, thơm và ngọt thịt. Bánh phở mềm nhưng không nát, vừa đủ dai để giữ kết cấu món ăn. Quán có khu bếp mở ngay phía trước, khách có thể quan sát toàn bộ quá trình chế biến. Giá mỗi tô từ 65.000 đến 85.000 đồng, tuy không rẻ so với mặt bằng chung, nhưng vẫn thu hút đông đảo thực khách bởi chất lượng nguyên liệu và bề dày lịch sử gắn với từng bát phở.
Cà phê Đỗ Phủ – Cơm tấm Đại Hàn: Một quán ăn với chiếc hầm bí mật dưới đáy tủ quần áo
Nằm trên con đường Đặng Dung thuộc quận 1, Cà phê Đỗ Phủ – Cơm tấm Đại Hàn trông như một căn nhà gỗ kiểu cũ, với mái ngói đỏ, tường vôi, cầu thang gỗ và không gian đậm chất Sài Gòn xưa. Nhưng điều đặc biệt không nằm ở kiến trúc mà là chiếc hầm bí mật được giấu ngay dưới đáy tủ quần áo ở tầng hai.
Ít người biết rằng, trước năm 1975, nơi này từng là một cơ sở giao liên quan trọng của biệt động Sài Gòn. Hệ thống này do ông Trần Văn Lai (bí danh Năm Lai), một trong những người đảm trách xây dựng và tổ chức các cơ sở nội thành, trực tiếp chỉ đạo. Căn nhà số 113A Đặng Dung được ông giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn và bà Nguyễn Thị Sự quản lý, dưới vỏ bọc một quán cơm tấm bình dân. Thực chất, đây là một điểm cất giấu tài liệu mật, vũ khí và cũng là nơi trú ẩn, liên lạc giữa các chiến sĩ biệt động nội thành.
Chiếc hầm bí mật được thiết kế vô cùng tinh vi, đặt ngay dưới chiếc tủ quần áo lớn trong phòng ngủ tầng trên. Khi có nguy hiểm, các chiến sĩ sẽ vào phòng, đóng kín cửa, mở tấm ván dưới đáy tủ và chui xuống hầm. Từ đây, họ có thể thoát ra ngoài thông qua các đường tẩu thoát được nối thông với các tuyến đường như Trần Quang Khải, Hai Bà Trưng và Nguyễn Văn Nguyễn.
Bà Nguyễn Thị Sự cũng là một nhân vật đáng chú ý trong lịch sử biệt động Sài Gòn. Bà từng được cử sang Phnom Penh (Campuchia) dưới vỏ bọc là người giúp việc và đầu bếp, nhưng thực chất làm nhiệm vụ tình báo. Sau khi trở về Việt Nam, bà cùng chồng tiếp tục hoạt động cách mạng và mở quán ăn với tên gọi Đỗ Phủ.
Không chỉ gây tò mò bởi câu chuyện lịch sử nằm sau từng góc nhà, Cà phê Đỗ Phủ – Cơm tấm Đại Hàn còn để lại ấn tượng với thực khách nhờ một chi tiết chính là cơm tấm ăn kèm kim chi. Cơm tấm ở đây vẫn giữ đúng hương vị truyền thống miền Nam với các thành phần quen thuộc như sườn nướng, bì, chả trứng, rau muống ngâm chua và nước mắm pha ngọt. Nhưng điều khiến nhiều người bất ngờ là phần kim chi Hàn Quốc được dọn kèm trong mỗi suất ăn.
Sự kết hợp tưởng chừng không liên quan này thực chất bắt nguồn từ thời chiến. Thập niên 60–70, cao ốc phía đối diện quán là nơi đóng quân của lính Đại Hàn (Hàn Quốc). Họ thường xuyên ghé quán ăn nhưng chưa quen vị cơm tấm thuần Việt. Bà Nguyễn Thị Sự, chủ quán khi ấy, đã được nhờ làm thêm món kim chi để phục vụ riêng cho nhóm khách này.
Ban đầu, bà Sự muối kim chi theo kiểu Việt, dùng tỏi và ớt bản địa, nhưng không hợp khẩu vị người Hàn. Sau đó, bà tìm cách điều chỉnh công thức, sử dụng nguyên liệu Hàn Quốc để tạo ra mẻ kim chi đúng vị hơn. Từ những lần làm thử để phục vụ thực khách đặc biệt, món kim chi ăn kèm cơm tấm đã trở thành một phần quen thuộc tại quán.
Ngày nay, sự kết hợp ấy không chỉ là điểm nhấn ẩm thực, mà còn là một mảnh ký ức sống động, phản ánh giao thoa văn hóa trong bối cảnh lịch sử đặc biệt. Vị chua cay của kim chi đi cùng nước mắm ngọt và sườn nướng tạo nên hương vị lạ miệng, nhưng lại được nhiều thực khách yêu thích. Quán hiện mở cửa từ 7h sáng đến 22h30 mỗi ngày, đông nhất vào các tối cuối tuần. Ngoài ăn uống, khách có thể tham quan không gian tầng trên, nơi trưng bày hầm bí mật và các hiện vật gắn với hoạt động của biệt động Sài Gòn. Đặc biệt, quán có thuyết minh miễn phí dành cho khách muốn tìm hiểu sâu hơn về câu chuyện đằng sau từng chi tiết tưởng chừng rất đời thường.
Giữa trung tâm TP.HCM hôm nay, hai quán ăn này là điểm giao nhau giữa ẩm thực và ký ức. Những câu chuyện lịch sử tưởng như chỉ còn trong sách vở lại hiện diện rõ ràng trong không gian sinh hoạt đời thường. Với những ai muốn tìm hiểu về Sài Gòn thời chiến một cách gần gũi và chân thực, đây là những địa chỉ không nên bỏ qua.