Nhảy đến nội dung
 

Người trẻ ghiền ngọt, coi chừng rước bệnh vào thân

Việc ghiền ngọt, tiêu thụ đường thiếu kiểm soát sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường đến sức khỏe. Làm thế nào để người trẻ có thể thoát khỏi thói quen này?

Những lý do khó cưỡng

Như Thanh Niên đã đưa tin, người trẻ VN đang tiêu thụ đường vượt khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Một khảo sát nhỏ của PV với những người trẻ ở TP.HCM đa phần cho biết họ ghiền ngọt, đặc biệt thích sử dụng những món ăn, thức uống chứa đường.

Phan Ngọc Kim Thủy, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, cho biết rất thích ngọt. "Mình thích ăn kẹo, kem, trà sữa, chè; hầu như tuần nào cũng hẹn hò bạn bè đi ăn đồ ngọt. Vị ngọt hấp dẫn mình, mỗi lần được uống, ăn đồ ngọt là một lần... nạp niềm vui", Thủy nói.

Hồ Nguyễn Hải My, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết: "Mỗi khi học bài căng thẳng, mình thường mua đồ uống ngọt hoặc bánh để tạo động lực. Không có vị ngọt, mình thấy rất khó tập trung. Có thể nói món ngọt trở thành "liệu pháp tâm lý rẻ tiền" nhưng hiệu quả nhanh".

Chị Lê Thị Mỹ Linh (32 tuổi), chủ một quán trà sữa trên đường Nguyễn Gia Trí (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), kể: "Khách hàng của quán đều là người trẻ. Họ rất thích sử dụng các loại thức uống ngọt, kèm theo trân châu, thạch, kem… Thậm chí có khách chọn mức đường từ 70% trở lên, yêu cầu cho đường càng nhiều càng tốt, vì... càng ngọt càng ngon".

Nguyễn Ngọc Quyên (27 tuổi), kiến trúc sư làm việc tại đường Yên Thế (Q.Tân Bình, TP.HCM), nói: "Công việc sáng tạo đôi khi áp lực, tôi thường xuyên uống nước ngọt hoặc trà sữa để lấy cảm hứng, năng lượng".

Cũng theo chia sẻ của không ít người trẻ, sở dĩ họ ghiền ngọt là vì sự ảnh hưởng của trào lưu trên mạng xã hội.

Phan Ngọc Kim Thủy (29 tuổi), làm việc trên đường Phạm Ngọc Thạch (Q.3, TP.HCM), nói: "Trên TikTok, có nhiều người review (đánh giá - PV) trà sữa, bánh ngọt… Khi xem, tôi không muốn bỏ lỡ trào lưu thịnh hành, bị cuốn theo và cũng muốn đến các quán để "thử" món trà sữa, bánh flan, chè thái… Dần dần tạo thành thói quen khó bỏ, cũng như không thể kiểm soát được lượng đường tiêu thụ vào cơ thể".

Hoàng Đại Thạch (25 tuổi), làm việc tại đường Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết bản thân ghiền ngọt là vì… áp lực xã hội và văn hóa giao tiếp. Thạch giải thích: "Khi đi chơi với bạn bè, mọi người đều gọi bánh ngọt, trà sữa, chè… Nếu mình gọi một món khác thì cảm thấy lạc lõng. Đã có lần vì mình gọi thức uống không đường, bị nói là khác biệt. Nên dù biết sử dụng thường xuyên các món ngọt sẽ có hại cho sức khỏe nhưng mình phải gọi giống bạn bè".

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Minh Khôi, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam (TP.HCM), trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thói quen tiêu thụ đường quá mức, có lý do bắt nguồn từ gia đình. "Nhiều phụ huynh thường dùng đồ ngọt để thưởng hoặc an ủi con trẻ. Như khi con đạt điểm cao, phụ huynh hay mua bánh kẹo, trà sữa… để thưởng. Ai cũng nghĩ chút đồ ngọt không sao, nhưng dần dần tạo thành thói quen "ghiền ngọt" từ nhỏ, khó từ bỏ khi lớn", ông Khôi nói.

Coi chừng bệnh tật

Anh Đỗ Minh Chiến (31 tuổi), làm việc tại đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết bị rối loạn đường huyết mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc chủ quan, ăn ngọt nhiều, uống nước ngọt thường xuyên.

Câu chuyện của anh Chiến không cá biệt. Nhiều người trẻ phải đối mặt với các bệnh liên quan đến tiêu thụ đường quá mức như: béo phì, tiểu đường… Nguyễn Khánh Vỹ (26 tuổi), làm việc trên đường Nguyễn Xiển (TP.Thủ Đức, TP.HCM), kể: "Tôi từng uống nước ngọt, trà sữa hầu như mỗi ngày, sử dụng đồ ngọt quá đà. Đến khi bị gan nhiễm mỡ và tiểu đường type 2, tôi mới biết thói quen này nguy hiểm".

Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Phương, làm việc tại Phòng khám Bệnh viện ĐH Y Dược 1 (Q.10, TP.HCM), cho biết: "Tiêu thụ đường quá mức khiến lượng glucose trong máu tăng cao, chuyển hóa thành mỡ tích tụ ở gan, tăng cân, dẫn đến béo phì và làm rối loạn chuyển hóa. Bệnh tiểu đường type 2 ở người trẻ ngày càng tăng, có liên quan đến thói quen… ghiền ngọt".

Còn theo bác sĩ Đỗ Tố Uyên, Phòng khám đa khoa Victoria Healthcare (Q.7, TP.HCM): "Tiêu thụ quá nhiều đồ ăn, thức uống có đường không những làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mà còn có thể làm suy giảm hệ miễn dịch và sức bền của cơ thể. Không quá lời nếu nói đằng sau vị ngọt là bóng tối bệnh tật nếu sử dụng tùy ý. Cái giá phải trả cho sở thích này không hề nhỏ. Việc hạn chế đường là cần thiết để bảo vệ sức khỏe lâu dài".

Bác sĩ Uyên khuyến nghị người trẻ nên thay thế nước ngọt, trà sữa, thức uống có đường bằng nước lọc, trà không đường hoặc nước trái cây tươi không thêm đường. Cần biết cách đọc hiểu nhãn dinh dưỡng để hiểu rõ lượng đường có trong sản phẩm để cân nhắc lựa chọn phù hợp.

"Nên tăng cường vận động thể chất để giúp đốt cháy calo dư thừa, cải thiện chuyển hóa đường và tăng sức đề kháng. Cũng như tự tạo thói quen thưởng thức thực phẩm tự nhiên, các món ăn không chứa nhiều đường", bác sĩ Uyên nói.

Vũ Thành Vinh, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết từng có thói quen là đều đặn hằng ngày ra khu vực hồ Con Rùa (Q.3, TP.HCM) để cùng bạn bè thỏa mãn cảm giác ghiền ngọt.

"Nhưng sau một lần đi khám bệnh, nghe lời căn dặn của bác sĩ, mình đã dần ý thức được tầm quan trọng của việc cân bằng chế độ ăn uống, từ bỏ thói quen tiêu thụ đường quá nhiều, hướng tới lối sống lành mạnh. Kinh nghiệm của mình là thay thế đồ uống có đường bằng nước lọc, trà thảo mộc. Ăn nhiều rau xanh, chất xơ giúp giảm cảm giác thèm ngọt. Khi mỗi ngày kiểm soát lượng đường tiêu thụ thì dần dần thấy vị giác thay đổi, không còn thèm ngọt nhiều như trước", Vinh nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Huỳnh Phương: "Người trẻ hãy nhìn nhận lại thói quen tiêu thụ đường để làm chủ cuộc sống và sức khỏe của chính mình. Cần hiểu rõ sử dụng đường quá mức có thể gây hại gì để biết cân nhắc sử dụng một cách hợp lý, thay vì chỉ chạy theo sở thích nhất thời. Tự nấu ăn, tự pha chế đồ uống để kiểm soát lượng đường, chia sẻ công thức đồ uống không đường với bạn bè, cộng đồng… cũng là cách hay để giúp giảm bớt sở thích ghiền ngọt. Điều quan trọng là mỗi người trẻ phải kiên trì với việc thay đổi thói quen".

Vị bác sĩ này chia sẻ thêm: "Gia đình cần tránh tạo điều kiện hình thành thói quen tiêu thụ đường quá mức ở con trẻ. Nên có những khuyến cáo hạn chế bán đồ uống có đường trong khuôn viên trường học. Song song đó, cần tổ chức các buổi giáo dục về dinh dưỡng để học sinh, sinh viên nhận thức rõ hơn về tác hại của việc tiêu thụ đường quá mức".


 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn