Nhảy đến nội dung

Người thuê trọ lo lắng khi nghe tin tăng giá điện, vì đã phải trả tới 5.000 đồng/kWh

Giá điện tăng thêm 4,8% từ hôm nay 10-5, nhiều người dùng lo lắng vì tiền điện "đội thêm".

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tăng giá bán lẻ điện bình quân 4,8%, lên mức 2.204,06 đồng/KWh từ hôm nay 10-5.

Từ năm 2023 đến nay, EVN đã 4 lần điều chỉnh giá điện và thực hiện trong thẩm quyền, với mức tăng hơn 17%.

EVN tính toán mỗi hộ gia đình sinh hoạt sẽ phải trả thêm từ 4.350 - 62.150 đồng/tháng.

Giá tăng, người dân phải bỏ thêm nhiều tiền cho mỗi kWh điện, dùng càng nhiều giá càng cao lên tới 3.460 đồng/kWh.

Đặc biệt, với những người thuê trọ chưa ký được hợp đồng mua bán điện trực tiếp với công ty điện lực, mức tác động có thể càng lớn.

Chị Thùy Linh, trọ tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho biết mỗi kWh điện đang phải trả 5.000 đồng. "Không biết sau lần điều chỉnh này, chủ nhà trọ có tăng thêm giá điện không" - chị Linh lo lắng.

Khi được hỏi tại sao không ký hợp đồng trực tiếp với công ty điện lực, chị Thùy Linh cho hay không ký được, mọi vấn đề liên quan tới giá điện đều do chủ nhà trọ quyết định.

"Mỗi lần tăng giá điện là tôi giật mình. Ban ngày đi làm, ban đêm về chỉ dám bật điều hòa vài tiếng mà tiền điện đã lên tới hơn 1 triệu đồng/tháng" - chị Linh nói.

Với khách hàng sản xuất, EVN cho biết cả nước có khoảng 1,98 triệu khách hàng, sau điều chỉnh giá, mỗi khách hàng sẽ trả thêm trung bình là 677.000 đồng/tháng.

Bà Trần Thị Thúy, Chủ tịch HTX Lộc Thúy Quỳnh Fram, tỉnh Vĩnh Phúc, thông tin mỗi tháng hợp tác xã chi trả khoảng 10 triệu tiền điện phục vụ cho sản xuất mì gạo thanh long, theo đó giá điện tăng 4,8% sẽ khiến tiền điện đội thêm, chi phí sản xuất tăng theo.

"Tôi có ý định làm điện năng lượng mặt trời nhưng thấy có nhiều khó khăn từ nguồn vốn tới đấu nối với lưới điện quốc gia" - bà Thúy nói. Trong khi đó, hợp tác xã không muốn tăng giá sản phẩm do khó cạnh tranh.

Một doanh nghiệp sản xuất sắt thép ở Đồng Nai cho hay trung bình mỗi tháng dùng hết 1 tỉ đồng tiền điện, giờ khó khăn về đầu ra nên việc tăng giá điện càng khiến doanh nghiệp khó thêm khó.

Theo tính toán của Cục thống kê, việc tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% sẽ tác động trực tiếp lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2025 khoảng 0,09%.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia đánh giá cần phải kiểm soát biến động giá cả, tránh "té nước theo mưa", khi điện là năng lượng đầu vào thiết yếu của sản xuất nên không chỉ tác động trực tiếp lên CPI mà tác động gián tiếp tới giá cả một số mặt hàng khác sử dụng điện.