Nhảy đến nội dung
 

"Người ta bỏ tiền ra kinh doanh, không có lý gì gây phiền hà cho họ"

(Dân trí) - Nhấn mạnh yêu cầu cắt giảm ít nhất 30% thủ tục và thời gian, chi phí tuân thủ, Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp bỏ tiền ra kinh doanh và tạo sinh kế, không có lý do gì lại gây phiền hà cho họ".

Ngày 18/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật lần thứ 2 trong tháng 4.

Phiên họp thảo luận nhiều nội dung quan trọng trong hoàn thiện quy hoạch phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển mới cho từng địa phương, khu vực; tăng cường phân cấp, phân quyền về quản lý tài chính cho các địa phương…

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quy hoạch phải thuận thiên, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, của vùng, của địa phương, phát huy được sức mạnh, cộng hưởng được nguồn lực.

"Trong quy hoạch phải nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Thủ tướng quán triệt không phát sinh thêm thủ tục mới, phải cắt giảm ít nhất 30% thủ tục và thời gian, chi phí tuân thủ; đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tạo cơ hội, điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh…

"Khi người ta bỏ tiền ra kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, không có lý do gì lại gây phiền hà, ách tắc cho họ", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Thủ tướng cho rằng cần rà soát, thiết kế chính sách mang tính đổi mới mạnh mẽ, cách mạng, đột phá hơn nữa.

Ông nhấn mạnh phải nuôi dưỡng nguồn thu; giảm tỉ trọng chi thường xuyên, còn chi đầu tư phát triển dứt khoát phải tăng lên; quản lý, kiểm soát nợ công, bội chi ngân sách bảo đảm hiệu quả, khả năng trả nợ; tăng ngân sách dự phòng trong bối cảnh hiện nay khi tình hình biến đổi rất nhanh.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi một số nội dung liên quan các luật trên nhằm phù hợp với việc sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp; xử lý các vướng mắc và các vấn đề cấp bách phục vụ thúc đẩy tăng trưởng…

Liên quan một số nội dung cụ thể trong dự án một luật sửa nhiều luật này, Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu quy định theo hướng đấu thầu hoặc chỉ định thầu đều phải đạt mục tiêu hoàn thành dự án bảo đảm đúng thời gian, đúng chất lượng, không đội giá; mở rộng áp dụng hợp tác công tư với các công trình trong tất cả các lĩnh vực…

Kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành tập trung chỉ đạo, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 tới.

Theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, nhiệm vụ cần đặc biệt lưu ý là cắt giảm các thủ tục rườm rà, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh số hóa để tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí.

Nhấn mạnh yêu cầu phân cấp, phân quyền tối đa, Thủ tướng quán triệt phải bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Thay vào đó, Thủ tướng cho rằng "không biết thì không quản", ai làm tốt nhất thì giao việc, những gì doanh nghiệp và người dân làm tốt hơn thì thiết kế quy định để người dân và doanh nghiệp làm.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật chủ động phối hợp với cơ quan của Quốc hội trong việc trình, tiếp thu, hoàn thiện luật, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề phát sinh.