Người quê tôi chạy đua xây lăng mộ

Trong dịp Tết Thanh minh năm 2025 mới đây, tôi có dịp về quê nhà và ra nghĩa trang của xã để thắp hương cho ông bà tiên tổ đang yên nghỉ tại đây. Khung cảnh nghĩa trang của xã khiến tôi vô cùng bất ngờ, bởi chỉ sau có mấy năm, các phần mộ đều được xây dựng to, đẹp khang trang. Nhìn từ xa, tôi còn tưởng nơi đây như một công trường xây dựng với ngổn ngang xi măng, cát sỏi, gạch ngói, đá xẻ...
Nhiều ngôi mộ không chỉ được xây cao, to chẳng khác gì nhà ở của người sống, với khung mái vòm, mải vẩy, cột, cổng, tường rào nguy nga, mà người ta còn dùng cả các vật liệu trang trí đắt tiền như đá xẻ, đá hiếm để ốp lên "ngôi nhà" của người quá cố...
Sau khi sắp lễ vật và thắp hương và khấn vái xong, nhân lúc đợi cháy hết tuần hương để hạ lễ, ông anh trưởng của tôi tâm sự: "Đấy cô thấy không, nghĩa trang của xã mình bây giờ xây dựng hoành tráng như vậy, mồ mả nhà nào cũng cao to, đẹp đẽ. Trong khi nhìn khu mộ tổ ông bà của dòng họ nhà mình thấp bé lè tè, anh thấy ái ngại và không đành lòng chút nào. Nhân năm nay cô về quê ăn Tết, anh định cuối năm sẽ họp gia đình và tiến hành xây lại mộ phần cho các cụ...".
Nghe anh trai nói và đề cập tới kế hoạch xây mộ, trong tôi đã ngay lập tức có suy nghĩ không đồng tình. Bởi mới chỉ cách đây chừng sáu năm thôi, dòng họ nhà tôi đã tân trang, sang sửa lại khu mộ phần này, giờ trông vẫn mới, chưa hề xập xệ. Sau một phút trầm ngâm, tôi đáp: "Sao lại phải xây lại mộ khi mình mới tân trang lại chưa đầy chục năm? Em thấy vẫn còn chắc chắn, không có dấu hiệu gì là xuống cấp cả".
>> Đất đâu để chôn người chết?
Chưa kịp để tôi nói hết, anh tôi đã cắt lời: "Thế cô không thấy các khu mộ xung quanh con cháu người ta đều xây to cao, hoành tráng và vượt hết cả khu mộ nhà mình sao? Cũng giống như người sống, khi các gia đình hàng xóm có nhà cao cửa rộng, bề thế, mình nhà tranh vách đất, nhà thấp bé thì sao có thể đành lòng? Nên mình phải cố lên mà xây dựng cho ngang bằng hàng xóm. Không thể khác được, sang năm kiểu gì anh em cũng phải xây dựng lại khu mộ các cụ cho cao to hơn".
Vì anh là trưởng, lại đã quyết như vậy, nên tôi cũng đành im, mặc dù trong lòng không hề muốn lao vào trào lưu chạy đua xây mồ mả như người trong làng. Rồi tôi tự hỏi, nếu sang năm mình xây mộ tổ to cao hơn hàng xóm, thì liệu các gia đình họ có chịu thua, hay lại ganh đua sửa cho cao hơn, to hơn nhà tôi? Cứ như vậy thì cuộc chạy đua xây mồ mả sẽ không bao giờ có điểm dừng.
Trong những ngày ở quê, có dịp đi quanh huyện, tôi nhận thấy không chỉ riêng nghĩa trang của xã tôi, mà đại đa số các khu nghĩa trang của nhiều xã khác trong vùng cũng luôn ở trong tình trạng ganh đua nhau xây mồ mả cho người chết. Thực ra thì công việc tu sửa xây mộ phần cho người quá cố khang trang, chắc chắn... không có gì đáng nói, thậm chí nó còn được khuyến khích khi mà đó là tấm lòng của người sống đối với các thế hệ cha ông đã mất. Tuy nhiên, trào lưu chạy đua xây dựng mồ mả đã kéo theo một cuộc ganh đua không bao giờ có điểm dừng, tạo ra hiềm khích, theo kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy".
Cuối cùng, cuộc đua tranh đó cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì, ngược lại còn gây tốn kém, lãng phí và mệt mỏi cho chính những người sống. Một ngôi mộ chỉ cần vừa phải nhưng khang trang, chắc chắn là đủ, chứ đâu cần phải thể hiện, khoe mẽ bằng cách xây dựng những nấm mồ quá to cao, quá hoành tráng, vừa tốn tiền, lại lãng phí quỹ đất của xã hội.
Nguyễn Thị Hải