Nhảy đến nội dung

Người phụ nữ xử lý khó ngờ khi bị rắn hổ chúa cắn trong rừng

(Dân trí) - Một người phụ nữ sống tại Thái Lan đã bị con rắn hổ chúa cỡ lớn cắn khi bà đang hái nấm trong rừng. Người này đã dùng tay không hạ gục con rắn, sau đó mang con vật đến bệnh viện cùng mình.

Sự việc xảy ra vào ngày 23/4, khi Supin Wanphen, 47 tuổi, đi hái nấm tại khu rừng gần nhà ở tỉnh Sa Kaeo. Một con rắn hổ chúa đã bất ngờ lao ra chặn đường Supin.

Supin cho biết ban đầu con rắn không chủ động tấn công mình, nhưng vì quá hoảng sợ và không có đường lùi, bà đã dùng chân đá vào người con rắn với hy vọng hất văng con vật ra xa. Tuy nhiên, hành động của Supin đã khiến con rắn bị kích động và cắn vào chân của bà.

Dù bị rắn cắn trúng vào chân, bà Supin vẫn đủ bình tĩnh dùng tay nắm chặt cổ rắn, quăng mạnh con vật xuống đất và dùng chân giẫm chết con rắn độc.

"Khi con rắn bất ngờ xuất hiện trước mặt, tôi đã không còn đường lùi. Xung quanh tôi đều là cây cối. Tôi không có gậy hay vũ khí nên đã dùng chân để đá con rắn, hy vọng nó sẽ văng ra xa và tôi sẽ có đường thoát", bà Supin chia sẻ.

"Con rắn đã cắn vào chân tôi sau cú đá. Dù vậy, tôi vẫn có thể phản kháng và giẫm chết con rắn cỡ lớn", bà Supin cho biết thêm.

Người phụ nữ này sau đó đã tự mình đi bộ đến bệnh viện địa phương, đồng thời mang theo xác con rắn để các bác sĩ biết được loại rắn đã cắn bà để có phác đồ chữa trị phù hợp.

Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định con rắn đã cắn bà Supin là một cá thể rắn hổ chúa, dài gần 4m.

Bà Supin đã trải qua hơn một giờ đồng hồ sau khi bị rắn cắn mà không được chăm sóc y tế. Do vậy, ngay khi đến bệnh viện, bà Supin lập tức được các bác sĩ đưa vào phòng điều trị tích cực và truyền huyết thanh kháng nọc.

Hiện tình trạng sức khỏe của bà Supin đã ổn định và qua cơn nguy kịch.

Rắn hổ chúa là loài rắn độc lớn nhất thế giới, với chiều dài tối đa có thể lên đến hơn 4m. Đây cũng là loài rắn duy nhất biết làm tổ và bảo vệ ổ trứng trong mùa sinh sản.

Rắn hổ chúa không có bản tính bảo vệ lãnh thổ, nhưng chúng sẽ trở nên hung dữ và bảo vệ khu vực xung quanh tổ trứng của mình. Trong trường hợp cảm thấy ổ trứng bị đe dọa, chúng sẽ trở nên hung dữ và sẵn sàng tấn công bất cứ sinh vật nào đến gần.

Ngoài giai đoạn bảo vệ ổ trứng, rắn hổ chúa thường chỉ tấn công khi cảm thấy bị đe dọa, thường tìm cách lẩn trốn và ít khi chủ động tấn công con người.

Rắn hổ chúa sở hữu kích thước to lớn nhưng không phải là loài rắn độc nhất thế giới. Dù vậy, chúng vẫn có thể dễ dàng giết chết người trưởng thành khỏe mạnh chỉ sau một nhát cắn.

Các nhà khoa học ước tính một con rắn hổ chúa trưởng thành có thể tiêm lượng nọc độc từ 200 đến 500mg trong một lần cắn, trong khi đó chỉ cần từ 7 đến 10mg nọc độc của rắn hổ chúa đã đủ khiến một người trưởng thành tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Nọc độc của rắn hổ chúa là loại độc thần kinh, ảnh hưởng đến trung tâm hô hấp ở não, gây ngừng thở và suy tim, khiến nạn nhân tử vong trong khoảng 30 phút sau khi cắn nếu không được cứu chữa kịp thời.

Trong một vài trường hợp, rắn hổ chúa có thể tung ra cú cắn khô, là nhát cắn không bơm nọc độc và nạn nhân có thể sống sót sau cú cắn mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên, điều này hiếm khi xảy ra.