Người phụ nữ thừa kế sổ tiết kiệm 1,4 tỷ đồng, đến khi đi rút, ngân hàng nói: Số tiền này đã có người lấy từ 10 năm trước

Ngân hàng cho biết các đây 10 năm, một người đàn ông đã đến rút toàn bộ tiền từ sổ tiết kiệm này. Vì thế, cuốn sổ này không còn giá trị.
Số tiền tiết kiệm biến mất từ 10 năm trước
Theo 163, năm 2022, bà Hương (Quý Châu, Trung Quốc), một người phụ nữ từng rời quê đi lập nghiệp ở nước ngoài, đã trở về thăm mẹ sau hơn 10 năm xa cách. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi đoàn tụ, mẹ bà qua đời vì bệnh tật. Trước lúc qua đời, cụ bà này đã lập di chúc, để lại toàn bộ tài sản cho người con gái duy nhất.
Trong lúc sắp xếp di vật của mẹ, bà Hương tình cờ tìm thấy một cuốn sổ tiết kiệm cũ trong túi quần áo. Sổ tiết kiệm ghi rõ mẹ bà đã gửi hơn 400.000 NDT (1,4 tỷ đồng) chia thành bốn đợt cách đó hơn 20 năm, mà không có bất kỳ ghi chép nào về việc rút tiền sau đó.
Tin rằng số tiền tiết kiệm vẫn còn nguyên, bà Hương hoàn tất thủ tục công chứng, mang sổ tiết kiệm cùng giấy tờ tùy thân đến ngân hàng để rút tiền. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng thông báo rằng số tiền đã bị rút từ hơn 10 năm trước. Bà Hương yêu cầu kiểm tra xem sổ tiết kiệm này có liên quan đến thẻ ngân hàng nào khác không, nhưng ngân hàng xác nhận không có thẻ nào được liên kết với sổ tiết kiệm.
Không chấp nhận lời giải thích, bà Hương khẳng định rằng vì sổ tiết kiệm vẫn nằm trong tay bà, số tiền không thể bị rút. Bà yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ chi trả theo đúng quy định. Sau nhiều lần thương lượng thất bại, bà Hương quyết định khởi kiện ngân hàng, yêu cầu tòa án buộc ngân hàng trả hơn 400.000 NDT tiền gốc cùng lãi suất và chi phí xử lý vụ kiện.
Toà án phán quyết thế nào?
Theo nguyên tắc các bên phải cung cấp bằng chứng để khẳng định yêu cầu của mình. Tại phiên tòa, bà Hương đã cung cấp loạt giấy tờ có giá trị quan trọng.
Thứ nhất là sổ tiết kiệm hợp lệ. Mẹ bà đã gửi số tiền hơn 400.000 NDT qua bốn đợt cách đây hơn 20 năm. Ngân hàng đã cấp sổ tiết kiệm có đầy đủ con dấu và chữ ký xác nhận. Từ đây, mối quan hệ hợp đồng tiết kiệm giữa hai bên được hình thành.
Thứ hai, bà Hương cung cấp bằng chứng về quyền thừa kế tài sản. Theo quy định của luật pháp Trung Quốc, người thừa kế hợp pháp có thể rút tiền gửi của người đã qua đời nếu cung cấp giấy công chứng về quyền thừa kế hoặc phán quyết tòa án xác nhận tư cách thừa kế, cùng giấy tờ tùy thân hợp lệ.
Cùng với những bằng chứng kể trên, bà Hương lập luận rằng: Ngân hàng thừa nhận tính xác thực của sổ tiết kiệm và giấy công chứng. Vì thế nhà băng phải có nghĩa vụ chi trả số tiền hơn 400.000 NDT cùng khoản lãi tương ứng cho khách hàng theo đúng Luật Ngân hàng thương mại Trung Quốc.
Trước tuyên bố của nguyên đơn, ngân hàng cũng đưa ra các luận điểm để bảo vệ mình. Theo đó, ngân hàng cho biết số tiền đã bị một người đàn ông tên Lý rút từ 10 năm trước. Họ thừa nhận thông tin rút tiền không được cập nhật vào sổ do sơ suất của nhân viên, nhưng điều này không ảnh hưởng đến sự thật của giao dịch.
Đồng thời đơn vị này cung cấp thêm chi tiết về quy định rút tiền tiết kiệm lúc bấy giờ. Theo đó, người rút tiền chỉ cần cung cấp sổ tiết kiệm và giấy tờ tùy thân của người gửi tiền là có thể thực hiện giao dịch, kể cả qua người đại diện.
Từ đây, ngân hàng đổ ngược trách nhiệm cho phía gia đình bà Hương. Đại diện nhà băng cho rằng người gửi tiền, tức mẹ của bà Hương đã không thực hiện nghĩa vụ bảo quản sổ tiết kiệm và giấy tờ tùy thân. Nên khi những thông tin này bị lộ, người gửi tiền phải chịu trách nhiệm.
Sau một thời gian xem xét toàn bộ vụ việc, tòa án đã đưa ra được phán quyết cuối cùng. Thẩm phán nhận định rằng vụ việc không chỉ liên quan đến trách nhiệm của người gửi tiền mà còn đến nghĩa vụ xác minh của ngân hàng.
Theo Bộ luật Tố tụng dân sự Trung Quốc, các bên phải cung cấp chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình. Bà Hương đã chứng minh được số tiền hơn 400.000 NDT chưa bị rút thông qua sổ tiết kiệm hợp lệ, do đó gánh nặng chứng minh thuộc về ngân hàng.
Theo Quy định quản lý tiền tiết kiệm của Trung Quốc, để rút tiền tiết kiệm thay, người đại diện phải xuất trình sổ tiết kiệm gốc, thông tin nhận dạng của cả người gửi tiền và người đại diện. Trong trường hợp này, ngân hàng không cung cấp được biên lai rút tiền có chữ ký của người đại điện hoặc thông tin nhận dạng của người đàn ông tên Lý được đề cập phía trên. Tức là, ngân hàng không chứng minh được rằng số tiền tiết kiệm 400.000 NDT đã được rút hợp pháp.
Từ đây, tòa án kết luận rằng ngân hàng đã không thực hiện nghĩa vụ đảm bảo an toàn tiền gửi cho khách hàng. Vì vậy, ngân hàng phải chịu mọi tổn thất. Tòa ủng hộ yêu cầu của bà He, phán quyết ngân hàng thua kiện và phải chi trả hơn 400.000 NDT tiền gốc cùng lãi suất, đồng thời chịu chi phí xử lý vụ kiện.
(Theo 163)