Người phụ nữ mang thai dù đặt vòng từ 4 năm trước

Người phụ nữ đi khám sức khỏe vì có triệu chứng ốm nghén và phát hiện có bầu dù trước đó đã đặt vòng tránh thai.
Theo Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn tiếp nhận chị B.T.T (trú tại huyện Thanh Sơn) đến khám vì trễ kinh hơn 20 ngày và có biểu hiện giống nghén.
Bốn năm trước, người phụ nữ này đã thực hiện kế hoạch hóa gia đình bằng phương pháp đặt vòng tránh thai. Tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, sau khi thăm khám và siêu âm, kết quả cho thấy tử cung kích thước lớn hơn bình thường, trong buồng tử cung hình ảnh có túi thai, chị được kết luận đang mang thai tuần thứ 4.
Theo Bác sĩ chuyên khoa 1 Đinh Đại Lâm, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, vòng tránh thai là một trong những phương pháp ngừa thai phổ biến và hiệu quả hiện nay, nhưng tỷ lệ thành công của phương pháp này chỉ đạt khoảng 98–99%. Nghĩa là, trong 100 phụ nữ đặt vòng, vẫn có khoảng 1–2 người có thể mang thai.
Đặt vòng tránh thai không phải là phương pháp tuyệt đối 100%. Vẫn có khả năng mang thai nếu vòng bị lệch vị trí, rơi ra ngoài mà không biết, hoặc giảm hiệu lực theo thời gian. Thời gian hiệu quả của vòng tránh thai phụ thuộc vào loại vòng và cơ địa từng người, thông thường từ 3 đến 10 năm. Sau thời gian này, vòng có thể mất tác dụng nếu không được thay thế.
Vì vậy, phụ nữ sau đặt vòng nên tái khám định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra vị trí vòng và theo dõi tình trạng sức khỏe sinh sản. Khi có các dấu hiệu như trễ kinh, buồn nôn, đau bụng, ra máu bất thường, cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra ngay, kể cả khi đang đặt vòng nhằm đảm bảo hiệu quả kế hoạch hóa gia đình và phòng ngừa các tình huống rủi ro không mong muốn.
Tháng 6/2024, Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ cũng ghi nhận trường hợp bé gái sơ sinh ra đời cùng với chiếc vòng tránh thai trong tử cung của người mẹ.