Người phụ nữ mang hết 30 tỷ đồng tiền đền bù đất đi mua bảo hiểm, 5 năm sau đến rút thì được thông báo: “Đến lúc cô 108 tuổi hãy quay lại”

Sau 5 năm đầu tư gói bảo hiểm, người phụ nữ Trung Quốc ngỡ ngàng khi biết thời hạn rút tiền đã bị thay đổi thành 71 năm.
Vào năm 2016, một phụ nữ họ Chu làm nghề kinh doanh tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, nhận được khoản đền bù giải tỏa đất đai lên đến 8,4 triệu NDT (khoảng 30 tỷ đồng). Sau khi suy nghĩ, cô Chu quyết định đầu tư vào một sản phẩm tài chính nhằm sinh lời. Cô được một nhân viên ngân hàng giới thiệu về gói bảo hiểm nhân thọ của công ty Bách Niên, với cam kết rằng sau 5 năm, cô sẽ có thể rút tiền gốc lẫn lãi.
Được hứa hẹn mức lãi suất cao hơn rất nhiều so với gửi tiết kiệm tại ngân hàng, cô Chu đã tin tưởng và không ngần ngại đăng ký, thậm chí còn rủ mẹ và dì của mình cùng tham gia. Đến tháng 6/20216, cô đã chi đến 8,4 triệu NDT (khoảng 30 tỷ đồng) để mua 2 gói bảo hiểm, 1 gói trị giá 3 triệu NDT (khoảng 10,7 tỷ đồng) và gói khác với giá 5,4 triệu NDT (khoảng 19,2 tỷ đồng).
Sau 5 năm, khi đến kỳ hạn, cô Chu gọi điện đến ngân hàng để hỏi về số tiền bảo hiểm của mình. Lúc này, nhân viên ngày trước cho biết đã không còn phụ trách hồ sơ của cô. Đại diện ngân hàng nói thêm, hợp đồng mà cô ký không phải là sản phẩm của ngân hàng mà là của công ty bảo hiểm nhân thọ Bách Niên, vì vậy cô phải tự liên hệ với công ty bảo hiểm để được giải quyết.
Khi gọi đến số của công ty bảo hiểm, cô Chu nhanh chóng nhận được câu trả lời không ngờ từ nhân viên nơi đây: "Chị không thể rút tiền ngay bây giờ, phải chờ ít nhất 71 năm nữa để lấy cả vốn lẫn lãi."
Cô Chu không thể tin vào tai mình. Vào thời điểm đó, cô đã 37 tuổi, nghĩa là cô phải chờ đến khi 108 tuổi mới có thể nhận lại số tiền của mình. Không chỉ vậy, nhân viên bảo hiểm nói rõ, nếu muốn rút riêng lãi, cô cũng phải chờ ít nhất 13 năm nữa, điều này hoàn toàn trái ngược với lời cam kết ban đầu rằng chỉ cần 5 năm.
Không chấp nhận câu trả lời này, cô Chu đến tận trụ sở và yêu cầu làm việc với quản lý cấp cao của công ty bảo hiểm. Nhưng lúc này, cô càng hoang mang hơn khi được thông báo rằng hợp đồng cô đã mua là một hợp đồng bảo hiểm trọn đời, và không thể rút tiền trừ khi người mua bảo hiểm qua đời.
Theo công ty Bách Niên, để nhận lại số tiền đã đầu tư, cô Chu sẽ phải chờ đợi cho đến khi kết thúc hợp đồng, hoặc có thể yêu cầu thanh lý hợp đồng trước thời gian quy định, nhưng điều này đồng nghĩa với việc cô sẽ phải chịu một khoản phí rất lớn. Đây là điều mà cô không hề được thông báo khi quyết định đầu tư vào gói bảo hiểm này.
Cô Chu yêu cầu gặp lại hai người bán bảo hiểm ban đầu để làm rõ sự việc. Tuy nhiên, công ty bảo hiểm thông báo rằng hai nhân viên bán bảo hiểm đã nghỉ việc từ lâu và không còn là nhân viên của công ty nữa. Điều này khiến cô Chu càng thêm nghi ngờ và quyết định đưa vụ việc ra tòa án.
Lúc này, công ty bảo hiểm nhân thọ Bách Niên mới vội vàng đưa ra phương án hòa giải. Họ đề xuất sẽ chia ra theo đợt và hoàn trả toàn bộ số tiền 8,4 triệu NDT (khoảng 29,9 tỷ đồng) mà cô Chu đã mua bảo hiểm. Nhưng cô Chu không đồng ý. Cô cho rằng sau 5 năm, số tiền mà cô nhận về phải kèm thêm cả lãi suất, ít nhất là 900.000 NDT (khoảng 3,1 tỷ đồng).
Sau khi xác minh sự việc, Tòa Án Cáp Nhĩ Tân tuyên bố cô Chu thắng kiện và phía công ty bảo hiểm nhân thọ Bách Niên phải hoàn trả cho khách hàng cả gốc lẫn lãi tiền bảo hiểm theo đúng hợp đồng 5 năm. Đồng thời, công ty này cũng phải chịu trách nhiệm vì đã thiếu minh bạch trong quá trình giao dịch, gây hiểu nhầm cho khách hàng khi ký kết hợp đồng.
(Theo Baijiahao)