Người phụ nữ hết lòng vì các bé ung thư

Một người mẹ hết lòng vì bệnh nhân ung thư từng có con gái mất vì bệnh ung thư. Chị ngày ngày âm thầm chăm lo cho các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và lan tỏa những điều tốt đẹp đến nhiều người.
Ngày mà chị Phạm Nguyệt Linh (42 tuổi, quê Kiên Giang cũ) thấy như đất trời sụp đổ khi nhận được kết quả đứa con gái vừa tròn 4 tháng tuổi của mình bị ung thư tuyến tụy.
Hy vọng còn nước còn tát, chị Linh tức tốc bế con lên BV Ung bướu TP.HCM để chữa trị. Chi phí thuốc men mỗi tháng hơn 20 triệu đồng (thời điểm năm 2014) là con số không hề nhỏ với một giáo viên mầm non ở tỉnh. Hằng ngày chị dùng cơm từ thiện để tiết kiệm tối đa.
Nhưng chẳng có phép màu nào xảy ra khi lần phẫu thuật cuối cùng thất bại vào năm 2018. Bé Quỳnh Như con chị đã ra đi, về nơi không còn những đớn đau của bệnh tật. Ôm đứa con bé bỏng trong lòng trên chuyến xe về quê, chị Linh tan nát cõi lòng.
Lập bếp ăn 0 đồng để cảm ơn đời
Không lâu sau khi con mất, vợ chồng chị chia tay vì những bất đồng không thể hàn gắn. Chị càng thêm hụt hẫng, chông chênh không biết phải bấu víu vào đâu.
"Để động viên các bé bị bệnh như con mình và cũng muốn quay lại thăm nơi hai mẹ con từng lưu lại nhiều kỷ niệm nên tôi quyết định nấu cơm từ thiện. Đó cũng là cách để cảm ơn những người đã cưu mang mẹ con tôi đi qua những tháng ngày khốn khó giữa Sài Gòn", chị Linh chia sẻ.
Chị khởi đầu hành trình thiện nguyện bằng chính số tiền bệnh viện trả lại sau khi tất toán mọi chi phí. Mỗi tuần 2 lần chị tự tay nấu khoảng 50 suất ăn rồi vào bệnh viện phát cho các bé.
"Mỗi lần vào bệnh viện phát cơm, nhìn lại chiếc giường hai mẹ con đã gắn bó, tôi lại không cầm được nước mắt. Cứ như con mình vẫn còn đâu đó, những cảm xúc vẫn vẹn nguyên", người mẹ nghẹn ngào.
Lúc đầu, chị định nấu đến khi hết số tiền mình đang có thì dừng lại. Không ngờ được nhiều người biết đến và hỗ trợ thường xuyên nên bếp 0 đồng của chị đã duy trì suốt nhiều năm qua.
Như thời điểm dịch bùng phát, một mạnh thường quân ủng hộ số tiền đủ để bếp hoạt động trong nhiều tháng liền. Rồi một người khác thấy căn phòng chị Linh ở trọ mỗi lần nấu nướng là khói lửa mịt mù, nên đã cho chị thuê giá rẻ một căn nhà rộng rãi, nằm ngay đầu hẻm để thuận tiện cho việc nấu ăn với số lượng lớn.
"Người Sài Gòn luôn bao dung, nhân ái. Họ không chỉ rộng lòng đỡ nâng, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh mà còn hết mình ủng hộ người khác làm từ thiện bằng cách này hay cách khác", chị Linh trân trọng cho biết.
Đến nay, bếp Mẹ Như (mọi người gọi theo tên đứa con đã mất của chị Linh) hoạt động 5 ngày trong tuần, từ thứ hai cho đến thứ sáu. Mỗi lần nấu khoảng 500 suất ăn để phát cho tất cả những ai có nhu cầu chứ không riêng bệnh nhi ung thư.
Dù vậy chị Linh "bật mí" là mình không mấy khéo léo chuyện nấu nướng. Nhưng từ lúc đứng bếp, có nhiều người đến giúp, chỉ bảo thêm cho. Nhờ vậy mà đến nay gần như món nào chị cũng nấu được, bất kể chay hay mặn.
Mái nhà thứ 2 cho các bệnh nhi
Thấu hiểu nỗi vất vả của những người làm cha mẹ khi đi tìm chỗ trọ, cùng gánh nặng chi phí ăn ở trong thời gian dài. Vào tháng 7-2023, chị Nguyệt Linh đã thành lập nhà lưu trú miễn phí cho các bệnh nhi ung thư gần cơ sở 2, BV Ung bướu TP.HCM.
Khu nhà được chia thành 25 phòng có gắn máy điều hòa. Chỉ riêng tiền thuê mảnh đất này mỗi tháng đã hơn 30 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác như điện, nước, thực phẩm, thuốc men…
"Từng có con bệnh ung thư nên tôi muốn nhà lưu trú không chỉ là nơi các con lấy lại sức mà còn là chỗ để phụ huynh được an ủi, chia sẻ và động viên từ những người cùng hoàn cảnh. Ai cũng vậy, khi một mình đối diện với khó khăn, bế tắc trong thời gian dài dễ suy nghĩ những điều tiêu cực lắm", chị Linh như nói với chính mình.
Căn bếp chung ở đây lúc nào cũng có gạo, mì, thịt, cá, trứng, rau củ, trái cây… do chị Linh chuẩn bị sẵn để mọi người có mà dùng. Mỗi lần phụ huynh từ quê lên cũng thường mang nhiều thứ cây nhà lá vườn để góp thêm cho các bữa ăn.
"Buổi sáng các gia đình thường thức sớm chuẩn bị cơm nước mang vào bệnh viện cho đỡ tốn. Chiều về thì mỗi người phụ một tay rồi cả nhà dọn lên ăn chung. Buổi tối ai rảnh thì tham gia làm yaourt, bánh flan để gây quỹ chung. Ở đây ai cũng như ai nên mọi người giúp đỡ, đùm bọc nhau y như một nhà vậy ", chị Minh Ngọc (27 tuổi, quê Bến Tre), phụ huynh một bệnh nhi, cảm kích.
Gắn bó cùng bệnh nhi ung thư trong thời gian dài, chị Nguyệt Linh nhận ra vì nhiều lý do mà ít có phụ huynh nào tổ chức sinh nhật cho con. Vậy là từ hơn hai năm nay, chị thường xuyên tổ chức chương trình "Điều ước đơn giản" để mừng các bé có ngày sinh trong tháng.
Trước đó cả tuần, chị Linh sẽ gặp riêng để tìm hiểu từng bé có ước mơ điều gì, mong có món quà nào. Rồi chị vận động các nhà hảo tâm góp sức để cùng thực hiện.
Những chiến binh K tí hon rất háo hức mỗi lần được tham gia, cho dù đó là sinh nhật của các bạn hay của chính mình. Mỗi lần như vậy, con được xem biểu diễn văn nghệ, hát hò, vui chơi, ăn những món ngon, nhận món quà mình yêu thích cùng bao lì xì đỏ. Đó còn là những buổi liên hoan mừng Ngày Quốc tế thiếu nhi, Trung thu, Noel, Tết Nguyên đán cũng được tổ chức tại đây.
"Lòng nhân ái của người dân thành phố đã nâng đỡ tôi"
"Sài Gòn cho tôi cơ hội được gặp gỡ những tấm lòng hào hiệp. Những con người ở miền đất này đã nêu gương cho tôi về lòng nhân ái, bao dung. Chính họ giúp tôi biết sống quên mình để sẻ chia và nâng đỡ nhiều hơn những mảnh đời còn khốn khó", chị Linh khẳng định.
Cũng theo chị Nguyệt Linh, mình làm tất cả chỉ mong phần nào đền đáp cái nghĩa, cái tình của những người Sài Gòn từng cưu mang, giúp đỡ mẹ con chị trong những ngày tháng ngặt nghèo, tuyệt vọng nhất trong đời.
"Nếu không có sự góp sức, chung tay của các nhà hảo tâm và nhất là những người dân trên mảnh đất hào sảng, nghĩa tình này có lẽ tôi đã không thể trụ được đến tận hôm nay" - chị Linh trầm ngâm.
Ngày qua ngày, chị Nguyệt Linh vẫn miệt mài trên hành trình mang yêu thương đến với những đứa bé mắc căn bệnh như con mình ngày xưa. Có hôm mới thấy chị tất bật lo liệu tại nhà lưu trú, vậy mà hôm sau chị đã có mặt ở miền Trung để hộ tống gia đình một bệnh nhi vào thành phố điều trị. Buổi sáng vừa gặp chị đứng nấu ở bếp 0 đồng, đến chiều lại thấy chị đang ở miền Tây, đi phúng viếng một bệnh nhi ung thư vừa qua đời. Chị còn ước ao thực hiện được những chuyến xe 0 đồng để tiễn đưa các con về quê yên giấc.
"Tôi luôn cố gắng bù đắp cho các con nhiều nhất trong khả năng của mình, với căn bệnh hiểm nghèo này khó nói trước được gì. Nhìn các con hôm nay khỏe mạnh, vui vẻ vậy, nhưng ngày mai có khi con lại đi xa…", chị Linh nghẹn lời.
"Tôi nghiệm ra rằng càng cho đi, mình càng nhận lại được nhiều hơn. Ngày đó tôi mất đi một đứa con vì ung thư thì hôm nay cả trăm bé gọi tôi là mẹ. Ngày xưa gia đình tôi tan vỡ thì giờ đây tôi đã có một mái ấm chan hòa tình thương giữa thành phố thân yêu này. Cho nên tôi luôn yêu thương và sẻ chia cùng các bệnh nhi ung thư thật nhiều, ngay khi còn có thể", chị Nguyệt Linh quả quyết.