Người nộp thuế thiệt thòi vì giảm trừ gia cảnh lạc hậu

Chậm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cũng là một trong những lý do góp phần tăng số thu thuế thu nhập cá nhân trong những năm qua. Sắc thuế này đang chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong tổng thu nội địa.
Mức giảm trừ gia cảnh lạc hậu
Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính, số thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 69,3% dự toán, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Tính từ ngày 4.4 - 30.6, cơ quan thuế nhận được 870.890 tờ khai đề nghị hoàn thuế TNCN tự động. Hệ thống xử lý 251.071 lệnh hoàn với trị giá 1.140 tỉ đồng. Như vậy, dựa vào dự toán ngân sách, số thu hiện nay đã lên 125.000 tỉ đồng. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, vượt số thu thuế các năm 2020 trở về trước và gấp 2,2 lần trong vòng 10 năm trở lại đây.
Với mức tăng nhanh, số thu thuế TNCN chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong số thu nội địa. Cụ thể, số thu nội địa trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 1,158 triệu tỉ đồng, bằng 69,4% dự toán, tăng 33,3% so cùng kỳ. Số thu bình quân hằng tháng cũng tăng cao qua các năm. Nếu 6 tháng đầu năm 2025, thuế TNCN bình quân mỗi tháng 20.833 tỉ đồng thì năm 2024, bình quân tháng 15.750 tỉ đồng; năm 2023 là 12.259 tỉ đồng; năm 2022 là 13.581 tỉ đồng; năm 2021 là 10.638 tỉ đồng; năm 2020 là 9.595 tỉ đồng…
Ông Nguyễn Ngọc Tú, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nhận xét: Sau 3 đợt điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) trong hơn 1 thập niên qua, đến nay thuế TNCN đã quá lạc hậu. Chẳng hạn, người lao động ở tuổi 40 - 45 năm, có khoảng 20 năm kinh nghiệm trong công việc, mức thu nhập được xem là cao thì số thuế đóng mỗi tháng từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, còn cao hơn cá nhân, hộ kinh doanh.
"Hiện cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm đóng thuế 1,5% thì tính ra mỗi tháng đóng vài trăm ngàn đồng tiền thuế. Trong khi đó, cá nhân có thu nhập chịu thuế trên 80 triệu đồng đã rơi vào thuế suất trên 35%, số thuế phải nộp tính trên thu nhập cao hơn rất nhiều", ông Tú nói và dẫn chứng, một người có thu nhập 70 triệu đồng, có 1 người phụ thuộc, số thuế phải nộp hơn 10,5 triệu đồng, chiếm khoảng 15% thu nhập trong một tháng. Cả tỷ lệ và con số tuyệt đối đóng đều cao hơn cá nhân, hộ kinh doanh có cùng mức thu nhập khoảng 1 tỉ đồng/năm. Ngay cả những người làm công ăn lương, trong những năm qua, lương cơ bản tăng lên nhiều, gần nhất năm ngoái tăng lên 30%. Thu nhập người lao động được điều chỉnh tăng lên nhưng mức GTGC lại không điều chỉnh đã tạo thêm gánh nặng cho người nộp thuế. Đó cũng là một trong những nguồn dẫn đến số thuế năm sau luôn cao hơn năm trước.
Cần tăng mức giảm trừ gia cảnh ngay trong năm 2025
Theo ông Nguyễn Ngọc Tú, luật thuế TNCN có nhiều khoản thu nhưng điều gây nhức nhối nhất từ mấy năm nay là mức GTGC đối với người làm công ăn lương quá thấp, chưa phù hợp với thực tiễn. Luật Thuế TNCN quy định khi chỉ số CPI tăng 20% sẽ tăng mức GTGC. Tính chỉ số CPI cộng dồn từ năm 2020 đến nay đã hơn 17%. Nếu tính mức lạm phát đến hết năm 2025 tăng theo kế hoạch đề ra là 4,5 - 5% thì có thể con số CPI cộng dồn từ năm 2020 đến hết 2025 đã lên 20%. Còn lạm phát thực tế thì cao hơn mức này khi giá cả các mặt hàng hiện nay đã tăng nhiều so với trước.
Theo lộ trình sửa luật Thuế TNCN đã công bố trước đây, đến tháng 10.2025, dự thảo luật Thuế TNCN mới được đưa ra Quốc hội, thông qua vào tháng 5.2026 và khả năng năm 2027 mới có hiệu lực áp dụng. Nghĩa là người lao động, người làm công ăn lương phải chờ 2 năm nữa mức GTGC mới được điều chỉnh là quá chậm trễ. Để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế và thực hiện theo đúng quy định của luật Thuế TNCN, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức GTGC của thuế TNCN để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong tháng 10 tới. Chuyên gia Nguyễn Ngọc Tú cũng đồng tình cần xem xét điều chỉnh mức GTGC ngay chứ không chờ đến khi sửa luật.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM), nhận xét: Nhiều chuyên gia kinh tế cũng như các đại biểu Quốc hội đã kiến nghị trong bảng góp ý về xây dựng dự án luật thuế TNCN thay thế. Thực tiễn cho thấy giá hàng hóa các mặt hàng thiết yếu đã tăng, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 từ năm 2020 - 2023 nhưng mức tăng CPI thời gian qua chưa được phản ánh một cách đầy đủ. Cùng một mặt hàng thiết yếu, chi tiêu của người dân đã tăng lên nhiều so với trước. Chính vì vậy, mức GTGC cần sớm được đưa ra điều chỉnh trong tháng 10 này để có thể áp dụng cho kỳ quyết toán thuế cả năm 2025. Theo kiến nghị của ông Nghĩa, mức GTGC có thể tăng lên 4 lần lương tối thiểu hiện nay, vào khoảng 17 - 18 triệu đồng/tháng.
"Việc xem xét chỉnh sửa ngay, nâng mức GTGC là phù hợp với thực tế, đồng hành cùng người dân, nuôi dưỡng nguồn thu. Điều này không làm giảm số thu thuế TNCN bởi hiện nay số thu từ các nguồn khác đang tăng lên như thương mại điện tử, giao dịch bất động sản…", luật sư Nguyễn Đức Nghĩa nhấn mạnh.