Người miền Tây chưa hết ám ảnh sau lốc xoáy quét qua

Ám ảnh kinh hoàng khiến ông Tư ở xã Ba Sao, tỉnh Đồng Tháp, không thể yên giấc dù cơn lốc xoáy quét qua nhà đã hơn hai ngày. "Tui một tay nắm cột nhà, một tay nắm bà xã. Gió nhấc bả lên mấy lần. Tôi gọi con trai nhà kế bên mà im re, nói trong bụng chắc chết rồi, hên sao chỉ bị thương", ông kể.
Sau trận giông, người đàn ông ngoài 70 tuổi thất thần chứng kiến cảnh hoang tàn. Cây cối đổ rạp. Căn nhà sàn, gỗ thao lao, mái ngói trị giá 1.000 giạ lúa vào những năm 1987 bị thổi bay không còn dấu tích. Nhà hàng xóm xung quanh la liệt cảnh tốc mái, trụ điện gãy, tôn bay ngổn ngang ngoài đường.
Những ngày qua, cả nhà ông Tư dựng tạm căn chòi, che bằng tấm bạt cặp bờ sông. Vật dụng trong nhà kể cả quần áo cũng chẳng còn là bao. Khổ chủ nhờ bộ đội dỡ phần sàn nhà, thu gom một góc. Ông cùng các con vay mượn thêm tiền, cất tạm căn khác, ước tính hơn 100 triệu đồng nhưng chỉ mong "có chỗ ở, còn chống lốc xoáy là thua".
Cùng tình cảnh mất nhà, ông Nguyễn Văn Dễ, 74 tuổi, phường Mỹ Ngãi, tỉnh Đồng Tháp, kể chưa bao giờ chứng kiến trận lốc xoáy kinh hoàng đến vậy. Sáng đó, ông ngủ trên chiếc giường hộp (giường kết hợp tủ) nghe tiếng gió như tiếng máy bay. Chỉ trong tích tắc, gió "bứng" căn nhà bay xa, hất văng ông ra sân.
"Tui điếng hồn không hiểu chuyện gì xảy ra, vội gọi người nhà may quá vẫn còn đủ", ông Dễ kể. Sau khi định thần, kiểm lại đồ đạc thì chiếc giường hộp, máy nước nóng không thấy tung tích; tủ lạnh bay sang nhà kế bên, vật dụng văng tứ phía, bể nát.
Căn nhà ông Dễ xây cách đây hơn 30 năm bằng gỗ bạch đàn, vách ván, nền tôn cao để chống lụt. Dân vùng đầu nguồn lũ như ông chỉ sợ lụt, chưa có kinh nghiệm chống bão, giông. Bởi vậy thời điểm giông quét qua, ông cũng như nhiều người trong xóm không chuẩn bị gì để chằng chống nhà cửa.
Không chỉ nhà gỗ, mái tôn như ông Dễ, ông Tư thiệt hại trong trận lốc xoáy mà loạt nhà tường kiên cố ở khu vực cũng bị trận lốc xoáy vừa qua cuốn phăng mái nhà, tường đổ hư hại nghiêm trọng. Theo báo cáo, lốc xoáy khiến 708 căn nhà ở Đồng Tháp, An Giang bị giật sập, tốc mái. Ngoài ra, trận cuồng phong cũng làm hàng nghìn cây ăn trái, cây xanh, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại.
Tính từ đầu năm đến nay, Đồng Tháp và một số tỉnh lân cận đã xảy ra 20 cơn lốc xoáy trong đó trận giông gió hôm 23/7 gây thiệt hại nặng nề nhất. Thiên tai đến bất ngờ và tần suất ngày càng nhiều đặt ra yêu cầu đối với người dân phải xây nhà vững chãi hơn trước để hạn chế bị ảnh hưởng.
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024, Đồng bằng sông Cửu Long có 94% nhà ở kiên cố và bán kiên cố, đứng áp chót trong số 6 vùng kinh tế, chỉ cao hơn Vùng trung du miền núi phía Bắc.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm xây nhà ở các tỉnh miền Tây, ông Lê Thanh Thoại, thành viên Hội Kiến trúc sư Đồng Tháp, cho biết người miền Tây sống phóng khoáng, ưu tiên kiến trúc nhà thoáng, nhiều cửa sổ, hàng hiên và vách nhà chính thường có hệ lam song giúp đối lưu không khí.
Lối kiến trúc này theo ông gặp bất lợi khi thời tiết cực đoan như giông bão. "Không điều khiển được luồng gió vào, mái nhà dễ bị hiệu ứng 'cánh diều', lực gió mạnh sẽ cuốn phăng mái nhà từ bên dưới", ông Thoại chia sẻ.
Về giải pháp, kiến trúc sư cho biết có thể giằng thêm bao cát, dây chì trên mái nhà; đóng kín cửa khi mưa bão; ưu tiên các thiết kế nhà khả năng chống gió mạnh với hướng cửa Đông - Đông Nam. Trường hợp nhà mái tôn nên sử dụng bu lông, tạo hệ khớp nối chắc chắn giữa mái và thân nhà thay cho các mối hàn thông thường...
Ông Lê Minh Trung, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp, bổ sung thêm người miền Tây bao đời nay khi xây nhà chỉ chú trọng đến chống lụt, ưu tiên nhà sàn, tôn nền cao. Vật liệu xây nhà thường tận dụng từ gỗ, tre hoặc gần đây thêm sắt nên khả năng chống chịu kém với bão, giông lốc.
"Bây giờ lũ lụt gần như không còn, người dân phải thay đổi ngay tư duy xây nhà, trong bối cảnh thời tiết ngày càng cực đoan, giông lốc như vừa rồi sẽ ngày càng nhiều hơn", ông Trung nói. Nhà nước cần có thêm chính sách, thậm chí chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ người miền Tây xây nhà thật kiên cố bảo vệ tài sản, tính mạng trước những cơn cuồng phong bất ngờ kéo tới.
Ngọc Tài