Người lao động có được nghỉ không lương hay không và cần lưu ý điều gì?

Đôi khi, hoàn cảnh cá nhân đòi hỏi một khoảng thời gian nghỉ dài ngày, nhiều người lao động tìm đến giải pháp nghỉ không lương. Nhưng liệu người lao động có thể nghỉ bao lâu và cần lưu ý những gì?
"Tôi có thể xin nghỉ không lương được không? Nếu được, tôi có thể nghỉ tối đa bao lâu?". Đây là câu hỏi của anh Chí Kiên (ở TP.HCM), một bạn đọc Báo Thanh Niên, đang băn khoăn về quyền lợi nghỉ không lương của người lao động hiện nay.
Luật sư tư vấn về thời gian nghỉ không lương
Theo chia sẻ của luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), nghỉ không lương là tình huống khá phổ biến trong môi trường làm việc hiện đại.
Người lao động thường xin nghỉ không lương vì nhiều lý do cá nhân như cần thời gian điều trị bệnh dài ngày; muốn chăm sóc gia đình trong giai đoạn đặc biệt; theo đuổi việc học tập, nâng cao chuyên môn; đi du lịch dài ngày...
Thông thường, thời gian nghỉ không lương phổ biến dao động từ 1 đến 3 tháng tùy theo thỏa thuận giữa hai bên.
Hiện nay, căn cứ theo bộ luật Lao động năm 2019, người lao động được định nghĩa là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, nhận lương và chịu sự quản lý, giám sát, điều hành của người sử dụng lao động.
Tại điều 115 của bộ luật Lao động có quy định về quyền nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương của người lao động.
Theo đó, người lao động có quyền nghỉ việc riêng mà vẫn được hưởng nguyên lương nhưng phải thông báo trước cho người sử dụng lao động trong các trường hợp sau: kết hôn (nghỉ 3 ngày); con ruột hay con nuôi kết hôn (nghỉ 1 ngày); cha mẹ ruột, cha mẹ nuôi, cha mẹ vợ/chồng, vợ/chồng hoặc con ruột, con nuôi qua đời (nghỉ 3 ngày).
Ngoài ra, người lao động được nghỉ 1 ngày không lương khi có tang ông bà nội/ngoại, anh/chị/em ruột hoặc cha/mẹ, anh/chị/em kết hôn, và phải thông báo trước với người sử dụng lao động.
Đáng lưu ý, quy định cũng nêu rõ "người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương".
Tại Công văn 3319 năm 2015 của Bộ LĐ-TB-XH về việc nghỉ việc không hưởng lương và nghỉ ốm đau đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, có nêu rằng pháp luật về lao động hiện hành không quy định thời gian nghỉ không hưởng lương tối đa. Tất cả phụ thuộc vào thỏa thuận song phương giữa người lao động và doanh nghiệp.
Do đó, theo luật sư Trương Văn Tuấn, nếu có việc cần phải nghỉ phép thời gian dài nhưng lại không muốn nghỉ hẳn, người lao động có thể trao đổi với công ty để xin nghỉ một khoảng thời gian nhất định không hưởng lương.
Doanh nghiệp có thể xem xét chấp thuận hoặc từ chối tùy vào tình hình nội bộ và kế hoạch nhân sự.
Một thông tin quan trọng mà người lao động cần lưu ý là theo quy định tại khoản 4, điều 65, Nghị định 145/2020 của Chính phủ, nếu thời gian nghỉ không lương cộng dồn không quá 1 tháng trong năm thì sẽ được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm.
Tự ý nghỉ việc mà không có lý do chính đáng sẽ bị buộc thôi việc
Luật sư Trương Văn Tuấn cũng lưu ý rằng nếu nghỉ nhiều ngày, người lao động hãy trao đổi trước với công ty để tránh vi phạm nội quy và mất việc ngoài ý muốn.
Bởi hiện nay, theo bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu người lao động:
Tóm lại, nghỉ không lương là quyền lợi có thể thực hiện nếu hai bên cùng đồng thuận. Người lao động nên chủ động trao đổi với doanh nghiệp và tuân thủ quy trình nội bộ để không rơi vào tình trạng bị xử lý kỷ luật hay mất việc ngoài ý muốn.