Người đàn ông trình báo hơn 1,3 tỷ chuyển khoản nhầm nhưng ngân hàng bảo không biết, tòa án khẳng định: "Anh không cần trả lại"

Nhận ra có hơn 340.000 NDT chuyển khoản nhầm, người đàn ông đã báo lại ngay cho ngân hàng nhưng nhận được câu trả lời bât ngờ.
Tại Trịnh Châu, Trung Quốc, một người đàn ông đến ngân hàng để chuyển khoản 38.000 NDT. Tuy nhiên, do sai sót trong hệ thống, số tiền được chuyển nhầm thành 380.000 NDT.
Người đàn ông đã thông báo với ngân hàng ngay sau đó, nhưng nhân viên ngân hàng lại trốn tránh trách nhiệm. Một thời gian sau, ngân hàng này bất ngờ khởi kiện, yêu cầu người đàn ông hoàn trả khoản tiền được cho là “lợi dụng sai sót”. Chuyện gì đã xảy ra?
Ông Tào sống ở Trịnh Châu, Trung Quốc, đang điều hành một công ty chuyên bán buôn quần áo. Tháng 8/2022, vì cần thanh toán hàng hóa, ông đến một chi nhánh ngân hàng gần công ty để chuyển tiền cho ông Giang, đối tác ở Nghĩa Ô, Chiết Giang.
Số tiền cần chuyển là 38.000 NDT. Dù không lớn, nhưng ông Tào vốn không quen dùng cây ATM nên mang tiền mặt đến quầy giao dịch.
Sau khi trao đổi với nhân viên, ông nhanh chóng trình bày yêu cầu. Khoảng 5 phút sau, nhân viên họ Lý báo rằng giao dịch đã hoàn tất và đưa cho ông biên lai chuyển tiền.
Ông Tào nhìn thoáng qua biên lai, thấy có số “38” kèm nhiều số 0 phía sau. Nghĩ rằng ngân hàng sẽ không sai sót nên ông không để tâm, tiện tay cho biên lai vào túi rồi rời đi.
Nhưng vừa ra khỏi ngân hàng, ông nhận được cuộc gọi từ ông Giang. Trong điện thoại, ông Giang đùa: “Dạo này anh làm ăn phát đạt lắm à, chuyển cho tôi hẳn 380.000 NDT!”
Ban đầu, ông Tào tưởng ông Giang đang nói đùa. Ông vẫn đáp rằng vì dịch bệnh, kinh doanh bị ảnh hưởng nên chỉ chuyển 38.000 NDT thôi.
Lời ông Tào khiến ông Giang sững sờ. Ông Giang kiểm tra lại tài khoản và xác nhận: đúng là 380.000 NDT, không sai. Hai người đều choáng váng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Để tránh nhầm lẫn, ông Tào lập tức quay lại ngân hàng xác nhận với nhân viên Lý.
Tuy nhiên, nhân viên tỏ thái độ lạnh nhạt, kiên quyết nói: “Tôi không biết về vấn đề này. Ông đã nhận biên lai và rời khỏi quầy. Những vấn đề sau đó không do tôi chịu trách nhiệm nữa.”
Thái độ đó khiến ông Tào tức giận. Ông vốn thiện chí và không có ý chiếm đoạt tiền, vậy mà bị đối xử thờ ơ. Thấy không cần phí lời, ông rời đi và kể lại toàn bộ sự việc với ông Giang.
Tối hôm đó, khi ngân hàng kiểm tra sổ sách và phát hiện chênh lệch, họ lập tức xác minh sai sót nằm ở khoản chuyển 38.000 NDT của ông Tào. Ngày hôm sau, ngân hàng gọi cho ông Tào. Lúc này, nhân viên Lý đổi thái độ, thừa nhận đã nhấn nhầm một số 0 và mong ông Tào hoàn trả số tiền. Nếu không, ngân hàng sẽ báo công an địa phương.
Ông Tào bèn phản bác rằng, tiền do ngân hàng tự chuyển nhầm. Đồng thời, rõ ràng ông đã báo trước sự việc nhưng bị phớt lờ, tại sao giờ lại đòi ông chịu trách nhiệm? Ông nói thêm: “Tôi đâu hưởng lợi gì từ 342.000 NDT dư ra, sao bắt tôi trả? Muốn tìm ai thì cứ đi tìm, đừng lôi tôi vào.”
Sau đó, ông Tào cúp máy. Ngân hàng thấy không lay chuyển được ông Tào, liền liên lạc với người nhận tiền là ông Giang. Họ mong ông Giang hoàn trả số tiền thừa. Nhưng ông Giang nói, ông đã xác nhận kỹ với ông Tào và phía ngân hàng. Cả hai đều xác nhận tiền đúng nên ông đã rút tiền ra sử dụng cho công ty, không thể trả lại.
Không còn cách nào khác, ngân hàng kiện cả ông Tào và ông Giang ra tòa, yêu cầu hoàn trả 342.000 NDT.
Tại phiên tòa, hai bên tranh luận gay gắt. Ngân hàng né tránh việc thừa nhận sai sót, tố cáo ông Tào và ông Giang “tham tiền”, cấu thành hành vi trục lợi, cần trả lại toàn bộ số tiền. Căn cứ Điều 987 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, nếu người nhận biết hoặc phải biết mình nhận được lợi ích mà không có căn cứ pháp lý, bên bị thiệt hại có thể yêu cầu hoàn trả. Xét theo luật, ông Giang phải hoàn trả số tiền.
Tuy nhiên, ông Tào khẳng định đã báo sai sót từ sớm, chính ngân hàng đùn đẩy trách nhiệm và khẳng định “không sai”.
Cuối cùng, tòa sơ thẩm tại Trung Quốc nhận định: Ông Tào đã thông báo kịp thời, đồng thời không hưởng lợi cá nhân, không cấu thành hành vi trục lợi bất chính và không có nghĩa vụ trả lại tiền.
Ông Giang tuy có nhận lợi bất chính, nhưng theo Điều 985 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, nếu người nhận không biết và cho rằng đó là khoản thanh toán hợp pháp thì không cấu thành hành vi phạm tội. Tuy nhiên, người đàn ông này cũng cần hoàn trả một phần tiền.
Dựa trên bằng chứng và lời khai, tòa án Trung Quốc xác định lỗi phần lớn thuộc về ngân hàng. Do đó, ngân hàng thua kiện, phải chịu phần lớn trách nhiệm và chi trả toàn bộ chi phí tố tụng. Vụ việc kết thúc tại đây.
(Theo Sohu)