Người đàn ông thu nhập ổn định, không dính nợ xấu nhưng làm hồ sơ vay thế chấp để mua nhà vẫn bị ngân hàng từ chối: "Lỗi ở vợ anh"

Một khoản nợ tưởng chừng vô hại từ thời sinh viên đã khiến kế hoạch mua nhà của một cặp vợ chồng Trung Quốc suýt bị gián đoạn.
Năm 2010, vợ chồng anh Vương, 32 tuổi, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, quyết định mua nhà để an cư. Sau nhiều tháng tìm kiếm, họ chọn được một căn hộ 2 phòng ngủ hướng Đông Nam, phù hợp với điều kiện tài chính và mong muốn xây dựng tổ ấm. Sau khi ký hợp đồng mua bán nhà và chuyển tiền đặt cọc, anh Vương tiến hành làm thủ tục vay ngân hàng dưới tên mình.
Lúc nhận hồ sơ vay của anh Vương, nhân viên ngân hàng cho biết: “Giấy tờ, thu nhập, điểm tín dụng cá nhân đều ổn. Nhân viên ngân hàng xác nhận rằng hồ sơ ổn, không có vấn đề gì”.
Điều này khiến anh Vương rất vui mừng. Thế nhưng chỉ 2 ngày sau, vợ chồng anh nhận được thông báo từ chối cấp khoản vay của ngân hàng. Lý do được ngân hàng ghi rõ là vợ anh có một khoản nợ tín dụng đã quá hạn từ năm 2006. Khoản nợ chỉ vỏn vẹn... 1 NDT nhưng vẫn đủ để để lại vết đen trong lịch sử tín dụng, khiến ngân hàng đánh giá tiêu cực hồ sơ vay của anh.
Vợ anh Vương không hề biết mình còn nợ. Chị cho biết hồi đại học từng đăng ký thẻ tín dụng của ngân hàng để nhận quà khuyến mãi. Sau khi tốt nghiệp và chuyển đến Bắc Kinh, chị không còn sử dụng thẻ và đổi số điện thoại nên cũng không nhận được thông báo nợ xấu từ ngân hàng. Chỉ đến khi hồ sơ vay bị từ chối, người phụ nữ này mới phát hiện bản thân từng quên thanh toán 1 NDT, dẫn đến tình trạng quá hạn kéo dài nhiều năm. Trong hệ thống tín dụng, dù số tiền nhỏ, nhưng hành vi không thanh toán bị lưu lại cũng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vay vốn.
Tuy nhiên, anh Vương vẫn thắc mắc là tại sao khoản vay thế chấp mua nhà là anh đứng tên, không liên quan đến lịch sử tín dụng xấu của vợ nhưng vẫn bị ngân hàng từ chối. Để làm rõ vấn đề, người đàn ông này trực tiếp đến ngân hàng thì được nhân viên ở đây giải đáp: “Các khoản nợ do một bên đứng tên trong thời kỳ hôn nhân, về nguyên tắc, được coi là nợ chung của vợ chồng. Khoản vay của vợ anh cũng là nợ chung của hai vợ chồng. Do đó, nếu lịch sử tín dụng của vợ có nợ xấu thì khả năng hồ sơ vay của chồng bị ngân hàng từ chối là rất cao”.
Theo quy định của pháp luật Trung Quốc, các cặp vợ chồng khi vay mua nhà cần đảm bảo cả hai bên không có lịch sử tín dụng xấu. Hồ sơ được đánh giá dựa trên số lần và mức độ thanh toán trễ. Một hồ sơ được xem là xấu nếu có trên 3 lần trả chậm liên tiếp hoặc 6 lần trả chậm trong vòng 2 năm. Trường hợp của vợ anh Vương dù chỉ là một khoản nợ nhỏ từ nhiều năm trước, tuy nhiên vì không được xử lý đúng cách nên vẫn bị hệ thống ghi nhận.
Sau khi được nhân viên ngân hàng gợi ý, vợ anh Vương lập tức bay về quê nhà Vũ Hán – nơi chị mở thẻ tín dụng để thanh toán nợ và xin giấy xác nhận rằng khoản nợ quá hạn không mang tính cố ý.
Sau đó, hai vợ chồng anh Vương đã nộp bổ sung giấy xác nhận này vào hồ sơ vay và gửi lại phía ngân hàng. Lần này, khoản vay của họ cuối cùng cũng được duyệt.
Theo các chuyên gia tài chính, câu chuyện của vợ anh Vương không phải là trường hợp hiếm gặp. Trong những năm 2000, việc phát hành thẻ tín dụng cho sinh viên diễn ra rầm rộ ở Trung Quốc. Nhiều ngân hàng tiếp thị mạnh mẽ tại các trường đại học, khiến không ít sinh viên không có thu nhập ổn định và thiếu kiến thức tài chính đã rơi vào cảnh nợ nần. Hệ quả là đến năm 2009, Ủy ban Quản lý Ngân hàng Trung Quốc phải ra quyết định ngừng cấp thẻ tín dụng cho sinh viên để hạn chế rủi ro.
Bên cạnh đó, tại Trung Quốc, việc có lịch sử thanh toán không rõ ràng sẽ tạo ra một dấu hiệu không tốt cho độ tin cậy của người vay, khiến cho các ngân hàng lo ngại rủi ro khi cho vay. Trường hợp ngân hàng chấp nhận khoản vay khi bạn có lịch sử nợ xấu thì tỷ lệ lãi suất cho vay cũng sẽ cao hơn so với lãi suất của những người có điểm tín dụng tốt; hoặc bạn sẽ bị đặt giới hạn và điều kiện khắt khe khi cho vay. Do đó, để đảm bảo tín dụng tốt, mọi người nên tuân thủ các nguyên tắc quản lý tài chính cơ bản như đảm bảo trả nợ đúng hạn, giảm thiểu các khoản nợ để có một lịch sử thanh toán tốt.
(Theo Sohu)