Người đàn ông mua chung cư giá 1,7 tỷ đồng, dọn đến được 2 tháng thì phát hiện nhà “đã có chủ”, công ty quản lý BĐS thẳng thắn: “Không thể giải quyết được”

Bỏ ra một số tiền lớn để mua và cải tạo căn hộ mới, người đàn ông Trung Quốc chưa kịp tận hưởng cuộc sống thì bàng hoàng phát hiện mình đang sống trong nhà của người khác.
Năm 2022, ông Trịnh ở Giang Tô, Trung Quốc, đã chi hơn 500.000 NDT (hơn 1,7 tỷ đồng) để mua một căn chung cư trên địa bàn. Ngày đến nhận nhà, ông được đại diện đơn vị quản lý bất động sản dẫn đến một căn hộ nằm ở tầng 4. Dù ông Trịnh nhớ rõ nhà mình nằm ở tầng 5, nhưng trước sự quả quyết của người này, ông đành tin tưởng và dọn vào ở.
Hai tháng sau khi chuyển đến, khi cuộc sống của gia đình ông Trịnh tưởng như đã đi vào ổn định thì một người lạ xuất hiện trước nhà. Người này tuyên bố ngôi nhà ông Trịnh đang ở là của mình và yêu cầu gia đình ông phải sớm rời đi. Sự việc bất ngờ này xảy ra khiến ông Trịnh không khỏi sững sờ.
Qua trao đổi, đối phương khẳng định họ mới là chủ nhân hợp pháp của căn hộ trên và yêu cầu ông Trịnh khôi phục lại hiện trạng ban đầu của căn hộ. Bối rối và bất lực, ông Trịnh cùng người chủ thực sự của căn hộ kéo nhau đến gặp người đại diện đơn vị quản lý bất động sản để tìm lời giải thích. Tuy nhiên, cuộc đối thoại giữa 3 bên không đi đến kết quả. Người quản lý bất động sản sau đó đã từ chức khiến sự việc rơi vào bế tắc.
“Tôi đã nhiều lần xác nhận với người quản lý, và họ luôn khẳng định căn hộ đó là của tôi. Giờ thì mọi chuyện vỡ lở, tôi không biết phải làm sao,” ông Trịnh cho biết.
Theo lời kể, người đàn ông này đã đầu tư hơn 200.000 NDT (hơn 719 triệu đồng) để cải tạo căn hộ. Giờ đây, ngoài việc mất trắng số tiền đó, ông còn đứng trước yêu cầu phải dỡ bỏ toàn bộ phần cải tạo để trả lại tình trạng ban đầu cho chủ nhà thật sự. Ông cho rằng trách nhiệm này không thể đổ hết lên vai ông, bởi nếu không có sự nhầm lẫn từ phía người quản lý bất động sản, sự việc trên đã không xảy ra.
Bên cạnh đó, ông Trịnh cũng cho rằng yêu cầu khôi phục nguyên trạng của chủ sở hữu căn hộ là điều dễ hiểu. Họ hoàn toàn không hề hay biết căn hộ đã bị người khác cải tạo và đưa vào sử dụng trái phép. Những thay đổi về nội thất không phù hợp với nhu cầu cá nhân khiến họ không thể chấp nhận bàn giao trong tình trạng hiện tại.
Vậy bên nào sẽ chịu trách nhiệm trong vụ việc này?
Theo Điều 1.165 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, người gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác do lỗi của mình thì phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự. Trường hợp không thể chứng minh được mình vô tội, người gây ra hành vi xâm phạm phải bồi thường.
Bên cạnh đó, Điều 30 của “Quy định về quản lý mua bán nhà ở thương mại Trung Quốc” cũng nêu rõ: doanh nghiệp phát triển bất động sản phải bàn giao nhà ở thương mại đủ điều kiện sử dụng, đúng thời hạn và đúng căn hộ theo hợp đồng. Nếu vi phạm, đơn vị phát triển phải chịu trách nhiệm.
Trong vụ việc này, trách nhiệm ban đầu thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, đơn vị này khẳng định họ không liên quan vì việc bàn giao nhà cho khách hàng được ủy quyền cho công ty quản lý bất động sản, và sai sót đã xảy ra từ phía nhân viên quản lý.
Trong khi đó, ông Trịnh và chủ nhân thực sự của căn hộ thật sự đều không tìm được tiếng nói chung với đơn vị trên. Công ty quản lý bất động sản cho rằng trách nhiệm thuộc về nhân viên đã từ chức nên không thể giải quyết tiếp được. Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, công ty này không thể thoái thác trách nhiệm chỉ vì nhân viên đã nghỉ việc. Trong trường hợp này, ông Trịnh hoàn toàn có thể khởi kiện để đòi quyền lợi.
Dẫu vậy, một số ý kiến cũng cho rằng trong vụ việc này, bản thân ông Trịnh cũng có phần chủ quan. Khi được bàn giao căn hộ ở tầng 4 thay vì tầng 5 như đã ký kết trong hợp đồng, ông đã không kiểm tra kỹ càng. Trong quá trình cải tạo, nhiều lần ông có cơ hội nhận ra sự khác biệt về tầng hoặc cấu trúc, nhưng vẫn tiếp tục tiến hành. Điều này khiến ông không thể hoàn toàn đổ lỗi cho bên thứ ba.
Các chuyên gia pháp lý cho biết nếu cả hai bên đồng thuận, công ty bất động sản có thể làm trung gian dàn xếp, hỗ trợ hoán đổi căn hộ hoặc thương lượng khoản bồi thường tương xứng với phần chi phí cải tạo mà ông Trịnh đã bỏ ra. Nếu không đạt được thỏa thuận, một đơn vị thẩm định độc lập có thể được mời để đánh giá giá trị phần cải tạo, qua đó xác định mức bồi thường hợp lý.
Ngoài ra, các chi phí phát sinh từ việc khôi phục hiện trạng căn hộ – nếu cần thiết – nên được chia sẻ giữa công ty quản lý bất động sản và chủ đầu tư, vì đây là hậu quả từ lỗi bàn giao sai.
(Theo 360doc.com)