Người dân đổ về Quảng trường Thánh Peter cầu nguyện cho Giáo hoàng

Truyền thông thế giới ghi nhận dòng người đổ về Quảng trường Thánh Peter sau tin Giáo hoàng Francis qua đời. Hôm qua họ đến để nhận lời chúc lành, hôm nay họ đến để cầu nguyện cho ông.
Sáng 21-4 (giờ địa phương), chuông các nhà thờ trên khắp thành phố Rome đồng loạt vang lên, báo tin và bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của vị giáo hoàng.
Giáo hoàng Francis qua đời đúng vào ngày thứ hai sau lễ Phục sinh - một ngày lễ quốc gia tại Ý, thời điểm hầu hết người dân được nghỉ làm.
Phục vụ đến phút cuối cùng
Theo Hãng tin Reuters, ngay sau khi hay tin, người dân đã đổ về Quảng trường Thánh Peter. Cùng lúc đó, truyền thông quốc tế cũng nhanh chóng tập trung tại đây để đưa tin.
Trong phòng báo chí Vatican, người phát ngôn Matteo Bruni xúc động lau nước mắt khi gặp gỡ giới báo chí.
Giáo hoàng Francis đã dành những ngày cuối đời để phục vụ Giáo hội Công giáo, nỗ lực xuất hiện trong lễ Phục sinh - dịp lễ thiêng liêng và quan trọng nhất trong năm của Kito giáo.
Dù được khuyên nghỉ ngơi, vào thứ năm Tuần Thánh (ngày 17-4), Giáo hoàng vẫn đến thăm một nhà tù ở Rome, và đến ngày 19-4, ông tới Vương cung thánh đường Thánh Peter.
Với trọng trách của người đứng đầu Giáo hội, vào chủ nhật Phục sinh (ngày 20-4), Giáo hoàng Francis xuất hiện trước công chúng và ban phép lành "Urbi et Orbi" cho "thành phố (Rome) và thế giới" - một nghi thức quan trọng chỉ Giáo hoàng mới được cử hành.
"Thật phi thường khi Giáo hoàng qua đời đúng vào cao điểm phụng vụ của Giáo hội. Theo một cách nào đó, điều này phản chiếu thông điệp của lễ Phục sinh về cái chết và sự sống mới", phóng viên Christopher Lamb của Đài CNN nhận định.
"Trong những ngày cuối đời, Đức Francis đã tận hiến cho Giáo hội, tiếp tục chức vụ cho đến cùng. Ngài không từ chức, như một số người từng suy đoán. Ngài luôn thể hiện quyết tâm đi đến tận cùng, phục vụ đến giây phút cuối", phóng viên này viết thêm.
"Chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài"
Theo ghi nhận của AP, khắp nước Ý hiện treo cờ rủ để tưởng niệm Giáo hoàng Francis.
Nữ tu Monica Gonzales, đến từ Mexico, gọi sự ra đi của Giáo hoàng là "một mất mát lớn cho Giáo hội và toàn thế giới". Bà chia sẻ: "Ngài là một vị Giáo hoàng đã nỗ lực rất nhiều vì hòa bình và lợi ích chung của tất cả mọi người. Tất cả chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài".
Tại Quảng trường Thánh Peter, du khách Eva Bonnano đến từ Philadelphia (Mỹ) xúc động nói: "Hôm nay là một ngày rất buồn. Tôi thấy thật ấn tượng khi ông ấy đã vượt qua được lễ Phục sinh. Tôi nghĩ rằng đó là một phép màu dành cho nước Ý".
Còn với Johann Xavier, du khách đến từ Úc, người từng mong được gặp Giáo hoàng trong chuyến thăm Vatican, tin ngài qua đời khiến chuyến đi trở nên u ám. "Chúng tôi nghe tin ngay khi vừa đến. Điều đó như khiến chúng tôi gục ngã. Thật sự rất buồn", ông nói.
Tại Pháp, chuông nhà thờ Đức Bà Paris vang lên 88 hồi để tưởng nhớ Đức Giáo hoàng Francis - con số trùng với tuổi của ngài khi qua đời.
Theo Đài phát thanh Franceinfo, vào buổi trưa theo giờ địa phương, một thánh lễ tưởng niệm sẽ được cử hành tại nhà thờ này.
Cùng thời điểm, kênh BFM TV cho biết chính quyền thành phố Paris sẽ tắt đèn tháp Eiffel vào tối 21-4 để bày tỏ sự tiếc thương.
Các nghi thức tiễn biệt Giáo hoàng
Theo thông báo từ Tổng giám mục Diego Ravelli, người chủ trì các nghi lễ phụng vụ của Vatican, nghi thức phụng vụ chính thức đầu tiên dành cho Giáo hoàng Francis sẽ diễn ra lúc 20h ngày 21-4 (tức 1h sáng 22-4 giờ Việt Nam), với việc đặt thi hài của ngài vào quan tài.
Buổi lễ sẽ được cử hành tại nhà nguyện trong nhà trọ Thánh Marta - nơi Giáo hoàng Francis từng sinh sống. Tham dự nghi thức có trưởng Hồng y đoàn, thân nhân (nếu có) của Giáo hoàng, cùng các giám đốc và phó giám đốc của Sở Y tế Vatican.
Theo các nghi lễ mới do chính Giáo hoàng Francis phê chuẩn vào năm ngoái, thi hài sẽ được quàn trong nhà nguyện vài ngày trước khi chuyển đến Vương cung thánh đường Thánh Peter để công chúng chiêm ngưỡng. Sau đó, tang lễ sẽ được tổ chức, tiếp nối là mật nghị bầu Giáo hoàng mới.
Tuổi Trẻ Online đang tiếp tục cập nhật nội dung này.