Nhảy đến nội dung
 

Người bệnh tin '3 đồng thuốc, 7 đồng thực phẩm chức năng'

Nhiều người quen của tôi chẳng may đi nằm bệnh viện, ngoài thuốc còn phải mua các loại sữa, thực phẩm chức năng. Thuốc thì uống hết nhưng những thứ "phụ phẩm" đi kèm đó chẳng bao giờ dùng hết, lãng phí.

Hồi trước, tôi đi thăm bệnh, thường mua các loại sữa dinh dưỡng để biếu. Nhưng rút kinh nghiệm người bệnh "không dùng nổi", "uống không hết nửa hộp", sau này tôi chỉ mua một giỏ trái cây.

Đó là với tâm thế của một người thăm bệnh. Còn với người bệnh và người nhà, câu chuyện nặng gánh '3 đồng thuốc, 7 đồng thực phẩm chức năng' được chính một vị trong ngành y nhận định: "Người bệnh bán trâu bò, gà lợn để đi khám, nhưng ngoài 3 đồng tiền thuốc lại phải chi thêm 7 đồng cho thực phẩm chức năng".

Người bệnh, đặc biệt là ở quê, luôn mang một niềm tin gần như tuyệt đối vào bác sĩ. Toa bác sĩ kê, họ tin. Kê thêm gì, họ mua nấy, dù đó là loại thực phẩm chức năng không hề có tác dụng điều trị với tâm lý không bổ ngang cũng bổ dọc.

Về mặt lý thuyết, thực phẩm chức năng chỉ có vai trò hỗ trợ, tăng cường sức khỏe, không thay thế thuốc chữa bệnh, điều này được ghi rõ trên nhãn sản phẩm. Nhưng trong thực tế, giới hạn giữa "thuốc" và "sản phẩm hỗ trợ" lại bị làm mờ đi bởi chính cách kê toa của bác sĩ.

Từ góc nhìn người bệnh, họ không có chuyên môn để phân biệt, càng không có vị thế để từ chối. Một phần vì thiếu thông tin, phần khác vì tâm lý sợ mua thiếu sẽ ảnh hưởng kết quả điều trị. Còn với người nhà bệnh nhân, nhất là khi chạy chữa cho người thân mắc bệnh nặng, lựa chọn nào cũng là canh bạc và họ buộc phải đánh cược bằng tiền, bằng hy vọng.

Ở chiều ngược lại, đội ngũ bác sĩ, những người có kiến thức chuyên môn, lại đang đứng trước ranh giới mong manh. Dù đã có quy định rõ: không được kê thực phẩm chức năng trong toa thuốc, và thậm chí, bác sĩ không được tham gia quảng cáo sản phẩm sức khỏe, nhưng trên thực tế, không ít nơi vẫn lách bằng cách kê riêng một "phiếu tư vấn" hoặc "phiếu hỗ trợ", như một hình thức gợi ý kín đáo nhưng đầy sức nặng.

Không thể phủ nhận, có những bác sĩ thực sự nghĩ cho bệnh nhân, mong họ được bổ sung dinh dưỡng tốt hơn. Nhưng cũng không thiếu người lợi dụng lòng tin bệnh nhân để hợp tác ngầm với các hãng thực phẩm chức năng, nhận chiết khấu hoặc các lợi ích khác. Trong mô hình kinh doanh ấy, người chịu thiệt luôn là bệnh nhân.

Thông tư, quy định đã có; chế tài cũng đã đưa ra. Nhưng khi thực phẩm chức năng vẫn được kê tràn lan, câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ giám sát việc này đến cùng? Một tờ "phiếu tư vấn" không nằm trong đơn thuốc chính thức có được xem là vi phạm? Nếu không, thì bác sĩ vẫn có thể hợp pháp hóa việc gợi ý sản phẩm và tiếp tục vòng luẩn quẩn trục lợi trên niềm tin người bệnh.

Quy định hiện nay, bao bì thực phẩm chức năng phải ghi khuyến cáo "sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh". Bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế không được tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Thông tư 05 của Bộ Y tế ban hành năm 2016 quy định bác sĩ không được kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc. Do đó, bên cạnh đơn thuốc, hiện đa số bác sĩ kê riêng thực phẩm chức năng vào tờ giấy khác, thường được ghi là "Sản phẩm hỗ trợ" hoặc "Phiếu chỉ định", "Phiếu tư vấn"...

Một tuần nay, cơ quan công an liên tục triệt phá đường dây sản xuất kinh doanh sữa và thuốc giả, kém chất lượng. Hôm 12/4, Bộ Công an thông tin triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng.

Hôm 16/4, Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc và bắt giữ 14 người. 21 loại thuốc giả được sản xuất tại Hà Nội, TP HCM và An Giang, thu lời bất chính gần 200 tỷ đồng.

Sữa giả được bán ở nhiều nơi từ các cửa hàng bán lẻ, sàn thương mại điện tử, trúng thầu cung cấp cho bệnh viện.

Nguyễn Minh