Ngôi nhà chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn ở TPHCM

Hơn 2 tấn vũ khí, thuốc nổ, súng, đạn của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ được lưu lại dưới những căn hầm bí mật ở TPHCM.
Dịp lễ 30/4 năm nay, TPHCM đón hàng vạn người dân từ mọi miền đất nước đổ về tham dự chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Không chỉ tham dự các sự kiện, nhiều người đã dành thời gian đến các "địa chỉ đỏ", trong đó có chuỗi di tích Biệt động Sài Gòn.
Căn nhà gỗ được xây dựng từ những năm 1940 vốn là nơi bán cà phê, cơm tấm của vợ chồng ông Đỗ Miễn và vợ là bà Nguyễn Thị Sự. "Đỗ Phủ" có nghĩa là phủ (nhà) của họ Đỗ. Thời trước, nhiều lao động bình dân thường đến ăn ở quán.
Du khách tới đây được tìm hiểu những chứng tích của một thời hoạt động cách mạng bí mật. Nơi đây cũng lưu giữ bút tích của nhiều vị lãnh đạo.
Nhiều hình ảnh ông Đỗ Miễn và bà Nguyễn Thị Sự tại căn nhà hộp thư bí mật được lưu giữ ở đây.
Hầm bí mật sâu 3m nằm ở tầng hai của căn nhà, vừa đủ 1 người chui vào. Căn hầm này được ngụy trang dưới đáy chiếc tủ quần áo, khi có động hoặc bị lộ, các chiến sĩ biệt động vào bên trong tủ khóa trái cửa, mở nắp hầm và thoát thân ra con đường phía sau căn nhà.
Ngoài ra, bên trên tầng hai của căn nhà còn có hầm nổi rộng chưa đến 20cm chứa tài liệu và thư mật do chính ông Trần Văn Lai thiết kế và xây dựng. Hầm nổi được đào bên trong vách tường, ngụy trang dưới lớp sàn gỗ.
Ngay cạnh bồn rửa tay ở khu vực bếp có 1 ô gạch để các chiến sĩ giao liên giấu tài liệu. Buổi tối, bà Nguyễn Thị Sự sẽ đem lên lầu, sau đó giao lại cho chiến sĩ khác.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định trưng bày các bộ sưu tập hiện vật theo chủ đề vũ khí, xe cộ, vật dụng sinh hoạt, thiết bị thông tin liên lạc.
Hiện vật có số lượng nhiều là bộ sưu tập các loại vũ khí, bom đạn từng sử dụng trong những trận đánh. Đi kèm là hình ảnh của một số cuộc tập kích vào đối phương của lực lượng biệt động Sài Gòn.
Bảo tàng bắt đầu được xây dựng, sưu tập hiện vật từ cuối năm 2019, hiện có khoảng 300 hiện vật về quá trình hình thành, phát triển của lực lượng biệt động.
Hình ảnh những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa được lưu giữ trang trọng.
Nhiều vật dụng sinh hoạt như lon sữa, đồ đựng thức ăn, bình nước... được chiến sĩ biệt động tận dụng để cất thư mật, tiền vàng, thuốc men trong kháng chiến.
Đến thời điểm này, có ít nhất 7 cơ sở Biệt động Sài Gòn đã và đang được phục dựng. Đây là chuỗi di tích lịch sử được anh Trần Vũ Bình, con trai cố sĩ quan Biệt động Trần Văn Lai (bí danh Mai Hồng Quế) âm thầm đầu tư, trùng tu, phục dựng trong gần 20 năm qua.
Căn nhà 3 tầng nằm trên đường Hai Bà Trưng, phường Tân Định, quận 1, ngày trước là hiệu vàng lá Phú Xuân vốn là cơ sở hoạt động của bà Chinh, một trong những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn. Hiện nay, điểm di tích này đang trong quá trình phục dựng, tái hiện một thời kỳ lịch sử.
Đến đây, người xem có cơ hội tìm hiểu về lịch sử và sự phát triển của ngành vàng bạc tại Việt Nam, được xem quá trình chế tác các sản phẩm vàng bạc, vàng lá của Sài Gòn xưa... Ngoài ra còn có 2 di tích khác là xưởng sản xuất đồ trang trí nội thất ở Phú Nhuận và garage sửa chiếc Hino chở vũ khí tập kích dinh Độc Lập nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10.