Nhảy đến nội dung

Ngôi chùa từ thời Nguyễn, nơi có bức tranh 5 con rồng ẩn hiện trên trần điện

Mùa Phật đản 2025, Phật tử lại tìm về chùa Diệu Đế - ngôi cổ tự hàng trăm năm tuổi tại cố đô Huế, nơi có kiệt tác hội họa 'Long vân khế hội' trên trần điện.

Mùa Phật đản năm nay, chùa Diệu Đế một trong những ngôi cổ tự ở Huế được trang hòa rực rỡ, chào đón phật tử và du khách thập phương đến chiêm bái, cầu nguyện và khám phá vẻ đẹp độc đáo.

Từ xa xưa, nhắc đến chùa Diệu Đế người Huế luôn tự hào và coi đây như một danh lam tiêu biểu của Phật giáo trên vùng đất cố đô. Hàng năm, vào lễ Phật đản, ngôi cổ tự này thường thực hiện lễ Tắm Phật, rước Phật, thu hút hàng trăm phật tử gần xa.

Chùa được vua Thiệu Trị cho xây dựng vào năm 1844 (năm Giáp Thìn, Thiệu Trị tứ niên), kết cấu gỗ theo lối kiến trúc cung đình đặc trưng của triều Nguyễn.

Công trình đã trải qua nhiều lần trùng tu, quy mô về sau tuy không bằng ban đầu, nhưng vẫn giữ theo kiểu kiến trúc cũ. Kể từ khi ra đời ngôi chùa đã được triều Nguyễn xếp vào hàng Quốc tự (cùng với các chùa Giác Hoàng, Thiên Mụ và Thánh Duyên).

Khuôn viên chùa rộng khoảng 2.500 m2. Xung quanh có la thành bao bọc, cửa chùa hướng về sông Đông Ba và kinh thành Huế. Dù kiến trúc không uy nghi, tráng lệ nhưng một số ngôi cổ tự khác ở Huế, tuy nhiên chùa Diệu Đế lại mang một vẻ độc đáo riêng của sự cổ kính, tịch liêu.

Chùa Diệu Đế sở hữu lối kiến trúc Phật giáo Huế truyền thống với mái ngói cong vút, cột kèo chạm trổ tinh xảo. Bước vào khuôn viên chùa, du khách sẽ ngay lập tức cảm nhận được sự yên bình, thư thái bởi hàng chục cây cổ thụ cao lớn.

Điểm nhấn của ngôi chùa này là bức họa "Long vân khế hội" trên trần tòa chính điện. Hình ảnh những con rồng mạnh mẽ, uyển chuyển vờn mây, cùng nhau hội tụ được thể hiện một cách sống động và đầy nghệ thuật.

Theo một số thông tin tài liệu chép lại, bức "Long vân khế hội" không chỉ là một tác phẩm trang trí mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về mặt tâm linh và văn hóa. Rồng tượng trưng cho sức mạnh, quyền uy và sự linh thiêng, còn mây biểu thị sự tốt lành và may mắn. Sự hội tụ của rồng và mây thể hiện sự hòa hợp giữa trời và đất, âm và dương, mang đến sự an lạc và thịnh vượng. Trong không gian Phật tự, bức họa còn có thể ẩn chứa ý nghĩa về sự giác ngộ và giải thoát.

Theo các nhà sư tại đây, tòa chánh điện của chùa được hòa thượng Diệu Hoằng đứng ra tái kiến cùng với sự kêu gọi đóng góp của Đức Từ Cung (thân mẫu vua Bảo Đại), công việc này được thực hiện từ năm 1953 đến 1955 thì hoàn thành. Lễ khánh thành được tổ chức vào năm 1955 và bức "Long vân khế hội" được vẽ trong giai đoạn từ 1953-1955.

Đến với chùa Diệu Đế, nhiều du khách như lạc vào một thế giới khác. Tiếng chuông chùa ngân nga, làn hương trầm dịu nhẹ và không gian xanh mát, rợp bóng của những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tạo nên một bầu không khí thanh tịnh, lòng người trở nên an yên.

Chị Nguyễn Thu Hà (du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ: "Tôi rất thích không gian xanh mát và yên tĩnh ở chùa Diệu Đế. Những cây cổ thụ to lớn tạo nên một cảm giác rất cổ kính và linh thiêng. Bức họa rồng trên trần nhà thì quá tuyệt vời, tôi đứng ngắm mãi không rời mắt."

Anh Trần Văn Nam (phật tử địa phương) bày tỏ: "Chùa Diệu Đế không chỉ là nơi để tôi tìm về tâm linh mà còn là một không gian xanh rất đẹp. Những cây cổ thụ ở đây đã gắn bó với bao thế hệ người dân Huế. Vào dịp Phật đản, cả chùa như bừng sáng, nhưng vẫn giữ được sự thanh tịnh vốn có".

Những ngày này, chùa Diệu Đế được trang hoàng lộng lẫy với cờ, hoa, đèn lồng và các biểu tượng Phật giáo. Các hoạt động ý nghĩa như lễ rước Phật, tụng kinh, thuyết pháp, phóng sinh được tổ chức trang trọng, thu hút đông đảo phật tử và du khách.