Ngôi chùa gần 300 tuổi ở TP.HCM, nơi lưu giữ hơn 110 pho tượng cổ

Chùa Giác Lâm là một trong số ít các ngôi chùa cổ ở TP.HCM có tuổi đời gần 300 năm, hiện đang lưu giữ 113 pho tượng cổ được sơn thếp vàng.
Chùa Giác Lâm, hay còn gọi là tổ đình Giác Lâm, tọa lạc tại số 118 đường Lạc Long Quân, Q.Tân Bình. Đây là một trong những ngôi chùa cổ với tuổi đời gần 300 năm, được coi là tổ đình của Lâm Tế tông tại miền Nam.
Theo PGS.TS Trần Hồng Liên, năm 1744 nhóm người xã Minh Hương đã quyên góp của cải để xây dựng chùa trên vùng đất Gia Định. Ban đầu, chùa có tên là Cẩm Sơn, Sơn Can hoặc Cẩm Đệm. Năm 1772, chùa Cẩm Đệm như một niệm Phật đường, là nơi vãng cảnh, lễ bái của khách thập phương chứ chưa có tăng sĩ.
Năm 1774, khi thiền sư Viên Quang về trụ trì chùa và đổi tên thành chùa Giác Lâm. Năm 1798, chùa cũng được tiến hành cuộc đại trùng tu lần thứ nhất, thời gian kéo dài 6 năm. Cùng thời điểm, các cột gỗ quý được đưa về tạo vẻ nguy nga, tráng lệ, có chạm khắc phù điêu. Toàn chùa có 86 câu đối trên tổng số 98 cột tròn được chạm khắc.
Năm 1900, thiền sư Hồng Hưng Thạnh Đạo làm trụ trì, thuộc đời 40 của chùa, đã đứng ra trùng tu lần hai. Lần này có thay đổi một số nét kiến trúc như: xây vòng rào, lót gạch ở chính điện, làm lại vách nhà tổ, trang trí nền vách chùa bằng sành sứ.
Giai đoạn 1930 – 1945, là lần trùng tu thứ ba. Lần này trùng tu chủ yếu là xây lại vách chắn của chùa cho dày hơn; xây thêm vòng rào. thứ hai; chạm cẩn thêm các dĩa lên vách chùa… Thời gian này chùa là nơi nuôi chứa cán bộ hoạt động cách mạng.
Năm 1953, Đại đức Narada từ Sri Lanka sang tặng cho Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam một cây bồ đề và viên ngọc xá lợi Phật. Văn phòng giáo hội đặt tại chùa Giác Lâm. Xá lợi Phật do Đại đức Narada trao tặng cung nghinh vào tổ đình Giác Lâm ngày 24.6.1953, cùng với cây bồ đề.
Ngày 29.11.1970, lễ đặt viên đá đầu tiên khi xây dựng tháp thờ xá lợi Phật, với 7 tầng. Việc xây dựng tiến hành đến năm 1975 thì ngưng trệ. Lúc ấy tháp chỉ đặt được nền móng của tầng trệt.
Năm 1988, chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Mãi đến ngày 17.4.1993 mới làm lễ khởi công tái thiết bảo tháp. Và đến năm 1994, lễ khánh thành và cung nghinh xá lợi được tổ chức trọng thể.
PGS.TS Trần Hồng Liên cho biết thêm trên ngọn đồi thấp, ẩn mình trong những vòm cây, ngôi chùa như một chấm sáng khi đứng nhìn từ nơi chợ búa rộn ràng phía dưới xa và ngôi chùa vẫn giữ được vẻ thanh tịnh.
Theo năm tháng, tuy cảnh quan ngôi chùa có phần biến đổi, nhưng cho đến nay, vẫn giữ lại các khu vực chính như: khu tháp ngũ gia tông phái, vườn chùa, tháp cổ và khu vực chùa chính.
Kiến trúc chùa chính có cấu trúc mặt bằng chữ “tam”. Cấu trúc này là sự biến thể từ dạng cấu trúc “Nội công ngoại quốc”. Sườn nhà cũng kết hợp của loại nhà rường miền Bắc và sườn nhà đâm trính cột kê ở miền Trung. Trong chùa chính có chính điện, nhà trai và nhà giảng.
Tại khu vực chùa chính được ngăn cách với vườn chùa bởi 2 lớp hàng rào bao quanh. Ngôi chùa nằm trong khuôn viên hình chữ nhật, rộng 22 m, dài 65 m. Phía trước chùa có cổng Nhị quan được xây dựng vào năm 1939 - 1945.
Khu chính điện có hành lang phía trước, hai bên tả hữu là hành lang bao bọc kiến trúc gian này gần như vuông, được chia làm 5 gian. Ngoài ra, kết cấu sườn mái kiểu tứ tượng (tứ trụ), và tỏa ra thành 8 phần mái nhọn dần phía trên, còn gọi là dạng mái hình bánh ít. Mỗi đầu kèo ở hàng tư chùa đều tạc đầu rồng. Mái lợp ngói máng xối (âm dương). Hàng cột hai bên tả hữu chính điện được thay bằng lớp tường dày 30 cm.
Bên trong chính điện có nhiều bao lam, hoành phi, liễn đối sơn son thếp vàng, chạm trổ công phu, với nhiều đề tài, thể loại khác nhau. Mỗi hiện vật được tạo vào giai đoạn khác nhau. Sau lưng chính điện (bàn thờ chính) là bàn thờ tổ; treo ảnh các vị tổ từ thế hệ 33 đến 41, các bài vị, bát hương được đặt rất trang trọng. Đặc biệt tại bàn tổ còn đặt bài vị của người Minh Hương đã đứng ra dựng chùa…