Ngôi chùa gần 300 năm tuổi ở TP.HCM với kiến trúc cổ Nam bộ độc đáo

Chùa Phước Tường, gần 300 năm tuổi tại TP.HCM, mang đậm dấu ấn kiến trúc cổ Nam bộ. Đây là điểm đến tâm linh lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử Phật giáo Bắc tông Việt Nam.
Kiến trúc chùa cổ Nam bộ thuần túy
Chùa Phước Tường (P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức) thuộc hệ phái Bắc tông, được thiền sư Linh Quang - Phật Chiếu (1736 - 1788), đời thứ 35 của thiền phái Lâm Tế, sáng lập năm 1741.
Chùa Phước Tường được xây dựng trên khuôn viên rộng gần 30.000 m2, được bao phủ bởi những cây cổ thụ. Theo tư liệu của GS-TS Trương Ngọc Tường, kiến trúc chùa tổng thể tuân theo hình chữ L ngược theo phong cách chùa cổ Nam bộ thuần túy, gồm trục chính (chánh điện, tổ đường, giảng đường, sân thiên tỉnh, tăng đường, trai đường) và trục phụ là dãy đông lang (nơi nghỉ, kho, nhà bếp). Nội điện là nơi có nhiều tượng gỗ thếp vàng, liễn đối và hoành phi hàng trăm năm tuổi.
Là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời tại TP.HCM, chùa Phước Tường đã trải qua 11 đời trụ trì kế thừa, phát triển. Theo thầy trụ trì hiện nay - thượng tọa Thích Nhựt An, hiện chùa Phước Tường đang lưu giữ 53 pho tượng, 13 bức hoành phi, câu đối cùng nhiều bao lam, thần vọng, bài vị quý giá.
Giống nhiều chùa truyền thống ở Nam bộ, chùa Phước Tường bố trí theo nguyên tắc “tiền Phật hậu tổ” - trước thờ Phật, sau thờ tổ. Phía sau chánh điện là bàn thờ tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và 10 vị cao tăng từng trụ trì chùa.
Giảng đường (hay Bát Nhã đường) là nơi tu học của chư tăng, nổi bật với tượng Chuẩn Đề Vương - bồ vị tát có 3 mắt, 18 tay.
Sau giảng đường là sân thiên tỉnh và tiếp nối sân là nhà Giám Trai. Nơi đây thờ Mẹ Sanh - Mẹ Độ với bộ tượng 9 nữ thần, trong đó có 7 vị chính và 2 vị bồng con. Người dân tin rằng các vị thần rất linh, đặc biệt với những gia đình hiếm muộn.
Đặc biệt, tại đây còn có pho tượng nữ thần bằng sa thạch có niên đại từ thời Phù Nam, được phát hiện khi đào móng trong khuôn viên chùa. Tượng mang phong cách điêu khắc cổ Nam bộ, với búi tóc cao, trang sức trên đầu, mắt lộ, môi mỏng.
Điểm đến tâm linh bình yên
Khuôn viên chùa còn bố trí các không gian ngồi nghỉ, tiểu cảnh, cây cảnh xanh mát được chăm chút kỹ lưỡng. Du khách tìm được những khoảnh khắc yên bình khi ghé thăm chùa.
Chị Trần Mai Phương (40 tuổi, ngụ tại Q.9), một phật tử thường xuyên đến chùa, chia sẻ: “Mỗi lần gặp chuyện khó nghĩ, tôi lại đến chùa cầu an. Tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn hẳn”.
Anh Lê Minh Tuấn (38 tuổi, ngụ tại Q.2) cho biết, anh thường đến chùa vào mỗi dịp mùng 1 và rằm hằng tháng để phụ giúp nấu cơm chay, phát cho các phật tử đến viếng: “Chùa Phước Tường không chỉ là nơi lễ bái mà còn là chốn gửi gắm niềm tin, làm việc thiện và gieo duyên lành với mọi người”.
Chùa Phước Tường được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 43/VH-QĐ ngày 7.1.1993 của Bộ Văn hóa - Thông tin, và được cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa vào ngày 27.7.1993.
Vào các dịp lễ lớn, hàng ngàn phật tử và du khách thập phương tìm về vãn cảnh, chiêm ngưỡng không gian chùa cổ, đồng thời khấn nguyện bình an, cầu mong cuộc sống thuận hòa.
Các khóa tu học và giảng pháp được tổ chức thường xuyên tại hội trường Tịnh Độ - không gian riêng nằm phía sau nhà Giám Trai.
Nhiều năm qua, chùa Phước Tường còn duy trì phòng thuốc nam từ thiện, châm cứu miễn phí cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Theo thầy trụ trì - thượng tọa Thích Nhựt An, người tu hành không chỉ lo việc đạo mà còn cần gắn bó với đời, bởi "mọi việc làm cho đạo cũng cần mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống".