Nhảy đến nội dung
 

Ngôi chùa cổ ở ngoại ô Hà Nội sở hữu nhiều 'báu vật', có cả địa đạo chắc chắn

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, chùa Bối Khê (thuộc thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) là một trong những địa điểm du lịch tâm linh có tiếng, thu hút đông đảo du khách tới tham quan, chiêm bái.

Đây cũng là ngôi chùa cổ nổi tiếng bậc nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Với những giá trị quý giá về kiến trúc, lịch sử, văn hóa..., chùa Bối Khê được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, năm 2025.

Chùa Bối Khê tọa lạc trên khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng với tổng diện tích hơn 8.400m2. Đây là một trong những ngôi chùa vừa có quy mô lớn vừa có niên đại sớm ở vùng châu thổ Bắc Bộ.

Anh Nguyễn Văn Công - Trưởng ban tư vấn nghiên cứu nghi lễ chùa Bối Khê cho biết, chùa Bối Khê vừa thờ Phật, vừa thờ thánh (Đức thánh Nguyễn Bình An, dân gian gọi là Đức thánh Bối), nên sở hữu kiến trúc độc đáo.

Chùa có kết cấu theo kiểu “nội công, ngoại quốc” quay theo hướng Tây, bao gồm các hạng mục như vườn tháp, ngũ môn quan, cầu gạch, nhà bia - sắp lễ, chùa Phật, điện thánh, nhà tổ - nhà mẫu,...

Trước cổng chùa là khoảng sân rộng, ngoài cùng bên trái có một dãy 5 tháp, bên phải là đền thờ Đức Ông. Trong sân có 2 “báu vật xanh” được công nhận là cây di sản Việt Nam, gồm cây bồ đề và cây đa cổ thụ hơn 400 năm tuổi.

Bên cạnh đó còn có 3 cây hoa sen đất gắn liền với hình ảnh chùa Bối Khê.

Theo anh Công, chùa Bối Khê có nhiều điểm đặc biệt, ví dụ như cổng chùa, gác chuông.

Thông thường, các chùa chỉ có 3 cổng (gọi là tam quan) nhưng chùa Bối Khê có tới 5 cổng, gọi là ngũ môn. Chưa kể, nếu như ở các chùa khác, gác chuông thường chỉ có 1 quả thì ở chùa Bối Khê có tới 2 quả.

Hai cụm kiến trúc chính và quan trọng nhất của chùa Bối Khê là chùa Phật và điện thánh.

Chùa Phật bao gồm các tòa tiền đường, thiêu hương, thượng điện (nhà Tam Bảo), hai dãy hành lang và một phần của khu vực Đại Bái (nơi thờ tự chính của chùa Phật) dựng theo hình chữ “quốc”. Hậu đường kết nối với cung thờ thánh nằm ở phía sau tạo thành hình chữ “công”.

Ở khu vực này, nổi bật nhất là phần hiên tiền đường, hình chạm đặc biệt nhiều trên các vị trí đầu bẩy hiên, cốn hiên, xà nách và nóc cửa. Ngoài ra, còn có các hình nổi trên gạch trang trí bậc thềm.

Điện thánh có kết cấu theo kiểu chồng diêm 2 tầng, 8 mái đao cong được đón đỡ bởi hệ thống đấu củng, được xem như một tác phẩm tuyệt tác của nghệ thuật tạo hình.

Hiện chùa Bối Khê vẫn giữ được khá nhiều dấu tích từ ngày khởi dựng như bệ đá hoa sen thời Trần, chim thần Ga-ru-đa tạc bằng gỗ ở đầu đao thượng điện, chân đèn đá, tượng và gạch thời Mạc, tượng thời Lê có giá trị nghệ thuật rất cao.

Ngoài ra, trong chùa còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý, với 58 pho tượng lớn nhỏ trong đó có bức tượng Quan Âm 12 tay ngồi trên tòa sen đặt trên bệ đá, 2 cây đèn gốm thời nhà Mạc và 22 đạo sắc phong.

Điều đặc biệt là trong khuôn viên chùa Bối Khê còn có địa đạo dài 3km chạy qua. Đây từng là nơi du kích và người dân làng Bối Khê chiến đấu anh dũng đẩy lùi 3 lần tấn công của thực dân Pháp.

Hiện địa đạo được khôi phục lại một phần, đón khách xuống tham quan, trải nghiệm.

Hàng năm, lễ hội chùa Bối Khê diễn ra từ mùng 10 đến 12 tháng Giêng (âm lịch). Ngoài ra, tại chùa còn có lễ hội cầu mưa và tục kết chạ giữa hai làng Bối Khê - Tiên Lữ (làng Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ).

Lễ hội chùa là dịp để đông đảo du khách thập phương và nhân dân địa phương đến dâng hương lễ Phật, lễ thánh và tham dự các trò vui trong ngày hội.