Ngoài quầng mặt trời, vì sao có nhiều vòng sáng khác 'vây' quanh mặt trời sáng nay?

Bên cạnh quầng mặt trời (quầng sáng 22 độ) thường gặp, nhiều vòng sáng 'cực hiếm' khác cũng xuất hiện trên bầu trời Lạng Sơn, Thái Nguyên sáng nay. Đó là gì?
Sáng nay 12.5, dân mạng ào ạt chia sẻ hình ảnh nhiều vòng sáng xung quanh mặt trời được cho là xuất hiện ở Lạng Sơn, Thái Nguyên. Nhiều người vô cùng thích thú, thậm chí ngạc nhiên vì ngoài sự xuất hiện của quầng mặt trời (còn gọi là quầng sáng 22 độ) thường thấy thì còn có nhiều vòng sáng khác quanh mặt trời.
Anh Huấn Hoa Hồi (sống ở Lạng Sơn) cho biết đây là lần đầu tiên anh thấy có nhiều vòng sáng xung quanh mặt trời đến như vậy. Anh mô tả bên cạnh vòng sáng nhiều màu sắc, là quầng 22 độ, thì anh còn thấy nhiều vòng sáng màu trắng khác xung quanh và không biết đây là hiện tượng gì.
Chàng trai mô tả, sáng nay khu vực nơi anh sống thời tiết thay đổi đột ngột và anh bắt gặp hiện tượng này. Đến trưa, anh quan sát thấy quầng mặt trời vẫn còn xuất hiện. Theo anh, nhiều người dân địa phương cũng rất thích thú với hiện tượng này.
Là một người yêu thích thiên văn, chị Thảo (25 tuổi, ngụ TP.HCM) cũng theo dõi hình ảnh những vòng sáng xung quanh mặt trời được mạng xã hội chia sẻ rần rần sáng nay. Chị cho biết bên cạnh quầng mặt trời nhiều màu quen thuộc, chị tò mò không biết những vòng tròn màu sáng khác là gì.
Hiện tượng cực hiếm gặp
Quan sát những hình ảnh về hiện tượng xung quanh mặt trời được mạng xã hội chia sẻ sáng nay, anh Nguyễn Anh Tuấn, Cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn Nghiệp dư TP.HCM (HAAC) cho biết có tới 3 loại vòng sáng cùng xuất hiện trong lần này.
Thứ nhất là quầng mặt trời (quầng 22 độ) vẫn thường thấy. Sở dĩ nó có tên như vậy là vì bán kính của vòng sáng này luôn xấp xỉ bằng 22 độ. Hiện tượng này thường xảy ra khi tầng cao của khí quyển xuất hiện nhiều mây ti tầng. Những đám mây này là báo hiệu của nhiễu loạn khí quyển, thời tiết thay đổi đột ngột.
Ngoài quầng 22 độ, sáng nay còn xuất hiện hiện tượng hiếm gặp hơn chính là Paranthelion (hay còn gọi là Paranthelia nếu ở dạng số nhiều) xuất hiện ở góc 120° bên trái và bên phải của mặt trời, trên cùng một đường ngang với mặt trời (đường parhelic circle – vòng tròn song song đường chân trời).
Theo các phân tích, hiện tượng này rất hiếm gặp do ánh sáng bị phản xạ bên trong các tinh thể băng, trải qua hai lần phản xạ nội bộ, dẫn đến góc lệch khoảng 120°.
Ngoài ra, sáng nay còn xuất hiện một hiện tượng cực hiếm khác, là Wegener anthelic arc (tức là vạch cung đối nhật Wegener). Vị trí xuất hiện của chúng nằm ở phía đối diện với mặt trời - điểm đối nhật, tạo thành một cung cong hướng về điểm đối nhật, thường cao hơn so với tầm mắt người quan sát.
Nguyên nhân hình thành hiện tượng này do ánh sáng mặt trời bị phản xạ và khúc xạ nhiều lần trong các tinh thể băng lục giác lơ lửng trong khí quyển. Đường này mờ nhạt, khó thấy bằng mắt thường và thường chỉ được phát hiện nhờ ảnh chụp hoặc khi có điều kiện khí quyển lý tưởng (nhiều tinh thể băng định hướng tốt).
"Wegener Arc là một trong những hiện tượng đẹp và khó bắt gặp nhất trong tự nhiên, đòi hỏi cả điều kiện thời tiết đặc biệt và một chút may mắn", anh Nguyễn Anh Tuấn nhận định.