Ngoài miễn học phí, đề xuất Nhà nước lo cả dinh dưỡng cho trẻ mầm non

![]() |
Ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn. |
Chiều 22/5, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và Dự thảo Nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Đề xuất lo chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ mầm non
Ông Pham Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, đánh giá Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi rất có ý nghĩa, bởi đầu tư cho giáo dục là khoản đầu tư quan trọng nhất cho sự phát triển của đất nước.
“Ở giai đoạn mầm non, chúng ta không chỉ tổ chức ra một chỗ để giữ trẻ mà đây là chuyện tiếp cận giáo dục từ sớm, chăm lo dinh dưỡng quyết định tầm vóc và chất lượng dân số sau này. Có thể nói, 5 năm đầu đời nếu được chăm sóc tốt sẽ quyết định rất lớn cho chất lượng dân số sau này”, ông Mãi nêu quan điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đặt ra vấn đề rất lớn liên quan nội dung này, do đó, ông đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu sâu hơn. Trong đó, cần tính toán đến chuyện đầu tư nghiên cứu, có chương trình giáo dục mầm non phù hợp.
Đáng chú ý, ngoài nội dung miễn, hỗ trợ học phí, ông Mãi cho rằng dự thảo Nghị quyết cần bổ sung nội dung liên quan chế độ dinh dưỡng cho trẻ mầm non để kích thích sự phát triển của não bộ, đảm bảo những cơ cấu dinh dưỡng hợp lý cho sự phát triển tầm vóc.
“Nội dung này trong dự thảo Nghị quyết chưa có, chưa thể hiện được rõ, đề nghị nghiên cứu bổ sung”, ông nói.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng đề xuất nghiên cứu cơ chế khuyến khích xã hội hóa giáo dục mầm non để giảm gánh nặng cho ngân sách.
“Chỗ này cần đặt vấn đề mạnh hơn, nghiên cứu có chính sách mở hơn, linh hoạt hơn để khuyến khích đầu tư xã hội hóa giáo dục mầm non”, ông nói và đặt một số vấn đề: Có nên giao đất không thu tiền sử dụng đất, miễn thuế cho các cơ sở giáo dục mầm non?.
Ông Mãi cho rằng cần có những định hướng mạnh hơn để thu hút được nguồn lực xã hội tham gia vào giáo dục mầm non, khi đó chủ trương, chính sách phổ cập giáo dục mầm non mới đạt hiệu quả tốt nhất.
Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết có nội dung giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng đề án phổ cập giáo dục mầm non, trong đề án này, ông Mãi kiến nghị cần định hướng xây dựng để mầm non không chỉ là nơi giữ trẻ mà phải là giai đoạn quan trọng cho trẻ tiếp cận sớm với giáo dục, giúp trẻ phát triển toàn diện thể chất và trí tuệ, để sau này đất nước có chất lượng dân số tốt, nguồn nhân lực tốt.
Bổ sung cơ chế cho phụ huynh từ chối nhận hỗ trợ học phí
Với dự thảo Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, ông Phan Văn Mãi cho biết trong xã hội, điều kiện thu nhập của mỗi người là khác nhau, nên sẽ có những trường hợp không có nhu cầu miễn, hỗ trợ học phí cho con em.
Từ kinh nghiệm khi thực hiện chính sách hỗ trợ Covid-19 ở TP.HCM, ông Mãi đề xuất bổ sung cơ chế cho những người không có nhu cầu nhận phần hỗ trợ học phí này mà không phát sinh thủ tục, chi phí.
“Chính sách miễn, hỗ trợ học phí áp dụng cho tất cả đối tượng là để thể hiện tính công bằng, nhưng cần bổ sung cơ chế cho phép lựa chọn nhận hoặc không, người ta sẽ xem đó là phần đóng góp vào sự phát triển chung của giáo dục”, ông Mãi đề xuất.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) phát biểu tại tổ. Ảnh: Minh Phúc/Nld.com.vn. |
Tương tự, đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM), Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho hay theo dự thảo Nghị quyết, tất cả gia đình có con em trong đối tượng thụ hưởng dù học trường công lập hay dân lập, tư thục đều được hưởng chính sách miễn, hỗ trợ học phí.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khá giả sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng một tháng cho con em học ở các trường dân lập, tư thục. Mức miễn, giảm học phí vài trăm nghìn đồng không phải vấn đề quá lớn với các gia đình này. Do đó, có trường hợp phụ huynh tự nguyện không nhận hỗ trợ.
Đại biểu Đức cũng đề nghị bổ sung cơ chế tạo điều kiện, ghi nhận để các phụ huynh thuộc gia đình có điều kiện được từ chối nhận chính sách miễn, giảm học phí.
"Việc tự nguyện không nhận chính sách sẽ do cha mẹ tính toán. Nếu họ có điều kiện, không cần hỗ trợ mà chúng ta cứ lấy ngân sách ra chia đều sẽ không hiệu quả. Trong khi khoản tiền từ chối đó có thể quay trở lại cho ngân sách để hỗ trợ những đối tượng khác", ông Đức chia sẻ.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.