Nghiên cứu quan trọng bị ngừng cấp dữ liệu

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang là vấn đề cấp bách toàn cầu. Tuy nhiên, việc đo lường mức độ của chúng sẽ khó hơn do thiếu dữ liệu liên tục.
![]() |
Việc đo lường mức độ băng tan đang gặp trở ngại. Ảnh: Alamy. |
Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo vào tuần trước sẽ ngừng xử lý và cung cấp dữ liệu, vốn được sử dụng trong các nghiên cứu về tình trạng băng biển ở Bắc Cực và Nam Cực, vào cuối tháng 7 này. Việc theo dõi tình trạng băng biển rất quan trọng, cho phép các nhà khoa học hiểu được biến đổi khí hậu toàn cầu đang tác động đến Trái đất như thế nào.
Các nhà khoa học đang phân tích tác động dây chuyền từ mức băng biển thấp kỷ lục ở Nam Cực. Họ lo ngại rằng việc mất dữ liệu vệ tinh quan trọng từ chính phủ Mỹ sẽ khiến việc theo dõi những biến đổi nhanh chóng tại cả hai cực trở nên khó khăn hơn.
Trung tâm Dữ liệu Tuyết và Băng Quốc gia (NSIDC), trụ sở tại Đại học Colorado, hiện đang duy trì Chỉ số Băng biển. Đây là công cụ được sử dụng trên toàn thế giới để theo dõi phạm vi băng biển gần như theo thời gian thực. Trung tâm này cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ, cơ quan sở hữu các vệ tinh được trang bị thiết bị theo dõi băng biển, sẽ ngừng xử lý và cung cấp dữ liệu vào ngày 31/7.
Theo The Guardian, các nhà khoa học khí hậu từ lâu đã cảnh báo rằng các đợt cắt giảm ngân sách dưới thời chính quyền Trump đã nhắm vào nhiều chương trình liên quan đến khí hậu trên toàn bộ hệ thống chính phủ. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nghiên cứu mới gần đây cho thấy lượng băng biển ở Nam Cực giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Tiến sĩ Alex Fraser, đồng tác giả của nghiên cứu thuộc Chương trình Hợp tác Nam Cực của Úc (AAPP), nhấn mạnh tầm quan trọng dữ liệu băng biển từ NSIDC. Ông so sánh nó với “thiết bị đo nhịp tim số một” của cộng đồng khoa học. “Giờ đây chúng tôi phải ghép lại một bộ dữ liệu mới từ một thiết bị khác, không còn ngữ cảnh liên tục từng có”, ông nói.
NSIDC cho biết họ đang trích xuất dữ liệu từ một vệ tinh khác có độ phân giải cao hơn, nhưng cảnh báo rằng nguồn này có thể không hoàn toàn tương thích với dữ liệu hiện tại. Khi được hỏi lý do chính phủ ngừng cung cấp dữ liệu, tiến sĩ Walt Meier tại NSIDC trả lời rằng có thể do máy móc đã cũ và nguồn lực hạn chế đã khiến Bộ Quốc phòng lo ngại chi tiền để nâng cấp.
Ông Fraser nói thêm rằng xét tình hình hiện tại, sự gián đoạn này xảy ra vào thời điểm tệ nhất có thể. Băng biển có khả năng phản xạ năng lượng Mặt Trời trở lại không gian. Tuy nhiên, khi lượng băng biển suy giảm lâu dài, nhiều khu vực đại dương trên hành tinh phải tiếp xúc trực tiếp với năng lượng mặt trời, gây ra hiện tượng nóng lên ngày càng nghiêm trọng, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí PNAS Nexus.
Nhiều tảng băng trôi tách ra khỏi các thềm băng của lục địa. Quá trình này có thể khiến mực nước biển toàn cầu dâng nhanh hơn so với các mô hình hiện tại dự đoán. Tiến sĩ Sue Cook, nhà băng hà học thuộc AAPP cho rằng tốc độ băng vỡ vẫn chưa được dự đoán chính xác.
“Nếu băng biển mùa hè suy giảm nghiêm trọng nhưng vẫn tiếp tục sử dụng các mô hình dựa trên dữ liệu của những giai đoạn trước đây, chắc chắn chúng ta sẽ đánh giá thấp tốc độ Nam Cực góp phần vào việc dâng mực nước biển”, bà nói.
Người phát ngôn của Hải quân Mỹ xác nhận rằng việc xử lý dữ liệu từ chương trình vệ tinh khí tượng quốc phòng (DMSP) sẽ chính thức chấm dứt “theo đúng chính sách của Bộ Quốc phòng. Theo người này, DMSP là một chương trình liên kết do Lực lượng Không gian Mỹ sở hữu, được lên kế hoạch kết thúc vào tháng 9/2026 do không còn đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công nghệ thông tin của họ.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.