Nghĩa tình 'người cùng khổ' trong Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ

Những bệnh nhân trong Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ khi đối mặt với khó khăn vẫn sáng lên hai chữ "nghĩa tình".
Người dưng như người thân
Buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ (P.Tân An, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) đông nghẹt người, từ khu vực chờ, khám bệnh đến những phòng hậu phẫu, buồng bệnh. Có mặt ở đây mới thấy, nhân viên y tế và người bị ung bướu đã cố gắng nhiều thế nào trong việc chống chọi với căn bệnh nan y. Vì nhiều năm nay, họ phải điều trị trong điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, máy móc hay hư hỏng và quá tải bệnh nhân.
Bệnh nhân đông đúc lại hầu hết là người lớn tuổi. Một phòng bệnh nhưng nhiều hoàn cảnh, có người trằn trọc không ngủ được, có người yếu phải thở máy ô xy, có người căng thẳng sắp vào phòng xạ trị... Và cũng có người dù đã trải qua biết bao khó khăn trong đời sống, vẫn không thể cầm được nước mắt khi những cơn đau nhức hoành hành…
Những nét mệt mỏi không chỉ có trên gương mặt người bệnh, mà còn đối với thân nhân nuôi bệnh. Cuộc điều trị ung bướu dài hơi, nhiều người phải lỉnh kỉnh đồ đạc từ quê lên để tiết kiệm chi phí. Thiếu chỗ ngủ, họ trải chiếu dưới giường bệnh nghỉ ngơi, có người ngả lưng xuyên đêm trên băng ghế. Có người suy nhược vì nhiều tháng nay ngày ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà.
Hoàn cảnh khó khăn là vậy, nhưng tấm lòng của các bệnh nhân và thân nhân nuôi bệnh vẫn sáng lên hai chữ "nghĩa tình" rất đáng trân trọng. Bởi giữa họ dù là "người dưng", mỗi người một quê lên điều trị, nhưng từ sự đồng cảm, họ xem nhau như những người thân, sẵn sàng giúp đỡ qua lại, cho dù ai cũng khốn khó.
Những tháng qua, trong lúc điều trị ung thư tử cung, bà N. Th. Ng. (60 tuổi, H.Châu Thành, An Giang) đã nhiều lần xúc động vì câu chuyện tình người bệnh tật với nhau. Bà kể, những bệnh nhân ung bướu đa phần là người nghèo, thậm chí chạy vạy đủ đường chữa trị. Nhiều người bám trụ tới giai đoạn cuối lâm vào cảnh túng quẫn, kinh tế kiệt quệ. Vì vậy, những bệnh nhân giúp nhau không phải ở tiền mà ở tấm lòng san sẻ.
"Tình trạng phổ biến ở Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ là quá tải, 2 bệnh nhân nằm chung 1 giường. Bệnh ung thư này thì hay đau nhức, ai cũng cần có chỗ thoải mái để nghỉ ngơi. Vậy mà khi thấy người kia nặng hơn, thì người này sẵn lòng nhường cả giường để ra băng ghế hoặc ghế bố ngồi nghỉ đỡ. Bệnh viện ở đây cũng tử tế, ghế bố là cho mượn chứ không phải thuê như nơi khác", bà N. bộc bạch.
Nghe nói thế, bà Ph. Th. D. (42 tuổi) nằm giường kế bên cũng bùi ngùi xúc động. Người phụ nữ quê Hậu Giang cũng bị ung thư tử cung, cứ đi đi về về điều trị, nhưng có lúc sẽ nằm viện vài tuần liền để chờ xạ trị và vào hóa chất. Bà D. nhớ hoài những lần phải ở lại điều trị ngoài dự tính, bệnh nhân khác đã chia sẻ quạt gió trong những ngày nắng nóng hầm hực khiến bà hết sức biết ơn.
Theo bà D., thông thường một người bệnh sẽ có một người thân đi theo nuôi bệnh. Khi người thân đi ra ngoài, bác sĩ gọi tên đột xuất thì những người đi nuôi bệnh cùng phòng cũng giang tay ra giúp đỡ. "Có những bệnh nhân sức yếu phải kè, ngồi xe lăn đẩy đi, thậm chí là khiêng đi. Những lúc đó, tôi thấy người dưng mà tận tình y như người thân", bà D. trải lòng.
Tiếp sức ở Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ
Trong khi đó, ông Châu Văn Út (45 tuổi, H.Châu Thành, Đồng Tháp) đi nuôi người chị bị ung thư tử cung, sức khỏe yếu. Hơn 4 tháng qua, chị của ông đã trải qua 19 lần xạ trị, theo lộ trình còn 14 lần nữa. Chừng ấy thời gian nuôi bệnh, ông Út không chỉ cảm động với những nghĩa cử nhân văn, hào hiệp giữa những bệnh nhân K, người nuôi bệnh với nhau, mà còn trân trọng những hành động đẹp đến từ đội ngũ y tá, bác sĩ...
Theo ông Út, nhiều người trăn trở vì bệnh viện cũ kỹ, xuống cấp, phải chờ đợi máy móc điều trị vì hay bị hư hỏng. Còn về công tác chuyên môn thì chưa nghe ý kiến gì. Không những vậy, mọi người còn cảm kích tấm lòng của đội ngũ y, bác sĩ khi thường xuyên hỗ trợ cho bệnh nhân có thêm điều kiện chữa trị lâu dài.
"Chị tôi là con liệt sĩ, hoàn cảnh khó khăn. Khi mổ thì bệnh viện cho 6 triệu đồng, sau đó các bác sĩ còn vận động nhà hảo tâm cho nhiều đợt nữa, có khi vài trăm ngàn, có khi vài triệu đồng. Cơm nước thì cũng ít lo vì bệnh viện đã có bếp ăn từ thiện cho 2 cử sáng - chiều. Lúc bế tắc, đây là những món quà ý nghĩa, không nhỏ chút nào", ông Út tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Như Quang, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, cho biết mỗi ngày các khoa trong bệnh viện đều có ghi nhận các bệnh nhân khó khăn để vận động nhà hảo tâm hỗ trợ. Hiện, đoàn từ thiện kết nối với bệnh viện khá đáng kể, trung bình một tháng nhận được 100 - 200 triệu đồng. Tùy vào mức độ nặng nhẹ, có ca bệnh sẽ được phân bổ hơn 10 triệu đồng, hơn 20 triệu đồng...
Ngoài ra còn có những nguồn quỹ, đoàn từ thiện đích thân tới tới bệnh viện để trực tiếp hỗ trợ tiền mặt cho bệnh nhân. Nhiều cá nhân bác sĩ, y tá trong bệnh viện đăng ký hỗ trợ về chi phí điều trị, thức ăn cho người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng có vận động xe miễn phí để chở các bệnh nhân khó khăn xuất viện về nhà, trung bình 10 chuyến mỗi ngày đi khắp các tỉnh ĐBSCL. "Nhưng với số lượng bệnh nhân quá tải như hiện nay, sự giúp đỡ chỉ đáp ứng được một phần, bệnh viện cũng còn nhiều trăn trở…", bà Quang tâm sự.