Nghị sĩ Anh sau 2 lần gặp Bác: Tự bản Di chúc của Người đã nói lên tất cả

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Đại sứ Hà Huy Thông chia sẻ câu chuyện về nghị sĩ Anh - William Warbey - người đã hai lần gặp Hồ Chủ tịch khi ông đến thăm Việt Nam vào các năm 1957 và 1965.
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin Đại sứ chia sẻ những câu chuyện hay về Người mà ông biết?
Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), tôi nhớ đến câu chuyện của nghị sĩ Công Đảng Anh, William Warbey, người đã hai lần gặp Hồ Chủ tịch khi ông đến thăm Việt Nam vào các năm 1957 và 1965.
Ông William Warbey, sinh năm 1903 tại Hackney, London, là một học giả và chính trị gia Anh. Ông trở thành nghị sĩ Công đảng Anh từ 26/5/1855 đến 10/3/1966. Đây cũng chính là giai đoạn mà tình hình ở Việt Nam thu hút sự quan tâm của quốc tế, trong đó có dư luận Anh. Anh là 1 trong 5 nước Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ và tham gia ký kết Hiệp định Geneva về Đông Dương năm 1954.
Warbey có mối quan tâm sâu sắc đến Việt Nam và đã viết hai cuốn sách “Việt Nam: Sự thật - Vietnam: The Truth” xuất bản năm 1965 và “Hồ Chí Minh và cuộc đấu tranh vì một nước Việt Nam độc lập” (Ho Chi Minh and the struggle for an independent Vietnam) xuất bản năm 1972.
Sau 3 năm Hiệp định Geneva về Đông Dương (năm 1954) được ký kết, tháng 5/1957, Anh có đoàn nghị sĩ thăm Việt Nam giám sát việc thực thi Hiệp định ở miền Bắc và miền Nam. Ông William Warbey kể lại vào một ngày tháng 5/1957 đẹp trời, ông cùng đoàn nghị sĩ Anh dự bữa ăn sáng do Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tại sân vườn Phủ Chủ tịch.
Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chia sẻ về chiến lược chính trị của Việt Nam, đồng thời chỉ ra rằng việc thống nhất đất nước không chỉ là một cuộc đấu tranh quân sự, mà còn là một quá trình khôi phục các mối quan hệ kinh tế và giao tiếp giữa miền Bắc và miền Nam.
Vị nghị sĩ Anh nhớ lại, qua tìm hiểu riêng, họ được biết đã có một kế hoạch phát triển kinh tế tại miền Bắc. Trước đó, trong bài phát biểu nhân ngày 1/5 (năm 1957), Hồ Chủ tịch đã đề cập đến chủ đề chính về củng cố kinh tế miền Bắc, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ tiến tới thống nhất đất nước, phù hợp với Hiệp định Geneva.
Theo ông William Warbey, tại bữa ăn sáng này, ông đã hỏi cần có những sáng kiến gì để thực hiện được các điều khoản của Hiệp định Geneva. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gây ngạc nhiên cho mọi người khi nói rằng: Chúng tôi có thể kiên trì, thời gian ở phía chúng tôi. Bước đi đầu tiên là thống nhất thực tế, tức là khôi phục quan hệ giữa con người và quan hệ kinh tế giữa miền Bắc và miền Nam, đoàn tụ các gia đình và tái lập các tuyến giao thông, liên lạc… Điều này nhằm tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự thống nhất đất nước trong tương lai.
Ông Warbey nhận xét, tháng 5/1957, chưa có lực lượng Mỹ chiến đấu ở Việt Nam, không có Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia đang phát triển hoà bình, Anh, Pháp, Nga, Trung đều bận những vấn đề khác hơn vấn đề Đông Dương. Trên thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự kiến một chiến lược để giải phóng hoàn toàn, nhưng chờ thời.
Khi gặp đoàn nghị sĩ Anh tháng 5/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện mối quan tâm sâu sắc về tái thống nhất đất nước. Ông Warbey trích lại nhật ký ghi chép lại ý của Hồ Chí Minh nguyên văn là: “Việc tái thống nhất Việt Nam thông qua bầu cử tự do mang tính sống còn. Miền Bắc và miền Nam không thể sống thiếu nhau. Chúng tôi là một dân tộc cùng tiếng nói, tập quán và cách nhìn. Dưới quan điểm nhân văn và kinh tế, đây là điều căn bản”. Sau khi thăm miền Bắc 3 tuần, ông Warbey kể, đoàn nghị sĩ Anh đi miền Nam, gặp hỏi nhiều quan chức làm trong chính quyền Ngô Đình Diệm và người dân nói rằng, miền Bắc (thời Hồ Chí Minh) không tham nhũng và làm nhiều việc cho dân…
Bậc thầy cách mạng
Ông Warbey chia sẻ thế nào về Chủ tịch Hồ Chí Minh thời điểm năm 1945 khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, thưa Đại sứ?
Thăm Hà Nội tháng 1/1965, tới các viện bảo tàng, được hướng dẫn viên chỉ cho xem các ảnh ghi lại “Tuần cách mạng” ngày 19 - 25/8/1945 trên khắp cả nước, từ Hà Nội, Hải phòng, Lạng Sơn, Vinh đến Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Đà Lạt… và người dân đều hô vang “Tự do”, “Độc lập”, “Dân chủ”, “Nguyễn Ái Quốc”, “Hồ Chí Minh”… ông Warbey nhận xét: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp tạo nên “Các bậc thầy cách mạng”, theo dõi sát các cuộc nổi dậy sau Thế chiến thứ hai, chọn thời điểm lịch sử cho dân tộc làm cuộc cách mạng rung chuyển, đánh đổ thực dân Pháp, rồi khôn khéo đưa những người theo chủ nghĩa dân tộc vào thành viên chính phủ được công bố ngày 29/8/1945 trước khi đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 với sự tham dự của đông đảo quần chúng mà chính Cao uỷ Pháp Jean Sainteny cho rằng con số phải lên tới” hàng trăm nghìn người” tại Quảng trường Ba Đình.
Vẫn theo lời ông, khi nắm quyền, họ đã đưa ra các quy định tự do, dân chủ và bao dung hơn bất kỳ chế độ nào khi đó được các cường quốc bảo vệ và không sao chép bất kỳ mô hình nước nào ở Châu Á. Điều cho thấy Hồ Chí Minh là một chính khách ở tầm cao, thể hiện ở khả năng chọn thời điểm. Ngay từ năm 1937, Người đã thấy trước đế chế Nhật Bản sẽ rung chuyển trước sức ép của Trung, Nga và Mỹ.
Còn cuộc gặp lần thứ hai của ông Warbey với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì thế nào, thưa ông?
Ông Warbey kể, sau cuộc gặp giữa Mỹ và Anh tháng 12/1964 ở Washington, đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm hoà bình cho cuộc chiến ở Việt Nam. Ông Warbey cũng bắt đầu tham gia vào nỗ lực tìm kiếm hoà bình vào thời điểm Anh và Việt Nam chưa thiết lập quan hệ ngoại giao. Mọi tiếp xúc khi đó đều trên cơ sở không chính thức.
Sau khi được ông Cù Đình Bá làm về báo chí Việt Nam ở London cho biết ông Warbey cùng hai đồng nghiệp ở Quốc hội Anh được hoan nghênh đến Việt Nam, ông Warbey và vợ bắt đầu chuyến thăm Việt Nam 11 ngày bắt đầu từ 4/1/1965 để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhằm tìm hiểu về triển vọng cho một giải pháp hoà bình.
Ngày 11/1/1965, ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh (đã từng ở Anh đầu thế kỷ 20) khi đó đã hơn 74 tuổi, nhưng rất thân tình, minh mẫn, khoẻ mạnh, có sức cuốn hút và cực kỳ dí dỏm. Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn biết chính phủ Công đảng Anh đã sẵn sàng đưa ra sáng kiến hòa bình một cách độc lập với Mỹ hay chưa và thẳng thắn bày tỏ thất vọng về kết quả cuộc gặp cấp cao Anh với Mỹ tháng 12/1964.
Khi nghe ông Warbey giải thích và hỏi quan điểm Việt Nam về Hiệp định Geneva, Hồ Chủ tịch cho biết, luôn coi Hiệp định này là cơ sở để khôi phục hoà bình ở Việt Nam và sẽ tốt hơn nếu một hiệp định được quốc tế đảm bảo độc lập, thống nhất, trung lập về quân sự, tự do và không bị bên ngoài can thiệp, đồng thời được các nước quan tâm đến hoà bình ở khu vực cùng tham gia.
Sau đó, ông Warbey được Thủ tướng Phạm Văn Đồng trao đổi nội dung cụ thể hơn. Cá nhân ông thấy các đề nghị của phía Việt Nam nêu ra là hợp lý. Sau này, ông Warbey cho hay đã về nước báo cáo. Tháng 7/1965, Nghị sĩ Anh Harold Wilson phát biểu tại Quốc hội rằng: “Kẻ thù của đàm phán là kẻ thù của hoà bình”. Ông Warbey sau này cũng nhận định, từ năm 1965 đến 1969 đã mất những cơ hội hoà bình.
Nước Việt Nam tái sinh từ năm 1945
Ông Warbey có nhận xét gì sau hai cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Chí Minh hay không, thưa Đại sứ?
Ông Warbey đã nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm của Việt Nam và cuộc đời của Bác Hồ để rồi cho rằng: Nước Việt Nam tái sinh từ năm 1945.
Theo ông Warbey: Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nghèo, nhưng được thừa hưởng nền tảng giáo dục tốt, yêu nước, luôn gắn bó với nhân dân lao động, ra nước ngoài để học nghệ thuật và khoa học cách mạng trên thế giới, để rồi trở về làm cách mạng ở chính nước mình. Hồ Chí Minh là nhà chiến lược xuất chúng, đồng thời là người thực tế. Ngay từ năm 1931, Hồ Chí Minh đã thừa nhận: Con người khác nhau, không thể được tiếp cận giống nhau, nên họ phải có một khoảng tự do để tư duy và hành động. Hồ Chí Minh từng viết: Đảng phải chứng tỏ sự hy sinh và hỏi ý kiến dân, trao đổi với dân, minh bạch quá trình làm chính sách. Thông qua công việc hàng ngày, người dân biết ai là người lãnh đạo của mình.
Năm 1964, Việt Nam ở thời điểm có thể phát triển thêm một bước để tiến tới phát triển công nghiệp. ÔngWarbey nhớ lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Nhập máy móc của công nghệ của phương Tây, rồi ứng dụng phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của Việt Nam. Cuối cùng, chúng ta có thể sản xuất ra máy móc, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và vốn của chính mình và dần trở nên độc lập với bên ngoài trong trường hợp khẩn thiết.
Theo ông Warbey, Chủ tịch Hồ Chí Minh được người dân gọi là “Bác Hồ” yêu quý. Tầm nhìn và kinh nghiệm nhiều năm ở nước ngoài đã đem lại cho Người nhận thức về thế giới và khả năng dự báo cũng như sự nhạy cảm trong những bước ngoặt của lịch sử.
Ông Warbey tự hỏi điều gì là bí quyết để người dân yêu quý Hồ Chí Minh. Câu trả lời đơn giản chính là Hồ Chí Minh là con người của sự ấm áp, duyên dáng và cảm thông bao la, quan tâm và yêu quý đồng bào mình. Mối quan tâm của Người chính là nhân dân. Ngay sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, Người đã chủ trương tổ chức tổng tuyển cử thể hiện tầm nhìn chính trị và niềm tin tuyệt đối của Người vào nhân dân. Người nói: Phải bầu cử Quốc hội ngay, càng sớm càng tốt. Trong nước sẽ tăng cường niềm tin của nhân dân vào chế độ chính trị. Với thế giới, sẽ đem lại vị thế pháp lý cho chính phủ mà không ai có thể phủ nhận được.
Ông Warbey kể lại, vào ngày 10/5/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bản Di chúc với niềm mong mỏi toàn Đảng toàn dân đoàn kết đấu tranh, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và thịnh vượng, đóng góp xứng đáng cho cách mạng thế giới.
Theo ông Warbey, bản Di chúc tự nói lên tất cả cho ai muốn học để hiểu lịch sử chính trị, xã hội Việt Nam, để hiểu Nguyễn Ái Quốc hay ông “Nguyễn yêu nước” với tư cách là một con người, đến cuối cùng trở thành ngọn đèn tỏa sáng của cả Đông Nam Á và tất cả dân tộc, các nước bị áp bức.
Ông Warbey vẫn trích lời các lãnh tụ trên thế giới ca ngợi Hồ Chí Minh như:
Hoàng thân Sihanouk cho rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử của nhân dân Đông Dương và các dân tộc ở Châu Á, Châu Phi và Mỹ La tinh như biểu tượng của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Thủ tướng của Ấn độ Indira Gandhi từng viết: “Lòng vị tha, đức tính khiêm tốn, tình yêu với nhân loại, đức tự hy sinh và lòng dũng cảm của Người là nguồn động viên cho cho những người trên thế giới yêu tự do và hoà bình”.
Báo “Người bảo vệ” (the Guardian) của Anh ngày 13/9/1969 đã viết: “Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật hiếm hoi trong lịch sử mà đã hiểu và phản ảnh hoàn hảo những nguyện vọng của nhân dân mình và đã cống hiến cho việc phấn đấu và đấu tranh cho tự do của các dân tộc bị áp bức”…
Hiện Việt Nam có tư liệu gì về cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với ông William Warbey không? Câu nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Đại sứ thấy sâu sắc nhất?
Hai cuộc gặp này diễn ra từ 60-70 năm trước, nên khó giữ và tìm thấy tư liệu quý. Tôi tìm lại và thấy hơn ba trang (451 đến 454, tập 14) trong bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập có ghi lại ngày 11/1/1965, Hồ Chí Minh đã tiếp nghị sĩ Công đảng Anh William Warbey.
Khi ông William Warbey hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: Sau tất cả những cái đã xảy ra với nước Việt Nam, Cụ cho rằng có thể khôi phục tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Anh, Mỹ và Tây Âu được không?
Hồ Chủ tịch đã trả lời: Tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Anh, Mỹ và Tây Âu không bao giờ bị sứt mẻ, cho nên không có vấn đề khôi phục tình hữu nghị ấy. Nhân dân Việt Nam luôn luôn sẵn sàng tăng cường tình hữu nghị với nhân dân Anh, Mỹ và Tây Âu để chống bọn hiếu chiến và để gìn giữ hoà bình. (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, tập 14, trang 454).
Câu trả lời vừa thể hiện tình cảm vừa thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ đối với nhân dân các nước, phân biệt rõ ràng giữa người dân yêu chuộng hoà bình và người gây ra nỗi bất hạnh cho nhân dân ta.
Xin cảm ơn Đại sứ!